Chờ...

Cách lấy ráy tai cho bé, chuyện nhỏ mà không nhỏ!

( VOH ) - Cách lấy ráy tai cho bé sao cho an toàn là một trong những điều cha mẹ nên biết để có thể chăm sóc trẻ đúng cách, và việc dùng tăm bông để lấy ráy tai không phải là cách tốt nhất!

Cũng giống như nhiều bộ phận khác trên cơ thể, khu vực lỗ tai của bé cũng rất quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe của bé về sau nên cần được chăm sóc kỹ càng. Và vì lẽ đó nên nhiều bậc cha mẹ thường có thói quen lấy ráy tai cho bé bởi nghĩ rằng cách làm này sẽ giúp tai bé sạch hơn.

Tuy nhiên, việc thường xuyên lấy ráy tai cho trẻ không phải là một thói quen tốt, thậm chí còn mang đến nhiều hậu quả khôn lường.

1. Ráy tai quan trọng với bé như thế nào?

Thực tế, ráy tai không phải là chất bẩn mà nó là hỗn hợp các chất được tiết ra trong lớp lót của ống tai, tế bào da chết và mồ hôi. Ráy tai đóng vai trò như một chất bôi trơn tự nhiên, giúp làm sạch, loại bỏ bụi bẩn có trong ống tai và giữ tai sạch sẽ.

Khi ráy tai khô, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch. Nhờ động tác nhai và chuyển động của hàm, ráy tai cũ và tế bào chết liên tục được di chuyển từ màng nhĩ tới lỗ tai ngoài, khô dần và rơi ra.

cach-lay-ray-tai-cho-be-bang-tam-bong-nen-hay-khong-voh

Ráy tai có thể giúp ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng vào ống tai của bé (Nguồn: Internet)

Đối với trẻ nhỏ, ráy tai rất hữu ích vì có thể giúp bảo vệ tai trẻ khỏi bụi bẩn từ môi trường. Ngoài ra, ráy tai còn mang nhiều lợi ích khác:

  • Ráy tai giúp điều hòa độ pH, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước.
  • Giúp làm mềm da, hạn chế sự khô rát bên trong tai nên tránh được tình trạng ngứa và nứt da.
  • Ráy tai giúp ngăn chặn côn trùng xâm nhập vào ống tai của bé.
  • Giảm tế bào chết bên trong tai do chúng đã được đẩy ra bên ngoài.

1.1 Có nên lấy ráy tai cho bé?

Các bác sĩ thường khuyên cha mẹ không nên lấy ráy tai cho bé vì những lý do sau đây:

  • Ráy tai tự sinh ra trong ống tai, thuộc cơ chế tự làm sạch của ống tai.
  • Việc dùng tăm bông hay các thiết bị khác lấy ráy tai có thể khiến ráy tai càng đi sâu vào bên trong, làm tắc nghẽn lỗ tai.
  • Việc sử dụng các thiết bị lấy ráy tai cho bé nếu không cẩn thận có thể làm tổn thương tai, sưng mủ, thậm chí gây điếc tạm thời.

1.2 Khi nào nên lấy ráy tai cho trẻ em?

Đương nhiên không phải lúc nào ráy tai của trẻ cũng sạch và tự rơi ra. Cha mẹ có thể lấy ráy tai cho bé khi bé có những biểu hiện sau:

  • Đau tai, đầy tai
  • Nghe không rõ
  • Ù tai, có tiếng ồn trong tai
  • Ngứa tai, có mùi hôi, có dịch mủ hoặc nước chảy ra ngoài tai
  • Gây ho

2. Cách lấy ráy tai cho bé an toàn

Khi ráy tai của bé quá nhiều nhưng không chảy mủ, nước thì mẹ có thể lấy ráy tai cho bé như sau:

  • Cách lấy ráy tai cho bé an toàn nhất là mua thuốc làm tan ráy tai từ hiệu thuốc. Mẹ có thể nhỏ một vài giọt vào tai để ráy tai bé mềm hơn, sau đó đặt bé nằm nghiêng để ráy tai tự chảy ra ngoài.
  • Có thể dùng tăm bông hoặc bông gòn sạch, thấm nước hơi ẩm rồi lau sạch phía ngoài của ống tai.
  • Mẹo lấy ráy tai khô cho bé: mẹ có thể nhỏ chút dầu mát xa để làm mềm ráy tai của bé.

cach-lay-ray-tai-cho-be-bang-tam-bong-nen-hay-khong-1-voh

Chỉ nên dùng tăm bông để lau sạch lỗ ngoài của ống tai trẻ (Nguồn: Internet)

3. Những điều mẹ cần nhớ khi lấy ráy tai cho bé

Mẹ không cần phải vệ sinh tai cho bé mỗi ngày. Khi thực hiện việc móc ráy tai cho bé mẹ cần lưu ý một số điều sau:

  • Không dùng tăm bông để lấy ráy tai em bé vì có thể sẽ đẩy ráy tai vào sâu hơn. Lấy ráy tai bằng tăm bông chỉ hiệu quả với số ít trường hợp ráy tai ướt và dính ở rìa ống tai.
  • Không dùng các vật sắc nhọn như kẹp tóc để lấy ráy cho cho bé vì có thể gây trầy xước ống tai, nhiễm trùng, thậm chí là làm thủng màng nhĩ của bé.
  • Không sử dụng nến xông tai vì phương pháp này chưa được kiểm chứng. Quan trọng hơn, cách lấy ráy tai cho bé bằng nến xông có thể làm tổn thương tai nghiêm trọng.
  • Không dùng bình xịt vệ sinh để làm sạch tai bé vì lực của nước có thể gây ảnh hưởng cho tai.

Nhìn chung, với những em bé còn nhỏ ,các bậc cha mẹ không nên tự ý lấy ráy tai cho bé tại nhà mà nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tai - mũi - họng để thực hiện, nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra như: rách ống tai ngoài, viêm tai giữa ở trẻ... hoặc những tổn thương nặng nề ở tai trong và não.