Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những thay đổi của mẹ và bé ở kì tam cá nguyệt thứ 2

(VOH) - Kết thúc kì tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ bầu và bé đã dần ‘làm quen’ với nhau. Bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2, mẹ cần thực hiện những lưu ý gì để thai nhi tiếp tục phát triển khỏe mạnh?

Em bé lớn lên và hoàn thiện các bộ phận trong cơ thể theo từng ngày, mẹ sẽ cảm nhận được rõ nét sự thay đổi này trong kì tam cá nguyệt thứ 2. 

1. Tam cá nguyệt thứ 2 là gì?

Sau khi trải qua 3 tháng đầu tiên, mẹ bầu sẽ bước giai đoạn giữa của thai kì, bắt đầu kì tam cá nguyệt thứ 2. Kì tam cá nguyệt này sẽ kéo dài từ tuần tuổi thứ 14 đến 27 của thai nhi. 

Đây được xem là giai đoạn “trăng mật” trong suốt thời gian mang thai vì mẹ và con đều đã gắn kết cũng như bắt đầu có thể chuyện trò cùng nhau. 

nhung-thay-doi-cua-me-va-be-o-ki-tam-ca-nguyet-thu-2-voh-0
Tam cá nguyệt thứ 2 là "trăng mật" của mẹ và bé (Nguồn: Internet) 

2. Quá trình phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ 2

Ba tháng giữa được xem như giai đoạn vàng phát triển của thai nhi, em bé sẽ có hình hài hoàn thiện và có thể “đáp lại” lời mẹ.

2.1 Thai nhi 14 tuần tuổi 

Bước vào tuần đầu tiên của kì tam cá nguyệt thứ 2, tình trạng ốm nghén của mẹ đã dịu đi phần nào. Thời điểm này bé sẽ học cách phản ứng với các tương tác bên ngoài. 

Xem thêm: 'Soi' sự phát triển của thai nhi 14 tuần và những thay đổi ở người mẹ

2.2 Thai nhi 15 tuần tuổi 

Đây là tuần tuổi mà mẹ rất móng ngóng vì có thể siêu âm để xác định giới tính của thai nhi. Đáng chú ý hơn cả là em bé bắt đầu thực hiện nhiều chuyển động bằng đầu và miệng. 

Xem thêm: Thai nhi 15 tuần trong bụng mẹ đã có những phản xạ gì?

2.3 Thai nhi 16 tuần tuổi 

Ở tuần tuổi thứ 16, kích thước đầu của thai nhi gần đạt tối đa và thân người con cũng dần duỗi thẳng. Thỉnh thoảng mẹ sẽ ngày tiếng lèo xèo trong bụng vì em bé đang cử động. 

Xem thêm: Thai nhi 16 tuần và những bất ngờ dành cho mẹ

2.4 Thai nhi 17 tuần tuổi 

Vào tuần tuổi thứ 17, nhau thai của mẹ đang chứa rất nhiều mạch máu, cung cấp rất nhiều dưỡng chất và oxy cho bé. Bên cạnh đó, các chất thải từ cơ thể bé cũng được dẫn truyền qua đây. 

Xem thêm: Thai nhi 17 tuần tuổi - thời điểm mẹ theo dõi sự phát triển của bé qua những chỉ số quan trọng

2.5 Thai nhi 18 tuần tuổi

Các giác quan của thai nhi vào tuần thứ 18 ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là tai và mắt. Em bé cũng đang tập làm quen với hoạt động thở bằng phổi trong môi trường nước ối. 

Xem thêm: Có thai máy, phát triển thính giác là những bước phát triển của thai 18 tuần tuổi, mẹ đã biết chưa?

2.6 Thai nhi 19 tuần tuổi

Thai nhi 19 tuần tuổi đã có rất nhiều cử động có thể “làm phiền” mẹ, con cựa quậy và xoay đầu nghịch ngợm trong bụng. Bộ não của bé vẫn không ngừng phát triển với hàng triệu nơ ron. 

Xem thêm: 'Bật mí' mẹ những điều sẽ xảy ra khi thai nhi được 19 tuần tuổi

2.7 Thai nhi 20 tuần tuổi 

Ở thời điểm 20 tuần tuổi, cân nặng và chiều dài của thai nhi có sự thay đổi đáng kể, đồng thời, 5 giác quan của con cũng có sự chuyên biệt hóa. 

Xem thêm: ‘Tất tần tật’ những thay đổi của bé yêu khi mẹ mang thai 20 tuần

2.8 Thai nhi 21 tuần tuổi 

Trong tuần thứ 21, qua hình ảnh siêu âm mẹ sẽ có thể quan sát rõ môi, mắt và lông mày của em bé. Hệ tiêu hóa và các cơ quan nội tiết của con cũng ngày càng hoàn thiện và đi vào hoạt động. 

