Chờ...

Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể mất nước?

(VOH) - Cơ thể mất nước gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe mà ai từng trải qua mới thấy sợ. Tuy nhiên, nếu chú ý những dấu hiệu nhận biết thì bạn có thể khắc phục ngay, tránh gặp nguy hiểm.

1. Dấu hiệu nhận biết cơ thể bị mất nước

Cơ thể mất nước thường do bạn cung cấp không đầy đủ chất lỏng mỗi ngày. Ngoài ra, tình trạng mất nước có thể do các yếu tố khác như khí hậu khô nóng, hoạt động thể chất quá nhiều. Bên cạnh đó, bị tiêu chảy, uống nhiều bia rượu, nôn mửa và mắc bệnh tiểu đường cũng sẽ khiến cơ thể bạn dễ bị mất nước.

Bạn có thể nhận biết được tình trạng cơ thể mất nước qua những biểu hiện sau:

dieu-gi-se-xay-ra-khi-co-the-mat-nuoc-voh-1

Khô môi là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị mất nước (Nguồn: Internet)

  • Khô, dính môi.
  • Buồn ngủ hoặc mệt mỏi.
  • Khát nước.
  • Giảm lượng nước tiểu.
  • Chóng mặt, nhức đầu.
  • Không ra mồ hôi.
  • Da khô.
  • Tụt huyết áp.
  • Đau cơ.
  • Nhịp tim nhanh
  • Lơ mơ, giảm nhận thức.
  • Mất khả năng tập trung.
  • Ngất xỉu.

2. Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể bị mất nước?

Nếu cơ thể bị mất nước, bạn có thể gặp phải những tình trạng tồi tệ sau:

2.1 Phá vỡ tâm trạng và chức năng nhận thức

Mất nước dù ở mức độ nhẹ nhất cũng có thể khiến bạn dễ nổi cáu và ảnh hưởng tới hoạt động nhận thức như mức độ tập trung, trí nhớ kém, sự tỉnh táo.

2.2 Khó điều chỉnh thân nhiệt

Giữ đủ nước cho cơ thể là rất quan trọng trong quá trình kiểm soát thân nhiệt vì đổ mồ hôi là một cơ chế làm mát quan trọng trong hoạt động thể chất và đối phó với trời nóng. Khi mồ hôi mất đi mà không được bù lại, cơ thể sẽ không đủ nước để tạo ra mồ hôi, tiếp tục thực hiện cơ chế làm mát.

2.3 Ảnh hưởng đến thận

Mất nước nghiêm trọng có thể khiến thận bị tăng áp lực và ảnh hưởng tới chức năng của thận. Trong một số trường hợp, nó cũng có thể gây ra sỏi thận.

2.4 Quá trình trao đổi chất bị chậm lại

Khi cơ thể thiếu nước, sự trao đổi chất có thể bị chậm lại, khả năng loại bỏ chất thải và giải độc cũng bị ức chế. Một nghiên cứu cho thấy, nếu uống đủ nước sẽ làm tăng tỷ lệ trao đổi chất lên 30%, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

2.5 Tăng gánh nặng cho tim

Thể tích máu thường được điều chỉnh dựa trên lượng nước hấp thu và tiêu hao. Điều này có nghĩa, giảm thể tích máu có thể xảy ra qua mồ hôi và nếu bạn bị mất nước, tim sẽ khó bơm đủ máu tới cơ thể để điều chỉnh thân nhiệt.

2.6 Khô da

Sức khỏe của da phụ thuộc và lượng nước bạn uống vào. Bởi vì da chứa khoảng 30% nước góp phần tạo ra sự đàn hồi, độ mềm mại và khả năng phục hồi chống lại các yếu tố môi trường. Mất nước có thể gây khô da và cũng làm giảm độ đàn hồi của da.

3. Làm gì khi cơ thể bị mất nước?

Tất nhiên, để bù lại lượng nước đã mất của cơ thể, việc đầu tiên là bạn phải uống nhiều nước. Bạn nên bổ sung nước lọc ngay lúc mất nước, không nên dùng nước ngọt có gas, thức uống chứa caffein. Nếu bị mất nước nhẹ, bạn cũng có thể tiêu thụ thực phẩm chứa natri để dự trữ chất lỏng. Nên nhớ chỉ nên uống từng ngụm nước nhỏ, tránh bổ sung lượng nước lớn cùng một lúc vì điều này có thể làm dạ dày quá tải, dẫn tới buồn nôn. Ngoài ra, khi bị mất nước bạn có thể sử dụng thức uống có chứa chất điện giải – là khoáng chất có trong chất lỏng.

dieu-gi-se-xay-ra-khi-co-the-mat-nuoc-voh-2

Hãy bổ sung đủ nước mỗi ngày để tránh mất nước (Nguồn: Internet)

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị mất nước, bạn không nên cho trẻ uống nước lọc nhiều, vì có thể làm rối loạn nồng độ các chất điện giải trong cơ thể bé. Tổ chức Y tế thế giới khuyên nên cho trẻ uống một loại dung dịch để bù nước có chứa thành phần cân bằng các chất điện giải như kali, natri, clo và đường để khôi phục lại lượng dịch mất cho các bé một cách an toàn.

Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng, bạn cần phải đến bệnh viện để thăm khám và có hướng giải quyết thích hợp.

Lời khuyên: Vì cơ thể mất nước sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe nên bạn hãy bổ sung đầy đủ nước mỗi ngày (ít nhất 2.5 – 3 lít nước). Nếu uống nước lọc quá “nhàm chán” thì bạn có thể bổ sung nước bằng nước ép trái cây, nước mía (hạn chế với người có chỉ số đường huyết cao), nước canh,…Và lời khuyên cuối cùng là hãy nhớ uống nước ngay cả khi không khát để tránh mất nước.