Chờ...

Bà bầu ăn thốt nốt được không – 7 giải đáp ‘ngọn ngành’ cho mẹ

(VOH) – Những sản phẩm từ thốt nốt như đường thốt nốt, nước thốt nốt,…được khá nhiều người yêu thích, trong đó có cả các mẹ bầu. Thế nhưng bà bầu ăn thốt nốt được không và liệu có an toàn cho thai kì?

Từ bao đời nay, thốt nốt luôn được xem như một thức quà quý của đất trời, trở thành đặc sản nức tiếng của miền Tây. Vốn là loại cây trồng “hội tụ” nhiều tinh hoa, nhất là từ quả và hoa đều mang đến các thành phẩm giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên trên thực tế khi lựa chọn chúng để bồi bổ trong thai kì, khá nhiều mẹ còn băn khoăn bởi không biết bà bầu ăn thốt nốt được không?

1. Bà bầu ăn thốt nốt được không?

Với nguồn nguyên liệu chính từ cây thốt nốt, chúng ta có thể thưởng thức được vô vàn món ăn, thức uống độc đáo và bổ dưỡng, kể đến như nước thốt nốt mát lành từ phần quả hay đường thốt nốt ngọt thanh, thơm dịu từ mật hoa. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy rằng những thành phẩm này vẫn “lưu giữ” trọn vẹn hàm lượng lớn khoáng chất, vitamin cực kì tốt cho sức khỏe.

Vì vậy, theo khuyến cáo, trong thai kì bà bầu ăn thốt nốt được, chỉ cần chú ý cân đối liều lượng và không lạm dụng.

ba-bau-an-thot-not-duoc-khong-7-giai-dap-ngon-nganh-cho-me-voh-0
Đường thốt nốt hay nước thốt nốt,...đều là thực phẩm lành mạnh dành cho thai kì (Nguồn: Internet)

2. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn thốt nốt

Bà bầu có thể yên tâm bổ sung thốt nốt trong thời kì dưỡng thai để hấp thu thêm chất dinh dưỡng, chủ động cải thiện một số vấn đề sức khỏe thường gặp như:

2.1 Làm mát, giải độc cơ thể

Chúng ta biết rằng khi bước vào giai đoạn mang thai, hoạt động sản sinh hormone progesterone tăng lên, sản sinh nhiệt nhiều hơn khiến thân nhiệt của bà bầu cao hơn bình thường, dễ cảm thấy bốc hỏa. Lúc này, từ sau kì tam cá nguyệt đầu tiên, để giải khát, giải nhiệt cơ thể, bên cạnh nước lọc thông thường, mẹ có thể tham khảo uống thêm nước thốt nốt thanh mát, thơm ngậy.

2.2 Cải thiện ốm nghén

Nước thốt nốt hay đường thốt nốt đều mang hương thơm vô cùng dễ chịu và hấp dẫn nên được xem như “cứu tinh” của mẹ bầu khi cơn ốm nghén làm phiền. Mẹ hãy thử nhâm nhi một ly chè thơm nấu với đường thốt nốt hoặc đơn giản là uống chút nước thốt nốt.

Xem thêm: Những món ăn giúp mẹ bầu vượt qua cơn ốm nghén dễ dàng

2.3 Giảm viêm họng

Trong y học cổ truyền, đường thốt nốt thuộc nhóm có tính bình, vị ngọt dịu, không gắt như đường mía nên thường được tận dùng điều chế một số bài thuốc giảm ho, trị viêm họng. Vì thế, khi thời tiết giao mùa, nhằm hỗ trợ phòng tránh, giảm thiểu các cơn ho dai dẳng, pha ly nước chanh hay nước cam nóng với chút đường thốt nốt là gợi ý khá lành mạnh mẹ nên áp dụng.

2.4 Tăng cường sức đề kháng

Một trong những tác dụng của thốt nốt với sức khỏe bà bầu luôn được đánh giá cao đó là để lại tác động tích cực tới sức đề kháng. Theo đó, hấp thu các hoạt chất gốc thực vật – phyto được tìm thấy từ quả, hoa thốt nốt sẽ giúp củng cố hệ miễn dịch của người mẹ, từ đây ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, bảo vệ cả mẹ lẫn thai nhi trong bụng khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

2.5 Ngăn ngừa thiếu máu thai kì

Không chỉ chứa đa dạng các dưỡng chất thực vật quý, các sản phẩm từ thốt nốt, đặc biệt là đường thốt nốt, còn cung cấp lượng lớn vi chất sắt rất cần thiết cho tế bào máu. Lượng khoáng tố này sẽ tập trung ở hemoglobin, góp phần duy trì hoạt động sản sinh tế bào hồng cầu, phòng chống chứng thiếu máu thai kì.

