7 tác dụng của sắt với cơ thể và nhu cầu sắt hàng ngày nên biết

(VOH) – Cung ứng đủ lượng khoáng tố sắt cho cơ thể luôn là một khuyến cáo quan trọng từ các tổ chức y tế thế giới. Vậy tác dụng của sắt với sức khỏe như thế nào mà chúng ta luôn phải chú ý bổ sung đủ?

Có thể nói rằng dù ở độ tuổi, giới tính nào thì sắt cũng luôn được xếp vào nhóm dưỡng chất đảm nhiệm rất nhiều vai trò then chốt nhằm duy trì một thể trạng khỏe mạnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu tường tận hơn về đặc tính và tác dụng của sắt với sức khỏe, để từ đó chủ động bổ sung hợp lý, khoa học.

1. Sắt là gì?

Sắt là một chất khoáng mà cơ thể con người không thể tự sản xuất được, phần lớn phải hấp thu từ các nguồn bên ngoài (chủ yếu từ thực phẩm) dưới dạng sắt ferric (Fe3+). Quá trình chuyển hóa chất sắt sẽ diễn ra ở hoành tá tráng, lúc này sắt ferric Fe 3+ chuyển thành dạng ferrous Fe2+ để dễ dàng được vận chuyển tới các tế bào.

Theo đó, khoảng 70% lượng chất sắt trong cơ thể tập trung ở huyết sắc tố hemoglobin, 30% còn lại được dự trữ trong tế bào ferritin và hemosiderin hoặc trong một số protein quan trọng khác.

7-tac-dung-cua-sat-voi-co-the-va-nhu-cau-sat-hang-ngay-nen-biet-voh-0
Sắt là khoáng tố cực kì quan trọng mà cơ thể cần được cung ứng đầy đủ hàng ngày (Nguồn: Internet)

2. Tác dụng của sắt với cơ thể

Sự “có mặt” đầy đủ lượng chất sắt góp phần không nhỏ vận hành hiệu quả hàng loạt phản ứng sinh hóa cùng chức năng của các hệ cơ quan. Dưới đây là tác dụng của sắt đã được nghiên cứu và chứng minh:

2.1 Sản sinh tế bào hồng cầu

Như đã chia sẻ, phần lớn lượng chất sắt được tìm thấy ở hemoglobin – loại protein cực kì quan trọng cấu thành nên các tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong máu. Chính vì thế, sắt được xem như một thành tố thiết yếu giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu và những bệnh lý liên quan đến thiếu máu xảy ra.

2.2 Củng cố hệ miễn dịch

Không chỉ trực tiếp tham gia sản sinh tế bào hồng cầu, các nghiên cứu y khoa còn chỉ ra rằng khoáng tố sắt cũng góp mặt trong thành phần của tế bào bạch cầu trung tính (tế bào T- Lymphocytes). Nhóm tế bào bạch cầu này sẽ tạo thành “hàng rào” ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh và hạn chế tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Xem thêm: Cách tăng sức đề kháng để vượt qua giai đoạn dịch nCoV một cách an toàn

2.3 Tăng khả năng ghi nhớ

Các tế bào hồng cầu được “phân công” vận chuyển oxy từ máu tới hầu khắp hệ cơ quan của cơ thể, trong đó cung cấp tới 20% tổng lượng oxy cho não bộ hoạt động. Lúc này, khi có đủ lượng oxy lên não, các nơ – ron thần kinh sẽ tăng kết nối với nhau, giúp duy trì tốt khả năng nhận thức và ghi nhớ của não bộ.  

2.4 Giảm căng thẳng

Một số nghiên cứu nhận thấy rằng sắt cũng là một khoáng tố thúc đẩy hoạt động tổng hợp những chất dẫn truyền thần kinh như norepinephrine hay serotonin. Nhờ có tác động của các hoạt chất này, bạn sẽ cảm thấy thư giãn, bớt căng thẳng, tâm trạng luôn vui vẻ và thoải mái.

Xem thêm: Nên và không nên ăn thực phẩm nào để sớm ‘đánh bay’ stress, lấy lại tinh thần yêu đời?

2.5 Cải thiện hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên xuất hiện khá phổ biến đối tượng tuổi trung niên, thường gây đau nhức, ngứa như châm chích ở chân khi nằm hoặc ngồi. Theo đó, trong một số trường hợp điều trị hội chứng này, các bác sĩ chuyên khoa cũng thường chỉ định bổ sung sắt để sớm cải thiện.

7-tac-dung-cua-sat-voi-co-the-va-nhu-cau-sat-hang-ngay-nen-biet-voh-1
Các bác sĩ chuyên khoa cũng thường chỉ định bổ sung sắt để cải thiện hội chứng chân không yên thường gặp ở người trung niên (Nguồn: Internet)

2.6 Cân bằng thân nhiệt

Bổ sung đủ lượng chất sắt cũng được xem là phương pháp giúp bạn cân bằng thân nhiệt hiệu quả vì khi đó, dòng tuần hòa sẽ có đủ lượng máu cần thiết để duy trì sự sống.

2.7 Nuôi dưỡng tóc chắc khỏe

Có thể bạn chưa biết tác dụng của sắt với mái tóc cũng được đánh giá rất cao. Điều này là bởi khi được cung ứng chất sắt đầy đủ, cơ thể đưa máu tới nuôi dưỡng các nang tóc và chân tóc, giảm thiểu tình trạng khô xơ, đứt gãy, từ đó nuôi dưỡng tóc chắc khỏe.

