Các dạng thuốc sắt cho bà bầu nên uống khi nào và bao nhiêu?

(VOH) – Bà bầu thường được khuyến cáo cần bổ sung đầy đủ sắt trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, việc bổ sung thuốc sắt cho bà bầu không phải ai cũng biết.

Trong thai kỳ, thể tích máu của người mẹ tăng lên khoảng 50% so với bình thường, vì vậy mẹ cần rất nhiều sắt để tăng cường sức khỏe và đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Sắt làm nhiệm vụ tạo máu và tham gia vào quá trình tạo nhân tế bào. Đồng thời cũng hỗ trợ việc phân chia tế bào, tạo ra những tế bào mới.

Tuy nhiên, theo các số liệu nghiên cứu, có khoảng 40 – 50% phụ nữ mang thai bị thiếu sắt. Riêng kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có đến 36.8% phụ nữ mang thai tại Việt Nam bị thiếu máu và 75% nguyên nhân thiếu máu là do thiếu sắt.

1. Bà bầu thiếu sắt ảnh hưởng tới sức khỏe thai kì thế nào?

Phụ nữ mang thai cần phải bổ sung đủ lượng sắt thiết yếu cho cơ thể mỗi ngày. Bà bầu thiếu sắt sẽ dễ bị mệt mỏi, chán ăn, ngủ không ngon vì không có oxy lên não và các tế bào trong cơ thể.

Mặt khác, thiếu sắt sẽ khiến cho sức đề kháng của mẹ bị giảm sút, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng. Điều này có thể ảnh hưởng đến em bé sinh ra khó đạt được sức khỏe như mong muốn.

Ngoài ra, nếu tình trạng thiếu sắt diễn ra trong tam cá nguyệt thứ nhấttam cá nguyệt thứ hai sẽ làm tăng nguy cơ sinh non lên gấp đôi và nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân tăng gấp 3 lần.

cac-dang-thuoc-sat-cho-ba-bau-nen-uong-khi-nao-va-bao-nhieu-voh-0
Bà bầu thiếu sắt sẽ để lại nhiều ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi (Nguồn: Internet)

2. Các dạng thuốc sắt cho bà bầu

Thuốc sắt cho bà bầu được chia làm 2 dạng là sắt vô cơ (sắt sulfat) và sắt hữu cơ (sắt fumarate và sắt gluconate). Sắt hữu cơ thường được khuyến khích dùng hơn sắt vô cơ vì có ưu điểm dễ hấp thụ và ít gây táo bón.

Thuốc sắt cho bà bầu gồm 2 loại phổ biến dưới đây:

  • Sắt dạng nước: Hấp thu tốt, ít gây táo bón, ít gây nóng nhưng khó uống và dễ gây buồn nôn.
  • Viên sắt cho bà bầu: Dễ uống, không gây buồn nôn nhưng hấp thu kém hơn, gây nóng trong người.

Xem thêm: Ghi chú đầy đủ nhất về việc sử dụng vitamin tổng hợp cho mẹ bầu

3. Hướng dẫn bổ sung sắt cho bà bầu

Bổ sung sắt cho bà bầu chỉ nên được thực hiện sau khi bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đưa ra chỉ định. Theo đó, khi uống thuốc sắt, mẹ bầu cần lưu ý tuân thủ những khuyến cáo an toàn dưới đây:

3.1 Bổ sung sắt cho bà bầu bao nhiêu là hợp lý?

Cũng giống như việc bổ sung vitamin tổng hợp cho bà bầu, mẹ bầu nên bổ sung sắt trước khi có ý định mang thai để đảm bảo cung cấp đủ sắt cho cơ thể. Sau đó, tiếp tục duy trì việc dùng thuốc sắt trong suốt thai kỳ và kéo dài tới sau sinh một tháng.

  • Trước khi mang thai: cơ thể phụ nữ cần 15mg sắt mỗi ngày.
  • Trong giai đoạn mang thai: cơ thể mẹ bầu cần khoảng 30mg sắt/ngày. Với những bà bầu được xác định thiếu máu do thiếu sắt, cần phải bổ sung từ 50 – 100mg sắt mỗi ngày. Trường hợp thai phụ bị thiếu sắt trầm trọng sẽ được tiêm vào tĩnh mạch tại bệnh viện và việc điều trị thường kéo dài từ 2 – 3 tháng.
  • Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ: chị em nên uống bổ sung ít nhất 9mg sắt/ngày.

