Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những quan niệm sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh

(VOH) - Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, không ít bậc cha mẹ, ông bà vẫn sử dụng các phương pháp dân gian, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.

Nhiều phương pháp dân gian trong chăm sóc trẻ nhỏ đã được ông cha ta đúc kết qua hàng ngàn năm. Rất nhiều phương pháp trong đó hữu ích cho tới tận bây giờ. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ, ông bà cần kế thừa những kinh nghiệm này một cách chọn lọc bởi khoa học thay đổi từng ngày, điều có thể đúng hôm qua thì ngày hôm nay đã trở thành sai lầm - nếu có một nghiên cứu mới ra đời và được chứng minh một cách khoa học.

Quá trình khám chữa bệnh cho trẻ, gặp nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh nặng do được chăm sóc sai cách, bác Nguyễn Thanh Sang – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) đã đưa ra một số lời khuyên với các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc con cái, và đặc biệt cần tránh những quan niệm sai lầm như dưới đây.

Nhỏ sữa mẹ vào mắt/tai trẻ

Sữa mẹ sạch và vô giá nhưng đó là khi trẻ uống vào. Sữa đã vắt ra bình rồi sau đó hút ra nhỏ vô mắt cho trẻ thì không hẳn tốt vì quá trình ấy sữa có thể nhiễm khuẩn từ bình sữa, bàn tay, dụng cụ hút sữa...

Nhiều bà mẹ sau sinh 1 tuần đưa bé đi khám vì mắt đổ ghèn mà không bị sốt hay triệu chứng khác. Bác sĩ hỏi kỹ mới biết là trước đó bà nội nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ.

chăm sóc trẻ sơ sinh, bú mẹ, sữa mẹ

Sữa mẹ chỉ tốt khi trẻ bú, không nên dùng sữa mẹ để nhỏ mắt cho trẻ (Ảnh: babyhelp)

Vắt chanh vào miệng để nôn chất dơ ra ngoài

Chất dơ nào? Chất dơ gì? Trong bụng trẻ sơ sinh chỉ có sữa mẹ và dịch tiêu hoá. Theo bác sĩ Sang, bụng trẻ sơ sinh chẳng có chất dơ nào cả. Trong quá trình vắt chanh vào miệng trẻ sơ sinh mà trẻ không may hít nước cốt chanh vào phổi sẽ gây viêm phổi, phải nhập viện.

Vắt chanh vào miệng khi co giật

Khi trẻ sốt cao dẫn tới co giật, điều cần làm duy nhất đó là đảm bảo đường thở cho trẻ bằng cách nới lỏng quần áo, lau chất nôn do trẻ nôn ra ngoài để trẻ không bị suy hô hấp. Sau khi trẻ hết co giật, cha mẹ cần đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám và điều trị cho trẻ.

Nếu vắt nước cốt chanh vào miệng trẻ, đặc biệt với trẻ sơ sinh có thể khiến trẻ bị tím tái do đóng nắp thanh môn, do hít sặc nước cốt chanh vào phổi và gây viêm phổi như đã nói ở trên.

Hơ lá trầu không để đắp lên ngực bé trị ho đờm

Phương pháp này được nhiều bà mẹ đã lan truyền nhau trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong y văn cũng không có bất cứ ghi chép bài thuốc nào về việc điều trị ho sổ đờm cho trẻ nhỏ bằng việc đắp lá trầu không.

Phương pháp này thậm chí từng gây bỏng nặng cho một bé, khiến bé phải nhập viện.

Dùng mật ong rơ lưỡi trẻ

Lưỡi trẻ sơ sinh thường đóng mảng trắng - còn là tưa lưỡi. Để đánh tan những mảng trắng này, rất nhiều cha mẹ vẫn dùng mật ong như một cách tối ưu nhất. Tuy nhiên, dù mật ong có tác dụng chống viêm phần niêm mạc và kháng khuẩn nhưng cũng chứa một loại độc tố từ vi khuẩn clostridium botulium - có thể nguy hiểm cho hệ thần kinh cơ gây nên chứng liệt cơ nếu nhiễm phải.

Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh (0 đến 6 tháng tuổi) rất nhạy cảm với độc tố này. Khi chất độc này vượt ngưỡng cho phép, trẻ có thể rơi vào tình trạng ngộ độc cấp, nguy hiểm đến tính mạng.

businessinsider, rơ lưỡi, mật ong

Không rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh bằng mật ong (Ảnh: businessinsider)

Bác sĩ Sang khuyến cáo, không dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng tuổi vì nồng độ thẩm thấu mật ong cao nên có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh.

Trị ho cho trẻ bằng buộc chanh vào chân

Nhiều bé viêm hô hấp trên uống vitamin C vài ngày hoặc siro là sẽ tự ổn định, không cần kháng sinh nhưng nhiều mẹ buộc chanh vào chân để chữa ho ở họng thì nghe thấy mông lung quá...

Không cho trẻ nằm than

Tục nằm than xuất phát tại một số địa phương có mùa rét, nhiệt độ xuống rất thấp, cần nằm than tránh mất thân nhiệt. Điều này có giá trị đối với người Việt Nam thời nhà tranh, hở tứ phía, chưa có điều kiện sưởi ấm tốt như bây giờ.

Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện sống đã tốt hơn khi nhà cửa được xây kiên cố, việc nằm than, cho trẻ nằm than sau khi sinh không còn phù hợp.

Theo bác sĩ Sang, da em bé sơ sinh mỏng manh và không giống da người lớn, do đó nếu đặt bé gần bếp có nhiệt độ cao, da bé có thể bỏng rộp. Ngoài ra, nằm than trong phòng kín còn có thể gây ra tình trạng ngộ độc khí than. Người lớn thấy ngột ngạt có thể đi ra ngoài nhưng trẻ em chỉ nằm một chỗ, cha mẹ không chú ý là trẻ có thể ngạt thở ngay.

Việc bôi dầu chàm, gừng... cho trẻ sơ sinh cũng cần cân nhắc bởi da bé rất mỏng và dầu có thể thẩm thấu trực tiếp vào người chứ không phải tác dụng ngoài da như da người lớn.

Chăm sóc trẻ sơ sinh theo cách hiện đại hay truyền thống vẫn là vấn đề đau đầu của nhiều gia đình, đặc biệt có thể gây ra mâu thuẫn thế hệ giữa ông bà và các bậc cha mẹ. Do đó, cha mẹ của trẻ cần khéo léo cân bằng trong việc chăm sóc trẻ, đảm bảo, trẻ được chăm sóc một cách tốt nhất.

Hội nghị khoa học Da liễu miền Nam 2019: Nhiều đề tài chuyên ngành mang tính thực tiễn cao - Với chủ đề: “Kết nối chuyên ngành Da liễu truyền thống và hiện đại”, Hội nghị khoa học Da liễu miền Nam năm 2019 diễn ra ngày 29/9 đã cập nhật, chia sẻ nhiều thông tin mới.

Hàng ngàn phụ huynh và trẻ em tham gia chương trình Ngày hội sữa học đường Đà Nẵng - Ngày hội Sữa học đườngcho trẻ em mầm non vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng vào ngày 27/9 vừa qua.

Bình luận