Xem thêm: Bật mí đến mẹ sự phát triển của thai nhi 21 tuần tuổi

2.9 Thai nhi 22 tuần tuổi 

Khi thai nhi được 22 tuần tuổi, bé thường có hành động là ngậm mút tay – đây là bước khởi đầu để sau này bé tập bú sữa mẹ. Những hoạt động nghịch ngợm như đạp, cọ quậy vẫn diễn ra rất thường xuyên. Đặc biệt, qua hình ảnh siêu âm mẹ sẽ quan sát thấy rõ tóc cũng như chân mày của con.

nhung-thay-doi-cua-me-va-be-o-ki-tam-ca-nguyet-thu-2-voh-1
Thai nhi bắt đầu mọc tóc ở tuần thứ 22

2.10 Thai nhi 23 tuần tuổi 

Cơ thể của thai nhi 23 tuần tuổi đang dần tích tụ chất béo để làm căng làn da của bé, cùng với đó, con có rất nhiều cử động và các tư thế nằm đặc biệt. 

Xem thêm: Không chỉ nghe được giọng của mẹ, thai nhi 23 tuần còn phát triển rất nhiều điều khác nữa!

2.11 Thai nhi 24 tuần tuổi 

Thai nhi 24 tuần tuổi vẫn nhận oxy qua nhau thai nhưng phổi của con đang dần phát triển vượt trội. 

Xem thêm: Thông tin mẹ bầu cần biết khi mang thai 24 tuần tuổi

2.12 Thai nhi 25 tuần tuổi 

Với thai nhi 25 tuần tuổi, cha mẹ có thể tương tác và trò chuyện với con nhiều hơn để tăng phản xạ cho bé. 

Xem thêm: Khám phá những thay đổi cơ thể của mẹ và sự phát triển của con ở tuần thai 25

2.13 Thai nhi 26 tuần tuổi 

Tuần thứ 26 được coi là thời điểm hệ tuần hoàn của bé khá hoàn thiện vì tim cũng như phổi đã có đầy đủ chức năng. 

Xem thêm: Những 'điều diệu kỳ' sẽ xảy ra khi thai nhi 26 tuần tuổi mẹ có thể chưa biết!

2.14 Thai nhi 27 tuần tuổi 

Tuần thứ 27 là tuần cuối của kì tam cá nguyệt thứ 2 nên cân nặng và chiều dài của con tăng trưởng rất nhanh chóng. Nếu được sinh ra ở giai đoạn này thì con vẫn có khả năng sống sót. 

Xem thêm: Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi 27 tuần tuổi cùng những thay đổi ở người mẹ

3. Những thay đổi của mẹ vào tam cá nguyệt thứ 2

Trong kì tam cá nguyệt thứ 2, không chỉ cơ thể thai nhi có sự thay đổi nhanh chóng, những khác biệt ở mẹ cũng có thể nhận thấy rõ ràng. 

3.1. Giảm ốm nghén

Vì cơ thể mẹ đã quen với sự có mặt con nên bước sang kì tam cá nguyệt thứ 2, tình trạng ốm nghén hay triệu chứng buồn nôn đã giảm đi đáng kể, thậm chí không còn xuất hiện. Mẹ sẽ cảm thấy ăn ngon miệng hơn và ăn nhiều hơn so với bình thường. 

3.2. Tăng cân nhanh

Đây là giai đoạn cân nặng của mẹ có sự chuyển biến đáng kể, mẹ có thể tăng thêm từ 5-6kg. Để xác định chính xác cân nặng, mẹ nên kiểm tra trước khi ăn bữa sáng. Lưu ý không cần cố ăn quá nhiều với tâm lí tăng cân nặng cho con, hãy ăn theo nhu cầu năng lượng thông thường, khoảng 300 calo mỗi bữa. 

3.3. Chuột rút

Có nhiều nguyên do khiến mẹ thường bị chuột rút trong thai kì, tuy nhiên, phần lớn do cần bù đắp một lượng lớn canxi cho con dẫn đến cơ thể mẹ thiếu hụt. Bên cạnh đó, tử cung ngày càng lớn để chứa em bé, gây áp lực lên các mạch máu, chèn ép tạo cảm giác nặng nề ở các cơ bắp. 

Xem thêm: Bí quyết chữa bị chuột rút khi mang thai cho mẹ bầu

3.4. Đau lưng 

Em bé mỗi ngày đều lớn hơn khiến cơ thể mẹ uốn cong về phía trước, đây chính là yếu tố khiến các cơ ở lưng căng lên, gây đau nhức và rất khó cúi gập người. 

nhung-thay-doi-cua-me-va-be-o-ki-tam-ca-nguyet-thu-2-voh-2
Mẹ sẽ thường xuyên cảm thẩy đau lưng (Nguồn: Internet) 

3.5. Co thắt cơ dạ con

Các cơn co thắt bất chợt chỉ kéo dài khoảng 10-15 giây là hiện tượng bình thường mẹ sẽ gặp khi mang thai. Dây chằng tử cung bị kéo căng ra, rồi lại cuộn tròn lại, phần bụng của mẹ sẽ co cứng khi cơn co cứng xuất hiện, sau đó lại giãn mềm ra. 

