Tiêu điểm: Nhân Humanity

5 nguyên tắc mẹ cần nhớ khi vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh

(VOH) – Vệ sinh tai sai cách có thể khiến con bị đau và viêm tai, gây ảnh hưởng đến khả năng nghe của bé. Vậy cách vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh như thế nào mới đúng?

Khác với suy nghĩ của nhiều mẹ, vệ sinh tai khác với lấy ráy tai cho trẻ. Mặc dù nghe có vẻ đơn giản nhưng nếu mẹ không biết cách vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh hoặc vệ sinh tai bé không cẩn thận có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thính giác của con.

1. 5 nguyên tắc cần nhớ khi vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh

Nếu các mẹ đang quan tâm đến việc làm sạch đôi tai của bé thì cần nhớ kỹ 5 nguyên tắc sau đây:

1.1 90% trẻ em không cần lấy ráy tai

Ráy tai được hình thành từ những tế bào chết, mồ hôi, bã nhờn do các tuyến trong ống tai tiết ra. Ráy tai có tác dụng ngăn cản bụi bẩn, làm ẩm và bôi trơn ống tai cũng như ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng tai.

Hầu hết các trường hợp ráy sẽ tự thoát ra ngoài. Vì vậy, khi vệ sinh tai cho bé, mẹ không cần thiết phải lấy ráy tai. Chỉ cần làm sạch vành tai và phần ống tai ngoài của bé là đủ.

1.2 Thời điểm vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh

Trong quá trình tắm cho bé, mẹ có thể kết hợp luôn việc vệ sinh tai cho trẻ, bởi lúc này tai bé đã ướt sẵn và phần ráy tai cũng mềm, dễ lau chùi hơn. 

Cách vệ sinh tai cho bé là: Sau khi tắm, mẹ dùng khăn mềm thấm nước ấm nhẹ nhàng lau vùng vành tai, tập trung vào những phần có nếp gấp. Sau đó, xoắn nhẹ góc khăn và lau vùng ống tai phía ngoài.

5-nguyen-tac-me-can-nho-khi-ve-sinh-tai-cho-tre-so-sinh-voh

Thời điểm tốt nhất để mẹ vệ sinh tai cho bé là sau khi tắm xong (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, mẹ cũng có thể thực hiện cách vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh lúc bé đang thoải mái, tránh những lúc bé quấy khóc hoặc đang khó chịu.

1.3 Không nên dùng tăm bông cho trẻ

Hầu hết các mẹ đều có thói quen sử dụng tăm bông để vệ sinh tai cho trẻ. Tuy nhiên, cách làm này không hề an toàn. Vùng da bên trong tai của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất mỏng manh. Vì vậy, chỉ cần tăm bông hơi cứng hoặc mẹ lỡ hơi mạnh tay sẽ có thể làm cho bé bị đau. Thậm chí nếu đưa tăm bông vào quá sâu trong tai rất dễ dẫn đến thủng màng nhĩ trẻ.

Ngoài tăm bông, mẹ cũng không nên sử dụng các dụng cụ vệ sinh tai có đầu nhọn hoặc bằng kim loại để vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh.

1.4 Có thể dùng nước vệ sinh tai

Trường hợp ráy tai bé không tự bong ra ngoài, thì mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để làm mềm ráy tai trẻ nhằm giúp việc lấy ráy tai ra ngoài được dễ hơn trong lúc vệ sinh tai cho trẻ. Tuy nhiên, không nên lạm dụng hay sử dụng nước muối sinh lý thường xuyên để vệ sinh tai cho bé, bởi chúng sẽ càng kích thích sản xuất ráy tai cũng như không tốt cho tai của trẻ.

1.5 Cẩn thận khi dùng sản phậm vệ sinh ráy tai

Ở các nhà thuốc hiện nay có bán nhiều bộ sản phẩm vệ sinh tai cho trẻ, bao gồm nước nhỏ tai và dụng cụ để lấy ráy tai. Tuy nhiên, lời khuyên cho các mẹ là khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ, các mẹ không nên tự ý mua và sử dụng các sản phẩm này.

Nếu ráy tai trẻ đóng quá nhiều và cứng khiến mẹ khó vệ sinh tai cho bé thì mẹ bên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để được vệ sinh tai an toàn, đúng cách.

Bình luận