Chờ...

Dị ứng bia – các dấu hiệu thường gặp và phương pháp điều trị

(VOH) – Bị nổi mẩn đỏ, ngứa khắp cơ thể sau khi uống bia có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị dị ứng bia. Vậy dị ứng bia là gì và làm sao để khắc phục?

Trên thực tế, tỉ lệ các trường hợp dị ứng bia xảy ra tương đối nhỏ song không phải không có, đặc biệt những biểu hiện lâm sàng và cơ chế gây bệnh khá phức tạp. Chính vì vậy cần quan tâm và tìm hiểu kĩ lưỡng về tình trạng này trước khi quyết định sử dụng bia, nhằm chủ động bảo vệ an toàn sức khỏe.

1. Thế nào là dị ứng bia?

Dị ứng bia là tình trạng cơ thể bạn không thể dung nạp bia hoặc dị ứng các thành phần của bia, lúc này các kháng thể của hệ thống miễn dịch sẽ bắt đầu hoạt động, tạo ra các phản ứng tức thì và khiến bạn cảm thấy khó chịu.

2. Dấu hiệu nhận biết dị ứng bia

Các dấu hiệu “cảnh báo” bạn bị dị ứng bia có thể xuất hiện ngay khi bạn vừa uống hoặc trong vòng 1 tiếng sau khi uống bia. Hãy chú ý những biểu hiện sau để kịp thời dừng sử dụng bia:

2.1 Đỏ mặt nhanh chóng

Có thể nói da mặt sẽ chuyển đỏ hồng nhẹ khi bạn uống nhiều bia và đã “ngà ngà” say. Tuy nhiên nếu thuộc đối tượng dị ứng bia, sau khi uống 1 – 2 ly nhỏ, da mặt sẽ chuyển màu nhanh chóng, đỏ ửng hơn người bình thường.

di-ung-bia-cac-dau-hieu-thuong-gap-va-phuong-phap-dieu-tri-voh-0
Da mặt đỏ ứng nhanh chóng dù chỉ mới uống lượng bia nhỏ có thể là dấu hiệu dị ứng bia bạn cần cẩn trọng (Nguồn: Internet)

2.2 Phát ban ngứa ngáy

Cũng giống như các loại dị ứng thường gặp, khi dị ứng bia, những nốt mẩn đỏ (có thể chứa nước) ở vùng da mặt hoặc bàn tay, bàn chân sẽ gây cảm giác cực kì ngứa ngáy.

Xem thêm: Bác sĩ mách bạn mẹo chữa ngứa ngoài da vô cùng đơn giản và hiệu quả

2.3 Buồn nôn

Khi cơ thể không có khả năng tiếp nạp bia, các kháng thể muốn đẩy những hoạt chất từ bia ra ngoài, điều này sẽ làm cơ trơn co thắt quá mức, dẫn tới hiện tượng nôn ói.

2.4 Chảy nước mũi

Nếu bị dị ứng bia, các phản ứng “phòng vệ” của cơ thể sản sinh ra chất làm giãn hệ thống mạch ở cuốn mũi dưới và tăng tiết dịch mũi. Vì vậy chảy nước mũi, hắt xì hơi liên tục hay ngứa mũi cũng là những biểu hiện điển hình bạn cần lưu tâm.

Xem thêm: Cách ‘thoát khỏi’ chứng chảy nước mũi thường xuyên

2.5 Tim đập nhanh

Hấp thu lượng lớn chất cồn từ bia vốn có thể kích thích cơ thể sản sinh ra hoạt chất adrenaline làm co thắt động mạch, khiến tim đập nhanh. Thế nhưng trường hợp bạn nhận thấy ngực “đánh trống” liên hồi và khó thở ngay từ những ly bia đầu tiên thì nguy cơ bạn bị dị ứng bia thường khá cao.

2.6 Tiêu chảy

Hoạt động tiêu hóa diễn ra không bình thường, nhất là mắc chứng tiêu chảy trong thời gian dài sau khi uống bia thì bạn cần xem xét tới nguyên nhân do dị ứng bia.

Xem thêm: Bác sĩ BV ĐH Y Dược chia sẻ cách chống ‘tào tháo rượt’ cực hiệu quả ngay tại nhà

3. Nguyên nhân gây dị ứng bia

Các nghiên cứu y khoa nhận thấy rằng dị ứng bia có thể do một trong số những yếu tố dưới đây gây nên:

3.1 Không thể dung nạp chất cồn

Cồn (etanol) từ bia và các sản phẩm chuyển hóa của nó đều có trọng lượng phân tử thấp và bản thân chúng không có khả năng gây dị ứng, nhưng khi chúng được gắn với protein trong cơ thể sẽ tạo ra các dị nguyên hoàn chỉnh có khả năng gây dị ứng.

Ngoài ra, người ta còn tìm thấy các kháng thể dị ứng kháng lại phức hợp acetaldehyde - protein trong máu của những người bị dị ứng với bia, không thể dung nạp chất cồn.

di-ung-bia-cac-dau-hieu-thuong-gap-va-phuong-phap-dieu-tri-voh-1
Cơ thể không có khả năng dung nạp chất cồn, dẫn đến tình trạng dị ứng bia (Nguồn: Internet)

3.2 Tác động của histamin

Lượng chất cồn từ bia khi vào cơ thể đều có thể trực tiếp phá vỡ các tế bào mast, gây giải phóng histamin cùng nhiều hoạt chất trung gian gây dị ứng.

3.3 Dị ứng với thành phần của bia

Chúng ta biết rằng, bên cạnh nước, thành phần của bia còn có lúa mạch, mạch nha, hoa bia, men bia hoặc những chất phụ gia khác. Do đó, nếu bạn có tiền sử dị ứng với một trong những nguyên liệu trên, tỉ lệ mắc dị ứng bia sẽ tăng cao.

4. Chẩn đoán dị ứng bia

Trong trường hợp nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên cơ thể không thuyên giảm và nghi ngờ mắc dị ứng bia, lời khuyên là nên tới thăm khám tại cơ sở chuyên khoa dị ứng càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán lần lượt như sau:

  • Thăm hỏi triệu chứng: Hãy mô tả kĩ lưỡng những biến chuyển của cơ thể sau khi bạn uống bia. Cùng với đó cũng nên liệt kê chi tiết, rõ ràng các nhóm thực phẩm bạn có tiền sử dị ứng.
  • Xét nghiệm: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm dị ứng trên da hoặc thử máu để xác định loại dị ứng bạn đang mắc phải.

Xem thêm: Hướng dẫn cách đọc kết quả các chỉ số xét nghiệm máu cơ bản

5. Một số phương pháp điều trị dị ứng bia

Tùy theo tình trạng dị ứng bia nặng hay nhẹ, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và phương pháp điều trị phù hợp:

  • Tuyệt đối kiêng khem không sử dụng bia hay các thức uống có cồn khác.
  • Trường hợp nặng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng histamin chống dị ứng để cải thiện nhanh các triệu chứng. Bạn cần uống đủ liều và không uống khi bụng đói.
  • Hãy uống thật nhiều nước cùng các loại nước ép hoa quả, rau xanh. Việc uống nhiều nước sẽ pha loãng lượng cồn trong dạ dày, còn các loại nước ép hoa quả sẽ giúp bổ sung vitamin và khoáng chất, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, giảm các tác động xấu từ dị ứng bia.
  • Bổ sung thực phẩm giàu kali trong khẩu phần ăn để ngăn chặn mất nước.

Bệnh lý dị ứng bia có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào và gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Do vậy, hãy dành thời gian quan tâm tới cơ thể mình nhiều hơn, chú ý những dấu hiệu bất thường để thăm khám và được điều trị kịp thời nhé.

Bình luận