Chờ...

Viêm da tiếp xúc – dấu hiệu nhận biết sớm và cách điều trị nhanh nhất

VOH - Viêm da tiếp xúc là bệnh thường gặp về da, bệnh gây ra triệu chứng nổi ban và ngứa rất khó chịu. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn xử lý đúng cách khi chẳng may bị viêm da tiếp xúc.

1. Viêm da tiếp xúc là gì?

Bệnh viêm da tiếp xúc là một loại viêm da phổ biến, đó là phản ứng viêm cấp hoặc mạn tính của da với một số yếu tố trong môi trường khi tiếp xúc với da.

Viêm da tiếp xúc có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính và mọi nghề nghiệp khác nhau. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và công việc của người bệnh.

Mức độ trầm trọng của viêm da tiếp xúc tùy thuộc vào loại chất tiếp xúc, thời gian tiếp xúc dài hay ngắn và đặc biệt là tùy thuộc vào cơ địa của từng cá thể.

viem-da-tiep-xuc-dau-hieu-nhan-biet-som-va-cach-dieu-tri-nhanh-nhat-voh-1

Biểu hiện của viêm da tiếp xúc chủ yếu là ngứa ngoài da (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân viêm da tiếp xúc

Có nhiều nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc, bao gồm những nguyên nhân xuất phát từ yếu tố nội sinh bên trong cơ thể (liên quan đến yếu tố di truyền, cơ địa, sức đề kháng) và các tác nhân bên ngoài môi trường (thời tiết, hóa chất, ánh sáng, vi khuẩn,…).

Viêm da tiếp xúc được chia làm 2 nhóm là viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da tiếp xúc kích thích.

2.1 Viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi da có phản ứng dị ứng sau khi tiếp xúc với chất lạ. Phản ứng này khiến cơ thể giải phóng các hóa chất gây viêm làm da bị ngứa.

Nguyên nhân viêm da tiếp xúc dị ứng gồm:

  • Đồ trang sức như niken hoặc vàng.
  • Găng tay cao su.
  • Nước hoa hoặc hóa chất trong mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc da.
  • Chất độc cây sồi hay cây thường xuân.

Các tác nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng không phải xảy ra ở bất kỳ cá thể nào mà nó chỉ ảnh hưởng đến một số người nào đó có cơ địa dị ứng.

2.2 Viêm da tiếp xúc kích ứng

Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra khi da tiếp xúc với một chất độc hại. Các chất độc hại gây viêm da tiếp xúc kích ứng có thể gồm:

  • Axit pin.
  • Thuốc tẩy.
  • Nước chùi rửa cống rãnh.
  • Dầu lửa.
  • Chất tẩy rửa.
  • Bình xịt hơi cay.

3. Triệu chứng viêm da tiếp xúc

Như đã nói, viêm da tiếp xúc được chia làm 2 loại, tùy vào mỗi loại mà biểu hiện dị ứng da khác nhau.

3.1 Viêm da tiếp xúc dị ứng

Biểu hiện chính của da bị tổn thương là đỏ và ngứa. Trường hợp nặng có thể có chảy dịch rỉ viêm. Tổn thương có thể lan rộng ra cả ngoài vùng da tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Thông thường, triệu chứng xuất hiện sau nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày sau khi mẫn cảm với chất gây dị ứng.

3.2 Viêm da tiếp xúc kích ứng

Ở loại này, da bị tổn thương thường đỏ, nóng rát, ngứa và đau nhức. Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc với các chất kích thích.

4. Điều trị viêm da tiếp xúc

Trong hầu hết các trường hợp bị viêm da tiếp xúc, người bệnh có thể tự chăm sóc và điều trị bằng thuốc thì có thể kiểm soát được các triệu chứng và ngăn ngừa được biến chứng của viêm da tiếp xúc.

Vậy viêm da tiếp xúc dùng thuốc gì? Dưới đây là một số loại thuốc được dùng trong điều trị viêm da tiếp xúc:

  • Corticosteroid bôi ngoài da có thể được khuyến cáo cho những trường hợp viêm da tiếp xúc nhẹ đến trung bình.
  • Với những trường hợp viêm da tiếp xúc nặng, có thể dùng corticoid dạng uống trong thời gian ngắn để kiểm soát triệu chứng.
  • Nếu có nhiễm khuẩn hay nguy viêm da tiếp xúc bội nhiễm có thể dùng kháng sinh tại chỗ, uống hay tiêm tùy vào từng trường hợp cụ thể.
  • Lotion như calamine và tắm bằng bột yến mạch để giảm chảy mủ, mẩn ngứa có thể được dùng khi cần.

viem-da-tiep-xuc-dau-hieu-nhan-biet-som-va-cach-dieu-tri-nhanh-nhat-voh-2

Bị viêm da tiếp xúc nên dùng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Người bị viêm da tiếp xúc nên tránh sử dụng thuốc kháng histamin dạng bôi ngoài da. Nếu bệnh nhân ngứa nhiều, có thể dùng một đợt thuốc uống kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ.

Hầu hết các trường hợp viêm da tiếp xúc thường hết sau 2 đến 4 tuần không tiếp xúc với dị nguyên, nên bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, hãy đến gặp bác sĩ nếu phát ban gần mắt hoặc miệng, xuất hiện một vùng dị ứng rộng lớn trên cơ thể, hoặc không cải thiện với điều trị tại nhà.

5. Viêm da tiếp xúc cần kiêng gì?

Để tình trạng viêm da tiếp xúc được điều trị nhanh chóng thì người bệnh cần chú ý kiêng những điều sau đây:

  • Kiêng tiếp xúc với chất mà bạn nghi ngờ là tác nhân gây viêm da tiếp xúc.
  • Hạn chế tối đa việc gãi ngứa vì càng gãi thì triệu chứng ngứa sẽ càng gia tăng.
  • Hạn chế tiếp xúc hay tới gần các loại côn trùng hoặc nơi có nhiều phấn hoa.
  • Kiêng ăn một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như thịt bò, dê, gà, hải sản (tôm, cua, mực, ghẹ,…),…Bạn có thể kiêng các loại thực phẩm này trong quá trình điều trị viêm da tiếp xúc, khi khỏi bệnh thì có thể ăn lại bình thường.
  • Không nên mặc quần áo bó sát, chật chội trong quá trình bị viêm da tiếp xúc. Điều này giúp bạn tránh khỏi những khó chịu, những vết xước trên da.
Bình luận