Chờ...

Thủng màng nhĩ có nghe được không?

(VOH) - Thủng màng nhĩ hay rách màng nhĩ sẽ gây đau nhói bên trong tai, ù tai, chảy máu tai, chóng mặt,…Nhiều người lo lắng vì không biết thủng màng nhĩ có bị điếc không?

1. Màng nhĩ và chức năng của màng nhĩ

Màng nhĩ là một màng phân chia giữa tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ có hình bầu dục, hơi lồi, giống như một hình nón với các phần rỗng của nón quay ra phía ngoài và nghiêng một góc 30 độ so với đáy ống tai.

Màng nhĩ bình thường có màu trong mờ, trắng sáng hay hơi xám hồng. Màng nhĩ có chiều cao khoảng 9mm và rộng 8mm. Màng nhĩ mỏng như giấy nhưng rất chắc.

thung-mang-nhi-co-nghe-duoc-khong-voh-1

Màng nhĩ bị thủng khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào tai (Nguồn: Internet)

Màng nhĩ có hai chức năng quan trọng là cảm nhận rung động của sóng âm và chuyển đổi các rung động thành các xung thần kinh truyền tải âm thanh đến não, bảo vệ tai giữa ngăn chặn vi khuẩn cũng như nước và vật thể lạ bên ngoài. Thông thường, tai giữa là vô trùng nhưng khi màng nhĩ bị thủng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào tai giữa và gây nhiễm trùng, tình trạng đó gọi là viêm tai giữa.

2. Thủng màng nhĩ có nghe được không?

Có nhiều nguyên nhân gây thủng màng nhĩ hay rách màng nhĩ như bị dị vật đâm vào, nhiễm trùng tai, bị đánh vào tai, ngoáy tai không đúng cách,…Khi màng nhĩ bị thủng, tùy thuộc vào độ thủng, rách màng nhĩ mà khả năng nghe được ở mỗi trường hợp sẽ khác nhau.

Nếu thủng màng nhĩ nhẹ, lỗ thủng nhỏ thì có thể tự lành trong khoảng vài tuần. Các lỗ lớn hơn đòi hỏi phải điều trị, bịt lỗ thủng lại để tăng sức nghe và bảo vệ tai giữa.

Như vậy, nếu chỉ thủng màng nhĩ đơn thuần thì chưa gây ra điếc mà chỉ gây nghe kém. Người bệnh có thể điều trị và lấy lại khả năng nghe bình thường cho mình.

Trong một vài trường hợp hiếm hoi, dị dạng, chấn thương hoặc viêm nhiễm nặng làm màng nhĩ và chuỗi xương nhỏ không còn. Đường dẫn truyền khí đưa âm thanh qua ống tai và hòm nhĩ đến cửa sổ bầu dục và cửa sổ tròn cùng một lúc. Một số hoặc tất cả các âm thanh mất đi, gây điếc nặng.

3. Điều trị thủng màng nhĩ bằng cách nào?

thung-mang-nhi-co-nghe-duoc-khong-voh-2

Tùy thuộc vào mức độ thủng màng nhĩ mà khả năng nghe được ở mỗi trường hợp sẽ khác nhau (Nguồn: Internet)

Thủng màng nhĩ, nếu không được điều trị, về lâu dài chuỗi xương truyền âm thanh trong tai giữa sẽ bị hư hại, thường gặp nhất là mất liên tục chuỗi xương này. Ngoài ra, nó có thể gây cứng khớp chuỗi xương truyền âm thanh.

Đối với thủng màng nhĩ, phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật để làm kín lỗ thủng màng nhĩ. Khi không còn lỗ thủng, vi trùng sẽ không xâm nhập vào tai giữa và như vậy tai sẽ khô hoàn toàn, không có biến chứng. Màng nhĩ liền kín, đồng nghĩa với diện tích màng nhĩ tiếp xúc với âm thanh tăng lên và người bệnh sẽ nghe rõ hơn.

Hầu hết thủng màng nhĩ sẽ lành mà không điều trị trong vòng vài tuần. Nếu những vết rách hay thủng màng nhĩ không tự lành, các bác sĩ sẽ tiến hành làm thủ thuật để khâu lỗ thủng. Các cách điều trị có thể bao gồm:

3.1 Vá màng nhĩ

Nếu vết rách hoặc thủng màng nhĩ không tự đóng, bác sĩ chuyên khoa có thể đóng nó với một bản vá giấy. Các thủ thuật có thể cần phải được lặp lại 3 - 4 lần trước khi lỗ thủng được đóng kín.

3.2 Phẫu thuật

Nếu vá lỗ thủng không kết quả hoặc bác sĩ xác định rằng vết rách không thể chữa lành với bản vá, bạn sẽ được đề nghị phẫu thuật. Phẫu thuật phổ biến nhất được gọi là tạo hình màng nhĩ. Bác sĩ phẫu thuật ghép một bản vá nhỏ của da vào màng nhĩ.