Xem thêm: ‘Bật mí’ mẹ chế độ dinh dưỡng sau sinh để con đủ chất, đủ sữa

3.2 Thuốc sắt cho bà bầu nên uống khi nào?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cơ thể hấp thụ sắt tốt nhất khi dạ dày đang rỗng. Tuy nhiên, nhiều bà bầu uống sắt lúc đói dễ dẫn tới hiện tượng kích ứng ruột, khiến chứng buồn nôn thêm trầm trọng. Vì vậy, thuốc sắt cho bà bầu nên uống trước khi đi ngủ hoặc sau bữa ăn nhẹ là tốt nhất. 

cac-dang-thuoc-sat-cho-ba-bau-nen-uong-khi-nao-va-bao-nhieu-voh-1
Thuốc sắt cho bà bầu nên uống trước khi đi ngủ hoặc sau bữa ăn nhẹ (Nguồn: Internet)

3.3 Cách uống thuốc sắt như thế nào là tốt?

Để có thể hấp thu tối đa lượng vi chất sắt, tùy theo dạng thuốc sắt, bà bầu nên áp dụng cách uống phù hợp. Cụ thể: 

  • Đối với thuốc sắt dạng viên: Uống thuốc với ít nhất nửa cốc nước, không uống thuốc khi nằm, không nhai viên thuốc khi uống.
  • Đối với thuốc dạng nước: Nên hút bằng ống hút để tránh hiện tượng răng bị đen do thuốc sắt.
  • Không dùng thuốc sắt cho bà bầu cùng thời điểm với sữa, thuốc bổ sung canxi hay thực phẩm giàu canxi vì canxi sẽ làm cản trở khả năng hấp thụ sắt. Do đó, thời điểm uống canxi và sắt phải cách xa nhau.
  • Không uống thuốc sắt cùng với trà và cà phê vì chúng sẽ nhanh chóng là sắt “bốc hơi”.
  • Nên uống thuốc sắt dành cho bà bầu cùng với nước cam, chanh hoặc các loại nước giàu vitamin C. Vì vitamin C có khả năng tăng cường hấp thu sắt của cơ thể.

Xem thêm: Hướng dẫn bổ sung vitamin C đúng cách mỗi ngày, tránh mắc phải những tác dụng phụ nguy hại

4. Tác dụng phụ của thuốc sắt cho bà bầu khi dùng quá liều

Bất kỳ loại thuốc nào dù là viên uống bổ sung sắt cho bà bầu cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Đó có thể là:

  • Táo bón
  • Kích thích tiêu hóa
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy và ợ nóng

Để tránh gặp những tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc sắt cho bà bầu, chị  em nên tuân thủ liều lượng sử dụng. Việc dùng dư thừa sắt khi mang thai (dung nạp quá 45mg sắt/ngày) có thể dẫn gây ngộ độc chất sắt nặng, dẫn đến tiêu chảy ra máu, nôn và trong trường hợp hiếm có thể gây tử vong.

Ngoài ra, cùng việc sử dụng các loại thuốc bổ sung sắt cho bà bầu, chị em có thể tăng cường ăn thêm các thực phẩm giàu khoáng tố sắt, gồm cả sắt chứa heme và sắt không chứa heme:

  • Các loại thực phẩm có chứa sắt heme bao gồm: các loại thịt đỏ, tim, gan, thịt gia cầm, cá, nghêu, hàu, lòng đỏ trứng....
  • Các loại thực phẩm cung cấp sắt không chứa heme gồm có: ngũ cốc ăn liền, bí ngô, các loại rau màu xanh đậm, đậu lăng, đậu nành, nho khô....

Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau như thất thoát sắt qua quá trình chế biến thực phẩm nên các mẹ bầu không thể “nạp” đủ sắt từ thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của mình. Mặc khác, có những mẹ bầu có nhu cầu chất sắt khá cao (30mg mỗi ngày), trong khi đó chế độ ăn thường chỉ cung cấp khoảng 10mg chất sắt cho cơ thể. Vì vậy, để đảm bảo cho nhu cầu sắt mỗi ngày, việc bổ sung sắt cho bà bầu là cần thiết.