Xem thêm: Giảm gãy rụng, kích thích mọc tóc với 8 nhóm ‘siêu thực phẩm’

3. Nhu cầu sắt hàng ngày của cơ thể

Nhu cầu sắt hàng ngày thường có sự khác biệt ở mỗi độ tuổi, giới tính và thậm chí thay đổi phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. (1) Dưới đây là lượng sắt được khuyến nghị với từng đối tượng cụ thể:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 0.27 mg/ngày
  • Trẻ từ 7 – 12 tháng: 11 mg/ngày
  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 7 mg/ngày
  • Trẻ từ 4 – 8 tuổi: 10 mg/ngày
  • Trẻ từ 9 – 13 tuổi: 8 mg/ngày
  • Trẻ từ 14 – 18 tuổi: 11 – 15 mg/ngày
  • Nữ giới từ 19 – 50 tuổi: 18 mg/ngày
  • Nam giới từ 19 – 50 tuổi: 8 mg/ngày
  • Phụ nữ mang thai: 27 - 45 mg/ngày
  • Phụ nữ đang cho con bú: 10 mg/ngày

4. Thiếu sắt gây bệnh gì?

Thiếu sắt là tình trạng có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, trong đó phổ biến nhất là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Khi cơ thể rơi vào trạng thái thiếu hụt vi chất sắt, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết thông qua các biểu hiện điển hình như sự biến đổi màu sắc của da (không còn hồng hào mà trở nên nhợt nhạt), thường thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt.

7-tac-dung-cua-sat-voi-co-the-va-nhu-cau-sat-hang-ngay-nen-biet-voh-2
Hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi là những biểu hiện cực kì điển hình của tình trạng thiếu sắt mà cơ thể cảnh báo chúng ta (Nguồn: Internet)

Theo đó, nếu không kịp thời phát hiện và khắc phục, thiếu sắt có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau:

  • Thiếu máu thiếu sắt
  • Khó thở, rối loạn nhịp tim
  • Suy giảm trí nhớ, đau nửa đầu
  • Giảm khả năng vận động

Xem thêm: Thiếu sắt gây bệnh gì? 4 dấu hiệu thiếu sắt cơ thể ‘cảnh báo’

5. Gợi ý một số thực phẩm bổ sung sắt

Để cung cấp đủ lượng khoáng tố sắt cho cơ thể, uống thuốc sắt và tăng cường tiếp nạp thực phẩm giàu sắt là hai phương pháp thường được áp dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu muốn dùng các loại thuốc sắt chúng ta phải tham vấn chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa và không được tự ý mua, uống quá liều lượng. Vì thế lời khuyên là bạn nên chủ động thêm các loại thực phẩm bổ sung sắt vào khẩu phần ăn hàng ngày.

Thực phẩm bổ sung sắt vốn không khó tìm kiếm, thậm chí có thể đã rất quen thuộc, điển hình như thịt bò, thịt heo, , rau chân vịt, bông cải xanh, trứng, đậu phụ hay socola đen,…

Xem thêm: Top 13 thực phẩm bổ sung sắt, nên cho vào chế độ ăn ngay để tránh thiếu máu

6. Hướng dẫn sử dụng thuốc sắt cho bà bầu

Trước khi mang thai và trong giai đoạn mang thai, bổ sung vi chất sắt cho cơ thể là một trong những ưu tiên hàng đầu mà mẹ bầu luôn cần phải chú ý thực hiện, nhằm đảm bảo không bị thiếu máu thai kì gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi.

Ở thời kì này, bên cạnh việc xây dựng thực đơn dưỡng thai hợp lý với đa dạng các thực phẩm giàu sắt, các bác sĩ sản khoa cũng thường yêu cầu bổ sung thuốc sắt cho bà bầu. Tất nhiên hãy lưu ý rằng tùy theo thể trạng, liều lượng thuốc sắt mà mỗi mẹ bầu được chỉ định sử dụng sẽ khác nhau, phù hợp với từng mẹ.

7-tac-dung-cua-sat-voi-co-the-va-nhu-cau-sat-hang-ngay-nen-biet-voh-3
Để dự phòng thiếu máu thai kì, các bác sĩ sản khoa có thể chỉ định bà bầu dùng thuốc sắt với liều lượng phù hợp, an toàn (Nguồn: Internet)

Mẹ có thể uống thuốc sắt dạng viên hoặc dạng nước, song hãy uống vào thời điểm sau bữa ăn nhẹ hoặc trước giờ đi ngủ để cơ thể có thể hấp thu hiệu quả nhất.

Xem thêm: Các dạng thuốc sắt cho bà bầu nên uống khi nào và bao nhiêu?

7. Thừa sắt có nguy hiểm không?

Khả năng xảy ra hiện tượng thừa sắt thường khá thấp nếu bạn chủ yếu hấp thu từ thực phẩm bởi sau khi chuyển hóa lượng sắt cần thiết, phần dư thừa sẽ được đào thải theo các tế bào mô bong ra hay qua đường tiêu hóa. Song tỉ lệ bị thừa sắt sẽ tăng cao khi bạn dùng thuốc sắt quá liều hoặc có mắc thừa sắt di truyền do đột biến gen HFE.

Thừa sắt diễn ra trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan và tim mạch, khiến cơ thể thiếu hụt nhiều khoáng chất quan trọng khác như thiếu canxi hay thiếu kẽm. Vì lẽ đó, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, buồn nôn, da chuyển màu xám hoặc sụt giảm cân nặng đột ngột thì bạn nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế để kịp thời thăm khám, điều trị thừa sắt. 

Xem thêm: Thừa sắt có nguy hiểm không? Chẩn đoán và lưu ý điều trị cần rõ

Tóm lại, tác dụng của sắt với việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh là những thông tin mà chúng ta cần tìm hiểu kĩ lưỡng và nằm lòng, để từ đó lên kế hoạch bổ sung đúng, đủ lượng, không để cơ thể thừa sắt hay thiếu sắt.