Hương phụ và những tác dụng ít người biết

(VOH) - Hương phụ là vị thuốc quý trong Đông y, ngoài chữa bệnh cho phụ nữ, nó còn có nhiều tác dụng hữu ích khác đối với sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu tác dụng của hương phụ qua bài viết dưới đây.

Trong dân gian có câu ‘nam bất thiểu trần bì – nữ bất ly hương phụ’, có nghĩa là khi dùng thuốc chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu trần bì và nữ giới chữa bệnh thì không thể thiếu hương phụ. Vậy hương phụ là gì và có tác dụng như thế nào đối với sức khỏe chị em phụ nữ?

1. Hương phụ là gì?

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, hương phụ là vị thuốc được bào chế từ cây cỏ cú (hay còn gọi là củ gấu). Cỏ cú là loại cây có sức sống mãnh liệt, rất khó tiêu diệt. Chính vì vậy, những người nông dân thường không thích loại cây này vì nó mọc nhiều và cản trở sự phát triển của lúa.

huong-phu-va-nhung-tac-dung-it-nguoi-biet-voh

Cây cỏ cú (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, đối với những thầy thuốc Đông y thì cây cỏ cú lại là một dược liệu quý, họ thường trồng và thu hoạch cỏ cú theo mùa để có dược liệu sử dụng trong các bài thuốc Đông y. 

Để có được vị thuốc hương phụ, người thầy thuốc sẽ sử dụng cây cỏ cú, sau đó sao tẩm bằng 4 phụ liệu khác nhau (tức là tứ chế) hoặc sao tẩm bằng 7 phụ liệu khác nhau (tức là thất chế). Cụ thể:

  • Hương phụ tứ chế: Theo kinh nghiệm dân gian, hương phụ tứ chế là hương phụ đã trải qua 4 lần sao tẩm. Cụ thể là dùng cỏ cú chia làm 4 phần bằng nhau rồi đem sao với rượu, muối, đồng tiện (nước tiểu trẻ em dưới 3 tuổi) và giấm. 
  • Hương phụ thất chế: Tức là dùng cỏ cú chia làm 7 phần bằng nhau rồi đem tẩm với nước vo gạo, nước gừng và nước cam thảo. 

2. Tác dụng của hương phụ

Hương phụ có khí bình, vị cay đắng, hơi ngọt. Trong các sách cổ có nói hương phụ thường quy kinh can và tam tiêu. Tuy nhiên, những quyển sách sau này cho thấy hương phụ quy kinh rất nhiều như quy kinh can, quy kinh phế, quy kinh tỳ,…

Bác sĩ Bay cũng cho biết, qua nghiên cứu, người ta nhận thấy hương phụ có những tác dụng sau đây:

2.1 Chữa bệnh phụ khoa

Hương phụ là vị thuốc được chỉ định cho rất nhiều loại bệnh phụ khoa. Trong kỳ kinh nguyệt của phụ nữ rất khó tránh khỏi hiện tượng đau bụng kinh và để giảm cơn đau này người phụ nữ có thể dùng các bài thuốc từ hương phụ tứ chế hoặc hương phụ thất chế. Chính vì vậy mà trong dân gian có câu “nữ bất ly hương phụ”.

Đối với phụ nữ đến ngày sinh, nếu tầng sinh môn chưa nở đủ mà cơn gò tử cung ngày càng nhiều, gây đau đớn dữ dội thì bác sĩ sẽ chích để tầng sinh môn nở. Tuy nhiên trong Đông y, người phụ nữ có thể sử dụng hương phụ tứ chế, sắc nước uống để giảm cơn gò tử cung, đồng thời làm nở tầng sinh môn để sinh thường được dễ dàng hơn.

Các bài thuốc từ hương phụ tốt cho phụ nữ:

  • Bài 1: Hương phụ, ích mẫu, ngải cứu

Bài thuốc này có tác dụng giảm đau bụng kinh, giảm mệt mỏi, bồi bổ máu huyết, máu kinh ra đều và sạch trong mỗi chu kỳ. Tùy theo tình trạng mỗi người và mục đích sử dụng, người thầy thuốc sẽ kê liều lượng phù hợp.

  • Bài 2: Hương phụ và đương quy

Bài thuốc này giúp tăng cường sản xuất estrogen, giúp cho phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh tránh được các triệu chứng khó chịu như bốc hỏa, mệt mỏi, đau đầu,…

huong-phu-va-nhung-tac-dung-it-nguoi-biet-voh

Hương phụ là vị thuốc được bào chế từ cây cỏ cú (Nguồn: Internet)

2.2 Các tác dụng khác

Qua quá trình nghiên cứu, người ta cũng nhận thấy hương phụ có chứa một loại tinh dầu, có tác dụng chống co thắt cơ trơn ở tử cung, đường ruột và trong một số cơ quan khác. Chính vì vậy, bạn có thể sử dụng hương phụ để chữa các bệnh như:

  • Viêm loét dạ dày.
  • Bệnh đại tràng.
  • Đau nhức cơ.
  • Những cơn co thắt của đường mật.
  • Buồn nôn, nôn ói, đầy hơi, khó tiêu.

Nhìn chung, bản chất hương phụ chế không có độc và dễ sử dụng. Tuy nhiên, để có được vị thuốc này, người thầy thuốc phải có kinh nghiệm sao chế. Bởi vì, củ của cây cỏ cú không chỉ xấu xí về hình dáng bên ngoài mà về hình thức bên trong nó cũng rất khó sử dụng. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng vị thuốc này.

Xem nội dung nhanh hơn tại video này: