Có thể nói rằng việc hiểu rõ đặc điểm cũng như ý thức được tầm quan trọng và vai trò của bất cứ chất dinh dưỡng nào cũng sẽ giúp chúng ta biết cách xây dựng khẩu phần ăn hàng ngày khoa học, hợp lý hơn. Và tất nhiên, với các nhóm chất khoáng cũng vậy. Do đó, đừng bỏ qua những thông tin về khoáng chất - dưỡng chất “then chốt” trong cơ thể được chia sẻ ngay sau đây nhé!
1. Chất khoáng là gì?
Chất khoáng hay khoáng chất là cách gọi chung cho tập hợp các nhóm chất vô cơ, không dễ bị phá vỡ cấu trúc mà cơ thể không thể tự sản xuất, thường được tìm thấy chủ yếu trong đất hay nước. Theo đó, dựa trên nhu cầu hàng ngày của cơ thể, các nhà khoa học phân chia thành 2 nhóm chất khoáng chủ yếu:
- Chất khoáng đa lượng (chất khoáng chính): Đây là nhóm chất khoáng mà mỗi ngày cơ thể cần được cung ứng một lượng tương đối lớn, trên 250mg. Gồm những dưỡng chất như canxi, magie, kali, clorua, photpho và natri.
- Chất khoáng vi lượng (chất khoáng dạng vết): Đối với chất khoáng vi lượng, trung bình mỗi ngày cơ thể chỉ cần một lượng vô cùng nhỏ, dưới 100mg và thậm chí có thể ước tính bằng đơn vị mcg (micro gam). Có thể kể đến như sắt, iot, kẽm, mangan, selen, đồng, crom, flo và molypden.
Tuy nhiên, dù là thuộc nhóm chất khoáng đa lượng hay chất khoáng vi lượng, mỗi dưỡng chất đảm nhiệm những vai trò riêng biệt và phải được cung cấp đầy đủ mỗi ngày.
2. Vai trò của chất khoáng đối với cơ thể
Vai trò của chất khoáng đối với sức khỏe con người cực kì to lớn, bởi sau khi vào cơ thể, các nhóm chất khoáng sẽ được phân bổ ở hầu khắp hệ cơ quan, trực tiếp tham gia hàng loạt phản ứng sinh hóa. Dưới đây là tác dụng của những khoáng chất điển hình mà bạn nên biết:
2.1 Canxi
Trong số các chất khoáng đa lượng, canxi có lẽ là một dưỡng chất được biết đến rộng rãi nhất, với nhu cầu khuyến nghị hàng ngày dao động từ 700 – 1300mg.
Thông thường khi nhắc tới canxi, phần lớn chúng ta sẽ nghĩ tới tác dụng của canxi với việc duy trì xương và răng chắc khỏe nhưng thực tế khoáng chất này còn có khá nhiều chức năng khác. Theo đó, ngay cả hoạt động của hệ thần kinh, tim mạch hay quá trình đông máu đều cần sự “góp mặt” của canxi đấy nhé!
Xem thêm: Những điều thú vị về khoáng chất canxi đối với cơ thể mà nhiều người chưa biết
2.2 Magie
Có thể bạn chưa biết, để quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi diễn ra thuận lợi, cơ thể phải được cung ứng đủ lượng khoáng chất magie mỗi ngày. Điều này là bởi magie được xem như một chất xúc tác vô cùng cần thiết để chuyển hóa vitamin D thành dạng hoạt động, gắn vào niêm mạc ruột và dẫn chuyền canxi tới tế bào xương khớp.
Ngoài ra, sự hiện diện của magie cũng góp phần không nhỏ giúp thư giãn thần kinh, bảo vệ màng tế bào và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm. Do vậy, theo khuyến nghị dinh dưỡng, trung bình mỗi ngày cơ thể cần được bổ sung từ 240 - 400mg khoáng chất magie.
Xem thêm: 10 tác dụng của magie và hệ lụy khi thiếu - thừa khoáng chất này
2.3 Kali
Khoáng chất đa lượng tiếp theo không thể quên nhắc tới đó là kali – dưỡng chất được tìm thấy trong tế bào cơ, tế bào xương và ngay cả tế bào hồng cầu. Đặc biệt, kali sẽ hoạt động với đặc tính của một chất điện giải dẫn truyền xung điện khắp cơ thể, hỗ trợ cân bằng thể tích dịch, từ đây bảo vệ một trái tim khỏe mạnh cùng hệ vận động dẻo dai.
Xem thêm: Khám phá 8 tác dụng của kali đối với sức khỏe và những thực phẩm giàu kali nhất
2.4 Sắt
Hàng ngày chúng ta chỉ cần hấp thu một lượng vi chất sắt khoảng từ 8 – 18mg nhưng tác dụng của sắt đối với cơ thể luôn được đánh giá rất cao. Hơn 70% lượng chất sắt “có mặt” ở huyết sắc tố hemoglobin để cấu thành nên tế bào hồng cầu và bạch cầu trung tính trong máu, đảm bảo vận chuyển oxy từ máu tới các hệ cơ quan, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu cùng các bệnh lý liên quan xảy ra.
Xem thêm: 7 tác dụng của sắt với cơ thể và nhu cầu sắt hàng ngày nên biết
2.5 Kẽm
Kẽm được đánh giá là một khoáng chất vi lượng cực kì “đa năng”, vừa hỗ trợ vận chuyển các dưỡng chất, vừa kích thích sản sinh nhiều hormone quan trọng ở cả trẻ nhỏ, nam giới và nữ giới. Cùng với đó, kẽm cũng đóng vai trò như ion cấu trúc trong yếu tố phiên mã, hỗ trợ truyền tín hiệu và gắn kết chuỗi ADN, giảm tỉ lệ mắc các khuyết tật, nhất là ở thai nhi và trẻ nhỏ.
Xem thêm: 7 tác dụng của kẽm đối với sức khỏe ai cũng nên biết để chủ động bổ sung đủ
2.6 Iot
Tuy chỉ là một dưỡng chất chiếm tỉ lệ rất nhỏ và mỗi ngày cơ thể chỉ cần hấp thu một lượng trung bình từ 90 – 150mcg, song chất khoáng vi lượng iot rất cần thiết để duy trì tốt chức năng của nhiều hệ cơ quan, trong đó phải kể đến tuyến giáp.
Nếu cơ thể không được đáp ứng đủ lượng iot mỗi ngày có thể dẫn tới suy giảm nồng độ hormone tuyến giáp, để lại ảnh hưởng xấu tới hoạt động của tuyến giáp, thậm chỉ tới cả hệ thần kinh và hệ tuần hoàn.
Xem thêm: 5 vai trò quan trọng của iot giúp sức khỏe ổn định, đặc biệt đối với mẹ bầu và trẻ em
3. Bổ sung khoáng chất cho cơ thể cần lưu ý gì?
Khi cơ thể không có khả năng tự sản sinh các khoáng chất thiết yếu, chúng ta buộc phải chủ động hấp thu từ nguồn cung cấp bên ngoài, từ thực phẩm tự nhiên hoặc thuốc điều chế. Lúc này để bổ sung khoảng chất cho cơ thể một cách an toàn và hợp lý, bạn cần lưu ý một số khuyến cáo sau:
3.1 Bổ sung từ thực phẩm giàu chất khoáng
Lựa chọn thực phẩm giàu chất khoáng để thêm vào thực đơn dinh dưỡng là phương pháp bổ sung khoáng chất đơn giản và lành mạnh nhất.
Hầu hết các loại thực phẩm gồm rau xanh, thịt cá, các loại đậu, các loại hạt,…đều cung cấp đa dạng các khoáng chất, dù hàm lượng từng nhóm có thể chệnh lệch và khác nhau. Vì thế, tùy theo thể trạng cũng như nhu cầu cần tăng cường tiếp nạp khoáng chất nào, bạn hãy cân nhắc bổ sung phù hợp.
3.2 Dùng thuốc bổ sung khoáng chất
Sử dụng các loại thuốc bổ sung khoáng chất thường sẽ được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định trong trường hợp điều trị thiếu hụt trầm trọng hay với các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai. Tốt nhất không nên tự ý tìm mua và uống, tránh tình trạng vượt quá liều lượng an toàn, dẫn tới dư thừa khoáng chất, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Xem thêm: Bổ sung khoáng chất khi mang thai: Đúng và đủ sẽ tốt cho mẹ lẫn con
Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, thực tế phải nhờ vào sự “hợp sức” của tất cả các nhóm chất khoáng, thiếu đi một “mảnh ghép” nào thì nguy cơ gặp phải những rủi ro sức khỏe đều sẽ tăng cao. Vì thế, hãy chú ý xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý và đảm bảo bổ sung đa dạng, đủ lượng các khoáng chất thiết yếu bạn nhé!