ba-bau-an-thot-not-duoc-khong-7-giai-dap-ngon-nganh-cho-me-voh-1
Phần lớn các sản phẩm từ đường thốt nốt đều được đánh giá là giàu chất sắt, hỗ trợ ngăn ngừa thiếu máu thai kì (Nguồn: Internet)

2.6 Kích thích tiêu hóa

Nếu đang gặp phải tình trạng đầy bụng khó tiêu hay đang điều trị chứng táo bón thai kì, trong chế độ ăn uống hàng ngày, sau bữa ăn chính khoảng 30 phút, mẹ nên uống thêm một ly nước thốt nốt để kích thích tiêu hóa.

Xem thêm: Giải pháp giúp mẹ vượt qua chứng táo bón khi mang thai nhẹ nhàng

2.7 Tốt cho xương khớp

Tuy các khoáng chất như photpho hay canxi có trong nước thốt nốt hay đường thốt nốt không quá lớn, song chúng đều rất quan trọng với xương khớp, trực tiếp tham gia sản sinh tế bào xương mới ở mẹ và cả thai nhi. Từ đó, xoa dịu cơn đau nhức ở vùng xương chậu, tay hoặc chân của mẹ, đồng thời thúc đẩy hoàn thiện hệ vận động của em bé.

3. Thốt nốt làm món gì ngon để dưỡng thai?

Thay vì uống trực tiếp nước thốt nốt hay thêm đường thốt nốt vào các thức uống, mẹ còn có thể tận dụng để tạo nên nhiều “phiên bản” món ngon độc đáo, hấp dẫn dưới đây:

  • Chè bắp thốt nốt
  • Bánh bò đường thốt nốt
  • Thịt khi đường thốt nốt
  • Cá kho đường thốt nốt
  • Xôi đường thốt nốt
  • Nước thốt nốt hạt é

Xem thêm: List nhanh’ 7 công thức cho ai chưa biết đường thốt nốt làm gì ngon

4. Bà bầu ăn thốt nốt cần lưu ý gì?

Không thể phủ nhận thốt nốt là “tặng phẩm” mang đến rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe thai kì, song để hấp thu hiệu quả và trọn vẹn nhất, mẹ bầu phải ghi nhớ thực hiện đúng các lưu ý sau:

4.1 Chọn mua từ nguồn uy tín

Các sản phẩm từ thốt nốt có giá thành không quá cao và được bày bán khá rộng rãi, nhưng đôi khi chúng ta vẫn có thể chọn mua nhầm loại kém chất lượng.

Do vậy, đối với đường thốt nốt, mẹ nên tìm kiếm nguồn cung cấp uy tín, chú ý nhận biết các điểm khác biệt như hương thơm dịu, không nhìn thấy rõ tinh thể đường bên trong, đường mịn và không ngọt gắt.

Còn nếu muốn uống nước thốt nốt, hãy lựa mua nguyên trái thốt nốt, nhằm đảm bảo độ nguyên chất, không bị pha lẫn các chất điều vị khác.

ba-bau-an-thot-not-duoc-khong-7-giai-dap-ngon-nganh-cho-me-voh-2
Nêm nếm đường thốt nốt một lượng hợp lý để tránh mắc tiểu đường thai kì (Nguồn: Internet)

4.2 Không dùng quá nhiều

Dù là những loại thực phẩm từ thốt nốt đều bổ dưỡng nhưng việc dùng quá nhiều, vượt quá liều lượng an toàn sẽ để lại ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Theo đó, mẹ chỉ nên uống khoảng 200 – 250ml nước thốt nốt mỗi lần, còn khi chế biến, nêm nếm một lượng đường thốt nốt vừa phải từ 4 – 5 thìa cà phê là hợp lý, giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kì.

Xem thêm: Tìm hiểu ngay thực đơn cho bà bầu tiểu đường giúp kiểm soát bệnh hiệu quả

4.3 Hạn chế dùng khi bị tiêu chảy

Trường hợp mẹ đang bị lạnh bụng hay tiêu chảy dài ngày thì lời khuyên là nên tạm ngưng uống nước thốt nốt, đặc biệt tránh uống vào sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

Có lẽ nhờ mang tới nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời như vậy nên chẳng khó hiểu vì sao bao đời nay thốt nốt vẫn rất được “nâng niu”. Mẹ bầu cũng hãy an tâm bổ sung vào thực đơn dưỡng thai để tiếp nạp các dưỡng chất lành mạnh, cần thiết cho bản thân lẫn em bé nhé!