Thông tin cơ bản về vi khuẩn Ecoli
E.coli viết đầy đủ là Escherichia coli, là một loại vi khuẩn Gram âm, phân bố rất rộng trong môi trường sống, chúng thường có mặt trong thực phẩm, nguồn nước và đặc biệt là ký sinh trong ruột người.
Hình ảnh vi khuẩn E.coli (Nguồn: Internet)
Trong những trường hợp nhất định, vi khuẩn E.coli có thể giúp vật chủ nhờ sản xuất vitamin K2 và chống sự xâm lấn của một vài mầm bệnh khác, tạo nên một mối quan hệ cộng sinh.
Đa số các chủng E.coli là vô hại mặc dù ký sinh, chỉ một số dòng có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Vi khuẩn E.coli gây bệnh gì?
Như đã nói, vi khuẩn E.coli đa số là vô hại, thậm chí nó còn hỗ trợ quá trình tiêu hóa của con người. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ vi khuẩn E.coli có thể dẫn tới một số chứng bệnh sau đây:
- Tiêu chảy.
- Nhiễm khuẩn đường tiểu.
- Viêm màng não.
- Các nhiễm khuẩn trong hệ thống tiêu hóa.
Theo nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học Mỹ cho thấy, dòng vi khuẩn E.coli H30-Rx có khả năng lan truyền nhiễm khuẩn đường tiểu sang máu và gây ra nhiễm khuẩn máu cực kỳ nguy hiểm, còn gọi là nhiễm khuẩn huyết. Siêu vi khuẩn E.coli H30- Rx được cho là kháng hầu hết mọi loại kháng sinh thông dụng.
Vi khuẩn E.coli có lây không?
Gia súc là ổ chứa vi khuẩn E.coli nhiều nhất, đặc biệt là loài vật ăn cỏ nhai lại như trâu, bò, dê, cừu. Vi khuẩn cư ngụ trong đường ruột của những loài động vật này và được đào thải ra môi trường qua phân của chúng.
E.coli gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa thông qua việc ăn phải những thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh như thịt bò, trâu, dê, cừu, sữa bò chưa tiệt trùng, hoặc rau quả không rửa sạch.
Bạn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn E.coli nếu thường xuyên ăn thịt tái (Nguồn: Internet)
Vi khuẩn E.coli cũng lây truyền trực tiếp từ người sang người qua phân (chủ yếu từ bàn tay không rửa sạch sau khi đi vệ sinh, đồ vật nhiễm bẩn với phân của người bệnh). Vi khuẩn E.coli còn lây truyền qua đường nước do tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo, đi bơi ở các bể bơi công cộng, tắm sông, hồ bị nhiễm tác nhân gây bệnh.
Thời gian ủ bệnh thường là 2 – 10 ngày sau khi nhiễm khuẩn, trung bình là 3 – 4 ngày. Người lớn đào thải vi khuẩn trong phân khoảng 1 tuần và trẻ em có thể đào thải mầm bệnh qua phân đến 3 tuần.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm vi khuẩn E.coli
Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm:
- Đau quặn bụng và tiêu chảy cấp
- Phân có thể có máu, từ mức độ ít đến nhiều.
- Có thể có sốt hoặc nôn kèm theo .
Bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày. Một số trường hợp tiến triển nặng gây hội chứng tán máu suy thận cấp tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người già).
Chỉ cần một lượng nhỏ vi khuẩn đã có khả năng gây bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất và dễ tiến triển tới hội chứng tan huyết suy thận cấp (HUS). Người già cũng có nguy cơ biến chứng cao.
Điều trị nhiễm khuẩn E.coli
Đối với vi khuẩn E.coli H30 Rx, mặc dù kháng các loại kháng sinh thông thường nhưng chúng có thể bị tiêu diệt bởi một loại kháng sinh đơn giản hiện nay là nitrofurantoin. Tuy nhiên với loại kháng sinh này, bệnh nhân phải uống liều cao hơn và thời gian dài hơn.
Đối với trường hợp nhiễm vi khuẩn E.coli thông thường gây ra bệnh đường tiêu hóa thì cần điều trị bằng cách:
Bệnh nhân bị tiêu chảy do vi khuẩn E.coli cần phải uống nhiều nước để tránh mất nước (Nguồn: Internet)
- Nghỉ ngơi nhiều.
- Uống nhiều nước để giúp ngăn ngừa mất nước và mệt mỏi. Trong một số trường hợp, nếu mất nước quá nặng phải truyền dịch bằng đường tĩnh mạch.
- Uống thuốc chống tiêu chảy, lưu ý, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng loại thuốc này.
Biện pháp phòng ngừa nhiễm vi khuẩn E.coli
Để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn E.coli bạn nên thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Vệ sinh cá nhân: Bạn cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân hằng ngày, đặc biệt thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: Thực hiện ăn chín, uống chín, không ăn các thức ăn nghi ngờ là nguồn lây nhiễm theo khuyến cáo của cơ quan y tế, rửa thật sạch rau, hoa quả, thực phẩm trước khi chế biến, sử dụng. Hạn chế tập trung ăn uống đông người trong vùng đang có dịch.
- Sử dụng nước sạch trong ăn uống, sinh hoạt: Đảm bảo sử dụng nước sạch, tốt nhất là nước được khử khuẩn bằng clo theo đúng quy định cho ăn uống, sinh hoạt hằng ngày
- Vệ sinh môi trường sống: Đảm bảo tốt vệ sinh môi trường sống hằng ngày như vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, vệ sinh bồn cầu thường xuyên, thu gom rác, diệt ruồi nhặng. Tuyệt đối không phóng uế bừa bãi và không sử dụng phân tươi dưới mọi hình thức.
- Khai báo khi nghi ngờ mắc bệnh: Những người nghi ngờ bị mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị để tránh lây lan ra những người xung quanh và gây dịch.
Tài liệu tham khảo:
- Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
- Trang hellobacsi.com
- Trang Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở