Chờ...

Vi khuẩn HP có lây không?

(VOH) - Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày người, nó có thể gây viêm dạ dày cấp và mãn tính, dẫn đến những cơn đau dạ dày khó chịu (đau bao tử). Vậy loại vi khuẩn này có lây không?

Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ!

Tôi bị đau bao tử và dương tính với vi khuẩn HP. Hiện tại là tôi đã bị tái phát lần thứ 3. Lần đầu tiên và lần thứ 2 tôi điều trị ở Bệnh viện Bình Dân. Đến lần thứ 3, bác sĩ thay đổi thuốc đặc trị và có nói với tôi nếu không hiệu quả thì có khả năng vi trùng bị kháng thuốc, phải chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Vậy tôi muốn hỏi phương pháp điều trị HP có phức tạp không? Con vi khuẩn HP này là gì mà nguy hiểm đến vậy, làm sao để phòng ngừa cho người thân trong gia đình? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi.

PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

Chào anh!

Anh bị đau bao tử và được chẩn đoán xác định là do vi khuẩn HP. Con vi khuẩn HP này thật sự nguy hiểm, khi tình trạng viêm cứ tái đi tái lại trong thời gian dài thì hậu quả có thể gây ung thư dạ dày, ung thư ruột. Chính vì thế, nhiều người khi được chẩn đoán dương tính với vi khuẩn HP rất lo lắng và sợ hãi.

Theo như anh mô tả thì tôi nghĩ anh đã điều trị đúng ở những bệnh viện lớn của thành phố như Bệnh viện Bình Dân. Các bác sĩ đã điều trị kháng sinh nhưng chưa thành công, tình trạng bệnh cứ tái đi tái lại và bác sĩ cũng xác định là có thể vi trùng kháng thuốc.

vi-khuan-hp-co-lay-khong-voh

Vi khuẩn HP có thể lây truyền qua việc ăn chung, uống chung (Nguồn: Internet)

Thực tế, HP là loại vi trùng có thể lây truyền thông qua đường ăn uống. Trong bữa ăn gia đình Việt, nhiều người thường có thói quen ăn chung, gắp chung và chấm chung. Điều này rất dễ lây nhiễm HP qua đường ăn uống. Do đó, việc phòng ngừa lây nhiễm HP từ người này sang người khác là rất khó.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là “vô phương cứu chữa”. Anh có thể phòng tránh lây nhiễm HP cho gia đình bằng cách vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, trong bữa ăn chú ý các đường truyền nhiễm khác như chấm chung hay dùng chung đũa. Đặc biệt, nếu tình trạng cứ tái phát nhiều lần thì người thân trong gia đình anh có thể đi xét nghiệm bằng cách test hơi thở (không xâm lấn như nội soi). Hiện nay, anh có thể thực hiện test hơi thở ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, Trung tâm chẩn đoán Hòa Hảo.

Như vậy, vi khuẩn HP có thể do lây nhiễm qua lại, đó cũng chính là lý do vì tình trạng đau bao tử do nhiễm HP của anh cứ tái phát nhiều lần.

Về vấn đề vi trùng kháng thuốc, hiện nay, người ta có nhiều loại thuốc trị từ nhẹ nhất đến các loại thuốc phối hợp nặng hơn để tránh trường hợp kháng thuốc.

Ngoài ra, anh cũng cần lưu ý rằng đau bao tử không chỉ do vi khuẩn HP mà còn do yếu tố tâm lý, yếu tố thần kinh, thể chất làm ảnh hưởng và gây tái phát.

Do đó, tôi khuyên anh nên đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám lại để xem trong hơi thở còn HP hay không, nếu còn người ta sẽ cho anh phác đồ điều trị tích cực hơn. Thông thường, phác đồ ban đầu là 2 tuần lễ kháng sinh, 4 - 8 tuần điều trị duy trì. Đối với trường hợp của anh, tái phát nhiều lần thì có thể sẽ điều trị duy trì kéo dài trong nhiều tháng để niêm mạc dạ dày và tá tràng hoàn toàn sạch, không còn sung huyết nữa. Điều trị tích cực như vậy thì khả năng tái phát sẽ không cao.

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới