Vì sao bị da khô?
Da khô là tình trạng da xuất hiện vảy khô, ngứa và nứt trên da. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở chân, tay và vùng bụng.
Các dấu hiệu nhận biết da đang bị khô, gồm có:
Da bong tróc - biểu hiện của da khô (Nguồn: Internet)
- Khô ráp da;
- Da khô nứt nẻ;
- Da khô tróc vảy, nặng hơn có thể bong da;
- Da khô sần;
- Da khô bị mụn;
- Da khô nhăn nheo;
Nguyên nhân gây khô da
Da khô có thể do bệnh lý hoặc do yếu tố môi trường, bao gồm:
- Thời tiết: Khi nhiệt độ và độ ẩm giảm mạnh, da thường bị khô. Tuy nhiên, tình trạng này còn xảy ra với người ở vùng sa mạc, nơi nhiệt độ cao, nhưng độ ẩm vẫn thấp.
- Nhiệt độ: Sưởi ấm, đốt củi, lò sưởi điện và tất cả các thiết bị sưởi khác có thể làm giảm độ ẩm dẫn đến khô da.
- Nước nóng: Tắm nước nóng có thể làm khô da nếu bạn tắm lâu. Bên cạnh đó, thường xuyên bơi lội, nhất là ở các bể có chứa nhiều clo cũng có thể làm khô da. Thường xuyên rửa mặt với nước nóng cũng khiến da bạn dễ bị khô.
- Xà phòng và các chất tẩy rửa: Các sản phẩm này chứa một số thành phần hút độ ẩm da. Nước khử mùi và xà phòng kháng khuẩn thường gây hại da nhất. Ngoài ra, nhiều loại dầu gội đầu cũng có thể làm khô da đầu.
- Ánh nắng mặt trời: Ánh nắng có thể làm khô da và các bức xạ tia cực tím có thể xuyên thấu qua lớp da trên cùng và gây hại ở lớp sâu hơn, làm da có nếp nhăn, nhão và chảy xệ.
- Các bệnh về da: Viêm da dị ứng hoặc tình trạng nhiều tế bào da chết tích tụ lại hình thành lớp vảy. Vảy đóng dày có khuynh hướng gây khô da.
- Thiếu vitamin: Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng, axit béo không bão hòa và các vitamin góp phần làm khô da. Thiếu hụt vitamin C và E sẽ khiến da bạn ngày càng bị khô ráp.
Da bị khô phải làm sao?
Trong hầu hết các trường hợp da khô, chế độ sinh hoạt và chăm sóc da tại nhà sẽ giúp cải thiện được tình trạng. Nếu da rất khô và đóng vảy, bạn có thể sử dụng các loại kem bôi không cần kê đơn. Thông thường, các loại kem trị khô da sẽ có chứa axit lactic hoặc ure.
Dùng kem dưỡng ẩm cho da (Nguồn: Internet)
Trường hợp da khô, dẫn đến viêm da, gây đỏ và ngứa cần đến gặp bác sĩ da liễu để thăm khám. Bác sĩ có thể chỉ định các loại kem có chứa hydrocortisone. Nếu da nứt và hở, bác sĩ có thể dùng gạc ướt để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Trong thời gian điều trị da khô, bạn cần tuân thủ các điều sau đây:
- Tắm mỗi ngày từ 5 – 10 phút.
- Tránh tắm nước nóng.
- Sử dụng xà phòng có tính chất dưỡng ẩm.
- Không chà xát vùng da khô.
- Lau khô da bằng khăn mềm.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm.
- Dùng máy tạo độ ẩm trong nhà.
Cách tạm biệt làn da khô tại nhà
Làn da khô nếu không được khắc phục mà kéo dài sẽ khiến chúng nhanh chóng bị lão hóa. Dưới đây là những cách để bạn ‘tạm biệt’ làn da khô, bong tróc của mình ngay tại nhà.
-
Uống nhiều nước hơn
Dù chăm sóc da bên ngoài như thế nào thì bạn cũng đừng bỏ qua việc cải thiện làn da từ bên trong bằng cách uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Bạn cũng có thể uống thêm sữa để dưỡng ẩm cho da.
-
Chăm sóc da bằng các mỹ phẩm dưỡng ẩm
Một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến để cải thiện làn da khô là sử dụng mỹ phẩm dưỡng ẩm. Bạn nên chọn các loại mỹ phẩm dưỡng ẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng để mang lại hiệu quả hơn.
Đặc biệt, hãy ưu tiên chọn các sản phẩm có chứa dầu tự nhiên như tinh dầu cà rốt, tinh dầu hạnh nhân, dầu vừng, dầu hướng dương,…
-
Bổ sung thực phẩm
Thực phẩm màu vàng và cam là lựa chọn hữu ích cho những làn da khô (Nguồn: Internet)
Bơ chứa nhiều vitamin E và C, các loại cá chứa omega-3 (các loại cá biển) và thực phẩm màu cam và vàng chứa vitamin A, B1 và C,…là những thực phẩm hữu ích cho những làn da khô.
-
Đắp mặt nạ tự nhiên
Mặt nạ từ đu đủ và bơ, lòng đỏ trứng gà và mật ong, mặt nạ dưa leo là những loại mặt nạ tự nhiên thích hợp để cải thiện tình trạng da khô.
Tài liệu tham khảo:
- Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
- Trang hellobacsi.com
- Trang vtv.vn