Viêm da dị ứng và thuốc điều trị

( VOH ) - Viêm da dị ứng là bệnh rất dễ mắc phải, khi thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

Viêm da dị ứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi và cần dùng thuốc điều trị phù hợp.

1. Viêm da dị ứng là bệnh gì?

Viêm da dị ứng là bệnh lý thường gặp của da. Đây là bệnh mãn tính và có xu hướng bùng phát rồi tự khỏi sau một khoảng thời gian.

Bệnh viêm da dị ứng làm cho da trở nên nóng, ngứa, khô và tróc vảy. Mảng da khô xuất hiện ở vùng da đầu, trán và mặt. Khi bạn bị viêm da dị ứng, bạn có thể đồng thời bị một bệnh lý khác như hen hoặc viêm mũi dị ứng.

2. Triệu chứng viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng có 4 triệu chứng rất điển hình là đỏ da, ngứa da, nổi sẩn và nổi mụn nước. Đỏ da, ngứa da, nổi sẩn là những triệu chứng bao giờ cũng xảy ra ở người bệnh.

viem-da-di-ung-va-thuoc-dieu-tri-voh-1

Biểu hiện nổi sẩn do viêm da dị ứng (Nguồn: Internet)

Trong một số trường hợp nhạy cảm quá mức hoặc nhiễm bệnh nặng hơn, trên vùng da dị ứng có thể xuất hiện các mụn nước. Các mụn nước này có nước và có thể có mủ phía dưới. Mụn nước sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn và làm cho bệnh trở nên phức tạp và khó điều trị hơn.

Đối với trẻ sơ sinh, bệnh đặc trưng là những vết đốm viêm rỉ nước và màng đóng vảy xuất hiện trên mặt, cổ và bẹn. Viêm da dị ứng ở trẻ em và thiếu niên, thể bệnh hay gặp là viêm da nếp gấp, nhất là ở các hố trước xương trụ và hố khoeo. Người lớn mắc viêm da dị ứng thường có tổn thương khu trú, biểu hiện dưới dạng chàm.

3. Nguyên nhân viêm da dị ứng?

Có nhiều nguyên nhân gây viêm da dị ứng như:

  • Di truyền: Khi cả cha và mẹ đều bị viêm da dị ứng thì trên 80% các con đều có biểu hiện bệnh. Nếu chỉ có cha hoặc mẹ bị bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh của các con là hơn 50%.
  • Nguyên nhân khác: Việc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như tiếp xúc với vật phẩm y tế, nước bẩn, hóa chất, lông chó, lông mèo, mỹ phẩm, dị ứng với thực phẩm như trứng, tôm, cua,…dễ khiến bạn bị viêm da dị ứng, tình trạng này còn được gọi là viêm da dị ứng tiếp xúc.

Ngoài ra, những người có tiền sử với bệnh chàm, viêm mũi dị ứng hay hen đều cũng có nguy cơ bị viêm da dị ứng.

4. Cách chữa viêm da dị ứng

Không có phương pháp điều trị bệnh viêm da dị ứng một cách triệt để, nhưng có thể điều trị để làm giảm các triệu chứng. Mục đích điều trị bao gồm:

  • Ngăn không cho bệnh diễn tiến xấu đi hoặc bùng phát bệnh.
  • Giảm đau, giảm ngứa.
  • Giảm cảm giác khó chịu hay yếu tố nguy cơ gây ra.
  • Ngăn nhiễm trùng.
  • Giúp da không bị dày lên.

Việc chữa viêm da dị ứng cần có sự phối hợp giữa việc dùng thuốc, chăm sóc da và thay đổi lối sống. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc dưới đây:

4.1 Thuốc bôi ngoài da

  • Thuốc giữ ẩm

Việc điều trị giữ ẩm cho da là bước rất quan trọng trong điều trị viêm da dị ứng. Khi bị dị ứng nhẹ, bạn nên chọn loại kem trung tính, không có chất thơm hoặc chất bảo quản. Nên bôi thuốc lên các vùng da khô 1 – 2 lần mỗi ngày, tùy theo tình trạng khô da. Lưu ý: Trước khi bôi các loại kem giữ ẩm da, bạn cần kiểm tra xem nó có phù hợp với da của mình hay không.

viem-da-di-ung-va-thuoc-dieu-tri-voh-2

Điều trị viêm da dị ứng chủ yếu dùng thuốc bôi ngoài da (Nguồn: Internet)

  • Thuốc corticoid bôi da

Nếu viêm da dị ứng nặng, bạn có thể phải sử dụng kem bôi da corticoid. Đây là một trong những loại thuốc chủ yếu được dùng để chống viêm da khi bệnh nhân đang ở đợt kịch phát. Những loại corticoid có tác dụng mạnh chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và tại những vùng dày sừng, không được dùng ở mặt và những vùng da mỏng. Lưu ý: Thuốc này có tác dụng chống tăng sinh làm hạn chế sự tổng hợp collagen, về lâu dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ như teo da, giãn mạch, rạn da, rậm lông, giảm sắc tố, bội nhiễm,…Do đó, cần thận trọng khi sử dụng loại thuốc này.

4.2 Thuốc dùng toàn thân

Ngoài các thuốc bôi ngoài da, một số trường hợp cần phải sử dụng thuốc toàn thân. Trong đó, ciclosporin được dùng để điều trị đối với viêm da dị ứng nặng ở người lớn, sau khi các cách điều trị khác đã thất bại. Ciclosporin dùng trong điều trị ngắn hạn và phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

5. Viêm da dị ứng kiêng ăn gì?

Nếu bị viêm da dị ứng bạn nên kiêng ăn 4 loại thực phẩm dưới đây:

5.1 Thịt béo

Thịt béo, chẳng hạn như thịt bò, thịt cừu và xúc xích, đóng góp một lượng phong phú các chất béo bão hòa, có thể thúc đẩy sự viêm sưng.

5.2 Sản phẩm từ sữa

Sản phẩm sữa, mặc dù là nguồn có giá trị của protein, canxi và vitamin D, nhưng có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm da dị ứng ở một số người.

5.3 Thực phẩm giàu tinh bột

Thực phẩm giàu tinh bột, chẳng hạn như bánh mì trắng và mì ống, gây tiêu hóa kém hiệu quả và chứa các chất dinh dưỡng ít hơn so với các loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt. Thực phẩm bột tinh chế cũng góp phần vào tình trạng viêm, có thể làm tăng triệu chứng viêm da.

5.4 Sản phẩm nhiều đường

Bị viêm da dị ứng bạn nên hạn chế ăn đường để làm giảm triệu chứng viêm da.