Dưới đây là một số gợi ý về cách chữa tiêu chảy tại nhà, đã được PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Bay chia sẻ trong Chương trình Phòng mạch FM, phát sóng trên VOH Radio – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.
1. Tiêu chảy là gì?
Theo bác sĩ Bay, tiêu chảy là tình trạng người bệnh đi đại tiện hơn 3 lần trong ngày. Phân ra ngoài thường lỏng, lợn cợn, kèm theo chất nhầy hoặc phân sống. Đôi khi, người bệnh đi đại tiện chỉ ra nước.
Một ngày đi đại tiện trên 3 lần thì bạn đã bị tiêu chảy (Nguồn: Internet)
Bệnh tiêu chảy thường có 2 giai đoạn là:
- Tiêu chảy cấp tính: Là tình trạng người bệnh đi đại tiện nhiều trong ngày (từ 3 – 8 lần/ngày). Tiêu chảy cấp tính thường xảy ra đột ngột, gây mất nước, một số bệnh nhân có thể sốt, đau bụng. Nếu quá trình mất nước nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến thần kinh, khiến người bệnh lờ đờ, mệt mỏi.
- Tiêu chảy mãn tính: Là tình trạng bị tiêu chảy kéo dài hơn 2 tuần. Các triệu chứng không xảy ra ồ ạt mà diễn ra từ từ nhưng kéo dài không khỏi.
2. Nguyên nhân gây tiêu chảy
Bác sĩ Bay cho biết, nguyên nhân gây tiêu chảy phổ biến nhất là nhiễm trùng đường ruột do ăn uống không hợp vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu chứa nhiều vi khuẩn. Hoặc không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn cũng dễ bị tiêu chảy.
Ngoài ra, bệnh tiêu chảy còn do một số nguyên nhân khác như:
- Sử dụng thuốc kháng sinh không đúng và kéo dài, không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà vi khuẩn có lợi trong đường ruột cũng bị mất đi. Ngoài ra, thuốc kháng sinh còn làm mất cân bằng niêm mạc ruột, gây nên bệnh tiêu chảy mãn tính.
- Do cơ thể không dung nạp đường lactose.
- Do các bệnh lý khác như tăng năng tuyến giáp, viêm đường ruột,…
3. Cách chữa bệnh tiêu chảy tại nhà
Bác sĩ Bay cho biết, bệnh tiêu chảy có thể điều trị tại nhà bằng thuốc hoặc thực phẩm. Nếu tiêu chảy gây mất nước dữ dội, có dấu hiệu sốt, mệt mỏi thì bạn cần được đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.
Dùng búp lá ổi để chữa tiêu chảy tại nhà (Nguồn: Internet)
Nếu tình trạng tiêu chảy nhẹ thì bạn có thể áp dụng các cách dưới đây:
- Uống dung dịch oresol để bù nước, bạn có thể mua ở tiệm thuốc Tây.
- Dùng 1 lít nước sôi để nguội pha với nửa muỗng cà phê muối và 2 muỗng cà phê đường để uống nếu không mua được oresol.
- Nấu nước gạo rang, pha thêm một chút muối, một chút đường (vừa uống) vào để uống, nước này sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của tiêu chảy.
- Nếu bị đau quặn bụng thì dùng gừng giã nhuyễn pha với nước ấm để uống.
- Nấu nước gồm hỗn hợp gừng, hương phụ, trần bì uống để chữa tiêu chảy.
- Dùng búp lá ổi, giã nát, thêm xíu nước và muối vào để uống. Trong lá ổi có chất chát làm se niêm mạc ruột, ngăn chặn các triệu chứng của tiêu chảy.
Ngoài các cách chữa tiêu chảy trên, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
- Nên ăn các thực phẩm lỏng, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, canh nước thịt hầm.
- Nếu bị tiêu chảy cấp thì nên nhịn ăn, chỉ uống nước muối đường và nghỉ ngơi.
- Không ăn các loại rau sống và thực phẩm nhiều chất xơ.
- Không ăn củ hành, củ cải, bí đỏ, tuy chúng rất tốt cho quá trình giảm béo nhưng đang bị tiêu chảy thì không nên ăn.
- Không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ.