1. Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng gây ra do người bệnh ăn phải thức ăn bị nhiễm độc. Vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có trong thức ăn là những tác nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm.
Hầu hết ai cũng đã từng bị ngộ độc thực phẩm nhưng ở các mức độ khác nhau. Phần lớn các trường hợp ngộ độc thực phẩm là nhẹ và tự khỏi, thế nhưng cũng có không ít trường hợp bị ngộ độc và phải nhập viện để cấp cứu.
Ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn, virus có trong thức ăn gây ra (Nguồn: Internet)
2. Triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Tìm hiểu triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết và xác định mức độ ngộ độc của mình là nặng hay nhẹ để từ đó điều trị đúng cách.
Dưới đây là những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm giúp bạn dễ dàng nhận biết:
2.1 Đau bụng
Co cứng bụng là một trong những biểu hiện ngộ độc thực phẩm thường gặp. Đau bụng do ngộ độc thực phẩm có thể giảm trong vài giờ, nhưng nếu bị đau dữ dội đột ngột thì bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.
2.2 Buồn nôn và nôn
Người bị ngộ độc thực phẩm thường có triệu chứng buồn nôn và nôn. Nếu triệu chứng này không tự giảm dần và bạn nôn hoặc khó nuốt thường xuyên thì cũng cần đến bệnh viện để thăm khám.
2.3 Sốt
Khi cơ thể chống lại chất độc, bạn có thể bị sốt nhẹ. Thông thường, sốt do ngộ độc thực phẩm là nhẹ, nhưng nếu đo nhiệt độ thấy vượt quá 38 độ C thì bạn cũng cần dùng thuốc hạ sốt và đến ngay các cơ sở y tế.
2.4 Bị tiêu chảy
Trong một số trường hợp, ngộ độc thực phẩm có thể gây tiêu chảy hoặc đi ngoài phân lỏng kéo dài trên 2 đến 3 ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy máu ở trong phân hoặc chất nôn. Đây là triệu chứng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.
2.5 Cơ thể mất nước
Cùng với tiêu chảy, cơ thể bạn sẽ bị mất nước khi bị ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng của mất nước gồm tiểu tiện ít, khát nước thường xuyên, bị khô miệng,…
2.6 Chán ăn
Thông thường, bạn sẽ cảm thấy chán ăn khi bị ngộ độc thực phẩm.
2.7 Yếu và mệt
Bạn có thể cảm thấy yếu và cực kỳ mệt mỏi khi bị ngộ độc thực phẩm. Mất nước và chán ăn sẽ càng làm tăng cảm giác mệt mỏi, vì vậy khi bị ngộ độc thực phẩm hãy đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi.
Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng, người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê,…những trường hợp này cần được cấp cứu kịp thời để bảo vệ tính mạng.
Trên đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết cơ thể đang bị ngộ độc thực phẩm. Bạn có thể gặp triệu chứng ngộ độc thực phẩm khác mà không được đề cập như trên, khi đó bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.
Triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm là đau bụng và nôn ói (Nguồn: Internet)
3. Chữa ngộ độc thực phẩm bằng cách nào?
Đối với phần lớn bệnh nhân, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau vài ngày, mặc dù một số dạng ngộ độc có thể kéo dài. Tuy nhiên, nếu bạn không thể tự phục hồi thì tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị cho bạn.
Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung lượng nước và chất điện giải bị mất đi, bao gồm khoáng chất như natri, kali và canxi, thông qua đường uống hoặc tĩnh mạch, giúp duy trì cân bằng lượng nước và chất điện giải trong cơ thể đã bị hao hụt do tiêu chảy.
Trong trường hợp bạn nhiễm một số dạng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn nhất định và các triệu chứng rất trầm trọng, bạn sẽ được dùng kháng sinh. Trong quá trình mang thai, điều trị bằng kháng sinh kịp thời có thể tránh cho thai nhi khỏi bị nhiễm trùng.
4. Xử lý ngộ độc thực phẩm an toàn tại nhà
Thời gian ngộ độc thực phẩm ở mỗi người sẽ khác nhau, có thể xảy ra trong vài phút, vài giờ, thậm chí là 1 ngày sau khi ăn.
Nếu ngộ độc thực phẩm xảy ra trong vòng 24 giờ thì lúc đó thức ăn vẫn còn trong dạ dày người bệnh. Vì vậy, nếu người bệnh còn tỉnh táo, cần kích thích cho người bệnh nôn ói càng nhiều càng tốt để tống hết thức ăn ngộ độc ra ngoài. Có thể kích thích bằng cách kích thích vòm họng hay uống nước muối loãng.
Lưu ý: Không nên gây nôn đối với người bị hôn mê hoặc trẻ nhỏ vì dễ bị hít sặc thức ăn và làm tắc đường thở. Trong trường hợp này, cần cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên để tránh bị hít sặc.
5. Ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?
Khi sau khi nôn hết thức ăn, cơ thể sẽ rất yếu. Vì vậy, bạn phải chú ý dùng các loại thực phẩm không gây khó chịu. Có thể kể như:
5.1 Nước
Khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn thường bị nôn và tiêu chảy, do đó cơ thể mất nước rất nhiều, từ đó mất cân bằng điện giải. Vì vậy, việc bổ sung nước sau khi ngộ độc thức ăn là rất quan trọng. Bên cạnh nước, bạn cũng có thể uống oresol để bù chất điện giải cho cơ thể.
5.2 Các loại thức ăn nhẹ và dễ tiêu hóa
Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, ruột thường rất yếu. Vì vậy, bạn hãy chọn những món ăn dễ tiêu hóa để tránh ruột làm việc quá sức. Một số món ăn dễ tiêu hóa như cháo, bột yến mạch, khoai tây nghiền nấu chín, súp, các loại trái cây mềm nấu chín,...
5.3 Thực phẩm chứa lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa
Việc bổ sung các vi khuẩn có lợi cho đường ruột sau khi bị ngộ độc thức ăn sẽ giúp cân bằng lại hệ vi sinh trong ruột. Sữa chua chính là thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn có lợi nhất mà bạn có thể lựa chọn.