3.6. Rạn da

Vì hoạt động sản sinh ra hormone bị rối loạn nên sắc tố da của mẹ cũng sẽ thay đổi. Thời gian mang bầu cũng khiến vùng bụng và ngực của mẹ bị căng quá mức, gây rạn da. Vết rạn có thể màu hồng, nâu đỏ hoặc nâu sẫm, tùy vào màu da của mẹ.  

Xem thêm: ‘Bỏ túi’ 7 cách ngăn ngừa tối đa tình trạng rạn da ở tuổi dậy thì và khi mang thai

3.7. Chảy máu nướu răng 

Theo nhiều thống kê, hơn 50% phụ nữ mang thai có thể bị sưng và chảy máu nướu. Sự thay đổi hormone khiến lượng máu tới nướu nhiều hơn, khiến nướu nhạy cảm hơn và dễ chảy máu. Tuy nhiên, nướu của bạn sẽ trở lại bình thường sau khi sinh con. 

3.8. Giảm trí nhớ

Những căng thẳng và lo lắng khi mang thai có thể khiến trí nhớ của mẹ suy giảm, hơn nữa, lượng progesterone và estrogen trong não tăng lên quá mức, gây ảnh hưởng tới noron thần kinh ở não. 

4. Khám thai định kì ở tam cá nguyệt thứ 2

Tam cá nguyệt thứ 2 là khoảng thời gian cơ thể mẹ không cảm thấy quá mệt mỏi hay hiếm xuất hiện những dấu hiệu bất thường, nhưng dù vậy đừng quên đi khám thai định kì, tiến hành các xét nghiệm quan trọng để đảm bảo con vẫn phát triển khỏe mạnh. 

  • Siêu âm hình thái thai nhi: 3 tháng giữa thai kì là lúc có thể nhìn rõ hình hài của con, siêu âm hình thái sẽ giúp bác sĩ phát hiện những dị tật bên ngoài để kịp thời can thiệp và khắc phục. 
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kết quả xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp mẹ kiểm soát chỉ số đường trong cơ thể, hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường khi mang thai. 
  • Chọc ối: Thủ thuật này thường được chỉ định thực hiện trong giai đoạn từ tuần thai thứ 16-20, nhằm thu thập chỉ số sức khỏe của thai nhi từ mẫu nước ối của người mẹ, xác định xem thai nhi có nguy cơ mắc phải những rối loạn di truyền hay bất thường nhiễm sắc thể. 
  • Tiêm phòng: Đây là giai đoạn mẹ cần tiêm phòng uốn ván để giảm nguy cơ mắc uốn ván ở trẻ. 2 mũi tiêm uốn ván nên thực hiện cách nhau tối thiểu 1 tháng. 

5. Một số lưu ý ở kì tam cá nguyệt thứ 2

Dù đây là giai đoạn khá dễ chịu với cả mẹ và bé nhưng để đảm bảo thai kì diễn ra suôn sẻ, mẹ hãy ghi nhớ thực hiện một số lưu ý dưới đây.  

5.1. Chế độ dinh dưỡng

  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt, canxi, axit folic và chất xơ. 
  • Uống đủ nước.
  • Ăn nhiều lần trong ngày, ăn chậm, nhai kĩ, tránh để bị nghẹn.  
  • Hạn chế ăn đồ chiên, xào, chứa nhiều dầu mỡ. 
  • Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, chất kích thích. 

5.2. Tư thế ngủ

  • Không nên nằm ngửa để hạn chế tổn thương lên cột sống, cơ lưng và ruột. 
  • Nên nằm nghiêng sang bên trái vì thai nhi có xu hướng quay sang bên phải, nếu mẹ cũng nghiêng sang phải sẽ làm cho mạch máu tử cung bị vặn xoắn.  
  • Đặt một chiếc gối dưới chân hoặc giữa hai chân khi ngủ có thể giúp giảm đau lưng.

5.3. Vận động

  • Duy trì vận động thường xuyên, tránh ngồi quá lâu.
  • Thực hiện các bài tập yoga nhẹ nhàng để giãn cơ, giảm đau mỏi. 
  • Nếu thấy chóng mặt hay nhức đầu thì nên nghỉ ngơi, không nên tập quá sức. 

Bước vào kì tam cá nguyệt thứ 2, mẹ và bé đã cùng nhau đi được nửa hành trình của thai kì, mẹ hãy duy trì thói quen chăm sóc sức khỏe thật tốt để có thể nuôi dưỡng được một em bé khỏe mạnh. 

Bình luận