Chờ...

Dị ứng son môi: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục

(VOH) - Không phải ai cũng có thể sử dụng được tất cả các loại son môi, đôi khi chọn phải loại son không phù hợp với cơ địa cũng có thể gây dị ứng, và khi bị dị ứng son môi phải xử lý như thế nào?

Son môi là công cụ làm đẹp không thể thiếu của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, vì lý do nào đó bạn có thể bị dị ứng son môi. Đây không phải là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng nó lại rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và việc ăn uống hằng ngày. Do đó, là phụ nữ, bạn nên biết cách giải quyết khi chẳng may bị dị ứng với son môi.

Nguyên nhân gây dị ứng son môi

  • Do sử dụng son kém chất lượng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dị ứng son môi, tuy nhiên, chất lượng son vẫn là yếu tố hàng đầu mà chúng ra cần phải quan tâm đến. Nhiều loại son ngày nay vì để đáp ứng nhu cầu giữ được màu lâu, lên màu đẹp nên nhà sản xuất thường cho vào một lượng chì rất lớn, vượt qua liều lượng an toàn cho con người.

Việc tiếp xúc lâu dài với chì có thể xảy ra hiện tượng dị ứng. Thông thường, phụ nữ sử dụng son môi trong suốt thời gian ở cơ quan, ra ngoài đi dạo hay đi mua sắm, trung bình phải có hơn 12 tiếng mỗi ngày phụ nữ tiếp xúc trực tiếp với son môi. Nếu dùng phải son kém chất lượng, việc dị ứng son môi là điều tất nhiên sẽ xảy ra.

di-ung-son-moi-nguyen-nhan-bieu-hien-va-cach-khac-phuc-voh-1

Dùng son rẻ tiền, kém chất lượng dễ bị dị ứng son môi (Nguồn: Internet)

  • Do cơ địa nhạy cảm

Bạn có thể dị ứng với một vài thành phần của son do cơ địa bạn quá nhạy cảm. Nếu bạn có tiền sử bệnh mề đay, mẩn ngứa, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc thì nguy cơ bị dị ứng son môi sẽ cao hơn.

  • Sử dụng son quá hạn

Son môi là một sản phẩm tổng hợp, dù là chiết xuất từ thiên nhiên thì nó cũng cần chất giữ màu hay tạo độ bóng với nhiều lượng cho phép. Do đó, khi hết hạn sử dụng, những chất này có thể bị biến chất, trở nên có hại cho cơ thể người và gây ra hiện tượng dị ứng son môi.

Ngày nay, không chỉ phụ nữ sử dụng son môi mỗi ngày mà cả nam giới, đặc biệt là giới nghệ sỹ, cũng dùng đến son môi để quay hình cho đẹp và “ăn ảnh”. Do đó, việc dị ứng son môi cần được quan tâm và biết cách điều trị cũng như phòng ngừa hợp lý.

Dấu hiệu dị ứng son môi

Tùy theo mức độ dị ứng son môi mà bạn sẽ có các dấu hiệu nhận biết khác nhau, tuy nhiên có thể dễ dàng nhận biết chứng dị ứng son môi qua một số dấu hiệu sau:

  • Môi bị thâm sạm dần theo thời gian

Đây chính là dấu hiệu môi bạn đã nhiễm độc chì do son màu kém chất lượng.

  • Sưng, viêm, tấy đỏ

Đây là dấu hiệu của chứng tổn thương mô ở môi, viêm nhiễm có thể xảy ra và gây hoại tử môi.

  • Có mụn li ti xung quanh rìa môi

Nhiều trường hợp dị ứng son môi có cả mụn mủ trên viền môi gây đau nhức và biến dạng môi.

  • Môi khô, nứt nẻ, tróc da, chảy máu

di-ung-son-moi-nguyen-nhan-bieu-hien-va-cach-khac-phuc-voh-2

Dị ứng son khiến môi bị khô nứt nẻ (Nguồn: Internet)

Đây là một bất tiện lớn đối với nhiều chị em, tuy nhiên đây không chỉ là dấu hiệu của việc thiếu nước mà còn biểu hiện cho chứng dị ứng son môi, ngộ độc ở môi.

  • Đau rát, khó chịu khi ăn uống hay mở miệng

Đây là biểu hiện của việc bị viêm nhiễm mô ở môi. Môi có thể đã bị nhiễm nấm, vi khuẩn.

Dị ứng son môi phải làm sao?

Khi nhận thấy có dấu hiệu bị dị ứng son môi, việc đầu tiên bạn cần làm là ngưng sử dụng các loại son bạn đang sử dụng. Để xác định chính xác nguyên nhân và chữa trị hiệu quả thì bạn cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để thăm khám. Các bác sĩ da liễu sẽ chẩn đoán và hướng dẫn bạn điều trị đúng cách.

Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để giúp bạn chữa trị. Khi đó, bạn nên tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự tiện bôi hay uống bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ da liễu.

Ngoài việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng nên lưu ý:

  • Nếu bạn nào có thói quen hay liếm môi thì từ nay nên bỏ thói quen này đi, vì càng liếm môi càng làm cho môi bị khô và nứt nẻ. Ngoài ra vi khuẩn trong nước bọt có thể làm cho vết thương càng thêm nặng hơn.
  • Cân đối chế độ dinh dưỡng, nên ăn các loại axit béo có trong các loại hạt, bơ, chất sắt và các chất giàu Vitamin B,…hạn chế ăn đồ cay, nóng.
  • Để đảm bảo an toàn bạn có thể dùng các loại son có thành phần thiên nhiên của các hãng mỹ phẩm uy tín, vừa tôn lên được vẻ đẹp của bạn, vừa đảm bảo an toàn.
  • Khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để không bị nhiễm trùng, nên chọn loại khẩu trang có bản to để không bị cọ xát làm chảy máu vết thương.
  • Khi bị dị ứng có thể bạn sẽ cảm thấy rất ngứa ngáy nhưng nhất định không được cào gãi vì trong móng tay của bạn có chứa nhiều vi khuẩn nên khả năng lây cao, làm cho vết thương lở loét và nặng hơn.
  • Khi vết thương đang hoành hành các bạn ăn uống phải khéo léo, cho gọn muỗng vào miệng, không cho đồ ăn có vị quá mặn hoặc chua chạm vào vết thương sẽ rất rát.
  • Khi sử dụng mỹ phẩm hay kem dưỡng da thì không được để mỹ phẩm dính lên môi.

Trên đây là một số thông tin hữu ích về dị ứng son môi, hy vọng bạn sẽ có thêm kiến thức và biết cách xử lý khi chẳng may bị dị ứng.