Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà

(VOH) - Tiêu chảy cấp là một trong các nguyên nhân gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, việc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp là vấn đề cực kỳ quan trọng mà cha mẹ không nên xem thường.

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc bù nước và điện giải cùng với việc chăm sóc là những vấn đề mà bất cứ cha mẹ cũng phải quan tâm, bởi nó là yếu tố quyết định cho việc hồi phục ở trẻ. Vậy làm thế nào để có thể chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp một cách khoa học và đúng đắn nhất? Cùng tham khảo những chia sẻ từ các bác sĩ trong bài viết sau đây.

Hàng năm trên thế giới có khoảng 5 tỷ ca mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có đến 80% các trường hợp trẻ em bị tiêu chảy cấp tử vong do mất nước và điện giải trầm trọng.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em được hiểu là tình trạng đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng và xảy ra liên tục dưới 7 ngày. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng tiêu chảy kéo dài, thậm chí là tiêu chảy mãn tính.

Và đối với những em bé bị tiêu chảy cấp thì nguy cơ mất nước ở trẻ thường rất dễ xảy ra. Chính tình trạng mất nước này sẽ khiến cho trẻ gặp phải các vấn đề khác của cơ thể như mất nước nặng, gây tử vong. Ngoài ra, trẻ còn rất dễ bị suy dinh dưỡng, nhiễm trùng ngoài da …

Đặc biệt, khi trẻ bị tiêu chảy cấp khiến cho lượng virus, vi khuẩn được sản sinh ra môi trường bên ngoài cực kỳ nhiều và đây chính là nguồn lây nhiễm rộng đối với cộng đồng.

cach-cham-soc-tre-bi-tieu-chay-cap-tai-nha-VOH

Tiêu chảy cấp ở trẻ em phần lớn do virus rota gây ra (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Vũ Quang Vinh, nguyên nhân trẻ em bị tiêu chảy cấp được chia làm 2 loại là:

  • Tiêu chảy cấp không do nhiễm trùng như do ăn uống, do nhu động ruột hoạt động không tốt…
  • Tiêu chảy cấp do nhiễm trùng như do virus, do vi khuẩn, do ký sinh trùng… Đặc biệt là virus rota (chiếm ½ số ca tiêu chảy do virus). Loại virus này thường gây bệnh vào mùa đông, có thể chuyển từ những ổ viêm nhiễm ở tai,mũi, họng xuống gây bệnh ở ruột.

1. Cách điều trị và chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp

Theo bác sĩ Vinh, chế độ dinh dưỡng là yếu tố quyết định trong quá trình điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em. Đối với trẻ em bị tiêu chảy cấp, uống thuốc sẽ không có tác dụng nhiều cho việc phục hồi của trẻ mà quan trọng nhất chính là cần phải bù nước và đảm bảo chế độ ăn cho bé.

Các dung dịch bù nước hiện đang được bán trên thị trường và cha mẹ có thể mua về để bù ngay lượng nước đã mất trong cơ thể trẻ. Liều lượng pha theo đúng hướng dẫn được in trên bao bì (không nên pha sai liều lượng vì có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc).

Theo ước tính, thì lượng nước cần bù cho trẻ bị tiêu chảy cấp là khoảng 50ml/ 1kg, bù trong khoảng thời gian 4 tiếng.

Cha mẹ nên chú ý:

  • Cách bù nước cho trẻ tốt nhất chính là cho trẻ uống bằng muỗng cà phê chứ không để nước vô bình sữa hay cho trẻ uống bằng ống hút.
  • Cho trẻ uống một muỗng cà phê trong vòng từ 1 đến 2 phút.
  • Ngoại trừ sữa mẹ, các loại thức ăn khác chỉ cho trẻ ăn khi trẻ đã bù đủ lượng nước cho cơ thể.

Sau khi trẻ đã được bù đủ nước thì cha mẹ có thể lập kế hoạch chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp qua chế độ ăn uống. Cha mẹ có thể cho trẻ ăn các loại thức ăn quen thuộc mà trẻ hay ăn hàng ngày nhưng để trẻ ăn với tốc độ chậm và chia thành nhiều bữa trong ngày.

cach-cham-soc-tre-bi-tieu-chay-cap-tai-nha-1-VOH

Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố giúp trẻ bị tiêu chảy cấp mau phục hồi (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý hạn chế một số loại thức ăn như sau:

  • Các loại thức ăn có chứa quá nhiều chất béo bởi chúng thường rất khó hấp thu và có thể khiến tiêu chảy cấp trở nên nặng thêm.
  • Thức ăn hoặc đồ uống chứa nhiều đường vì có thể làm tăng độ thẩm thấu trong lòng ruột và trẻ sẽ bị tiêu chảy cho thẩm thấu.
  • Không cho trẻ uống 2 loại nước là nước táo và nước lê vì có thể kích thích nhu động ruột hoạt động nhanh dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ.

Nhiều cha mẹ khi thấy con bị tiêu chảy cấp thường cho con uống các loại sữa dành riêng cho trẻ bị tiêu chảy, vì loại sữa này được được tách bỏ thành phần đường lactose. Tuy nhiên, bác sĩ Vinh cho rằng, phần lớn trẻ bị tiêu chảy vẫn có thể hấp thu tốt đường lactose. Do đó, cha mẹ hoàn toàn không cần thiết bỏ qua chất dinh dưỡng này trong quá trình chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp.

2. Phòng ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ em bằng cách nào?

Thực tế hiện nay, để phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em thì các bậc cha mẹ không thể bỏ qua yếu tố dự phòng chính là cho trẻ uống vắc xin phòng ngừa rota virus.

Tại Việt Nam, có 2 loại vắc xin phổ biến chính là Vắc-xin Rotarix và Vắc-xin Rotateq. Đây là 2 loại vắc xin có khả năng phòng ngừa virus rota với hiệu quả lên đến 80%. Trẻ sơ sinh được 2 tháng tuổi đã có thể uống được vắc xin này cùng với các loại vắc xin khác khi đi tiêm phòng.

Ngoài ra, theo sách Tiểu bách khoa về chăm sóc trẻ - TS, BS Nguyễn Thu Hằng, cha mẹ cũng có thể phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em bằng các cách như sau:

  • Đảm bảo vệ sinh cho trẻ sạch sẽ bằng cách thay tã cho trẻ thường xuyên, vệ sinh trẻ thật nhẹ nhàng để tránh tình trạng trẻ bị hăm da tại vùng hậu môn.

  • Giữ vệ sinh môi trường xung quanh nơi trẻ sống.

  • Cho trẻ tiếp tục bú mẹ nếu trẻ đang trong giai đoạn bú sữa mẹ.

  • Nếu trẻ có các triệu chứng như: khát và đòi uống nước, trẻ quấy khóc, môi khô… thì cha mẹ cần phải tiến hành bù nước ngay cho trẻ.

  • Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp bằng cách bổ sung các loại thức ăn thường ngày trẻ thường ăn với lượng vừa phải và cần tránh những thức ăn có thể gây ra tiêu chảy cấp.

  • Cha mẹ cần tiếp tục quan sát số lần bé đi ngoài, tính chất phân. Nếu thấy trẻ đi phân có máu thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám ngay.

Bạn có thể nghe lại những trao đổi của bác sĩ Vũ Quang Vinh tại audio bên dưới:

Bình luận