1. Buồn nôn là gì?
Buồn nôn là sự khó chịu của dạ dày, thường diễn ra trước khi nôn. Đây là cảm giác muốn nôn ra nhưng không nôn được, cảm thấy “sóng cuộn” trong dạ dày và phía sau họng.
Thông thường, buồn nôn và nôn sẽ đi kèm nhau. Tuy nhiên, có một số trường hợp chỉ thấy buồn nôn mà không nôn hoặc nôn mửa mà trước đó không có bất kỳ cảm giác buồn nôn nào.
2. Vì sao có cảm giác buồn nôn?
Buồn nôn là một triệu chứng không đặc hiệu, tức là có nhiều nguyên nhân gây ra. Buồn nôn không chỉ là triệu chứng của bệnh về đường tiêu hóa mà còn là “tín hiệu” của thai nghén, hay thậm chí liên quan đến bệnh tim mạch, thần kinh và một số bệnh nguy hiểm khác.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây cảm giác buồn nôn:
2.1 Say tàu xe
Rất nhiều người có cảm giác buồn nôn khi bị say tàu xe (Nguồn: Internet)
Khi bạn ngồi trên tàu, xe, máy bay,…mắt bạn sẽ chuyển về não một tín hiệu nói rằng cơ thể đang ngồi yên, không di chuyển. Nhưng hệ thống tiền đình ở trong tai, nơi phụ trách cảm giác cân bằng của cơ thể lại báo về não rằng cơ thể đang di chuyển.
Khi những thứ bạn nhìn thấy và bạn cảm nhận bị mâu thuẫn nhau, não sẽ xuất hiện hiện tượng bị nhầm lẫn, một dấu hiệu gửi đến não giống như cơ thể có cảm giác bị trúng độc. Từ đó não sản xuất ra một phản ứng chống lại trạng thái ngộ độc nên gây ra hiện tượng buồn nôn chóng mặt.
2.2 Ngộ độc thực phẩm
Khi thức ăn bị hư hỏng, các vi khuẩn có độc tố bắt đầu phát triển. Nếu bạn ăn những thực phẩm này, vi khuẩn sẽ đi vào cơ thể, gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, gây buồn nôn tiêu chảy dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
2.3 Do thuốc
Có rất nhiều thuốc có thể gây cảm giác buồn nôn như thuốc chống trầm cảm, kháng sinh, vitamin, thuốc tránh thai và một số thuốc giảm đau. Những bệnh nhân sử dụng hóa trị liệu trong điều trị ung thư hoặc bệnh nhân gây mê cũng thường có cảm giác buồn nôn.
2.4 Dấu hiệu mang thai
Buồn nôn còn là triệu chứng báo hiệu mang thai (Nguồn: Internet)
Đa số phụ nữ mang thai những tháng đầu tiên thường xuyên có cảm giác buồn nôn mệt mỏi, ăn vào buồn nôn và thậm chí buồn nôn nhưng không nôn được. Hiện tượng này còn được nhiều người gọi là “ốm nghén”.
2.5 Do trào ngực dạ dày thực quản
Ợ nóng là dấu hiệu của trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản. Những cơn đau dữ dội ở ngực hoặc bụng không phải là triệu chứng duy nhất khi bạn bị trào ngược dạ dày. Khi axit hay thức ăn thừa trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản, một số người sẽ có triệu chứng buồn nôn.
2.6 Do sự lo lắng
Khi bạn lo lắng, các chức năng của cơ thể như tiêu hóa có thể bị ngưng trệ, dẫn đến sự tích tụ của một số chất độc trong cơ thể. Sự tích tụ chất độc này sẽ gửi các tín hiệu hóa học đến não và gây ra cảm giác buồn nôn.
2.7 Biến chứng của tiểu đường
Nhà nghiên cứu nội tiết Elizabeth Holt tại Đại học Y khoa Duke cho biết buồn nôn, nôn và đau bụng là các dấu hiệu điển hình của các bệnh lý dạ dày. Nhưng đây cũng có thể là triệu chứng của một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường tuýp 1.
Khi bạn bị tiểu đường, cơ thể không tạo ra đủ insulin và từ đó không sản xuất đủ đường cho các tế bào. Các tế bào khi không đủ năng lượng do thiếu đường sẽ đốt cháy chất béo để tạo ra nhiên liệu. Điều này sẽ làm tăng lượng ceton trong nước tiểu và máu gây nên chứng nhiễm toan ceton. Bệnh nhân bị chứng này sẽ cảm thấy muốn nôn.
2.8 Do nuốt phải dị vật
Buồn nôn khi ăn có thể do nuốt phải dị vật (dù người lớn hay trẻ nhỏ đều có thể bị). Cơ thể có cảm giác buồn nôn nhằm kích thích nôn dị vật ra ngoài. Dị vật thường gặp là xương cá, kẹo, trân châu, rau câu dẻo,…
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân gây ra cảm giác buồn nôn, nếu triệu chứng này kéo dài hơn 1 ngày và diễn ra thường xuyên thì bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám.
3. Buồn nôn nên làm gì?
Những điều mà bạn nên làm ngay sau khi có cảm giác buồn nôn:
Hãy uống nhiều nước ngay khi có cảm giác buồn nôn (Nguồn: Internet)
- Uống thật nhiều nước (nếu có thể).
- Ăn những thực phẩm lỏng như cháo, súp. Sau đó chuyển dần sang những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Tránh sử dụng những thực phẩm nhiều chất béo, vì chúng sẽ gây cảm giác khó chịu, đầy bụng cho bạn.
- Bạn cũng có thể sử dụng gừng hoặc bạc hà để uống, những thực phẩm này sẽ giúp bạn giảm cảm giác buồn nôn.
- Tránh ngửi các mùi mạnh, chẳng hạn như nước hoa.
- Thăm khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu nghi ngờ mang thai thì nên đến chuyên khoa phụ sản để siêu âm kiểm tra, việc phát hiện mang thai sớm sẽ giúp bạn chăm sóc cho thai kỳ được tốt hơn.