Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thai nhi 20 tuần tuổi: Não bộ tăng trưởng nhanh về kích thước lẫn khối lượng

(VOH) – Thai nhi 20 tuổi đã có những chuyển động đạp rất rõ ràng. Đây cũng là giai đoạn mang thai thoải mái nhất của mẹ. Hãy cùng xem trong tuần này bé con sẽ thay đổi như thế nào nhé!

Khi thai nhi được 20 tuần thì bạn đã ngày càng đến gần giai đoạn sau của hành trình mang thai. Tuy vậy, hiện tại bạn vẫn đang trong giai đoạn thoải mái nhất của thai kỳ và bé cưng của bạn thì vẫn đang lớn lên từng ngày trong bụng.

1. Thai nhi 20 tuần tuổi siêu âm thấy những gì?

Siêu âm thai tuần thứ 20 là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong thai kỳ. Mặc dù tại thời điểm này, các cơ quan thai nhi vẫn chưa trưởng thành, nhưng tất cả đều đã được hình thành và đang trong quá trình phát triển.

Và mục đích chính của việc siêu âm thai 20 tuần chính là xem xét tất cả các giải phẫu của thai nhi nhằm tìm kiếm bất thường mà ở các lần siêu âm trước không thể nhìn thấy, chẳng hạn như: Bất thường tủy sống, tim khiếm khuyết, bất thường cơ hoành... Đây cũng là thời điểm có thể đo lường sự tăng trưởng của thai nhi (chu vi đầu, chu vi bụng, chiều dài xương đùi...) cũng như đưa ra các thông số, hình ảnh chi tiết về tử cung, nước ối... 

Đặc biệt, khi siêu âm thai 20 tuần sẽ có thể giúp phát hiện được tình trạng nhau bám thấp - một tình trạng nguy hiểm có thể khiến thai phụ và thai nhi đối mặt với các nguy cơ:

  • Thai phụ dễ bị thiếu máu, xuất huyết sau sinh, tăng nguy cơ sinh mổ.
  • Thai nhi có thể bị chậm phát triển, sinh sớm hoặc có ngôi thai không thuận.

thai-nhi-20-tuan-tuoi-nao-bo-tang-truong-nhanh-ve-kich-thuoc-lan-khoi-luong-voh

Siêu âm thai 20 tuần là mốc siêu âm quan trọng (Nguồn: Internet)

Khi thực hiện siêu âm, bác sĩ sẽ chỉ ra nhịp tim thai nhi và các bộ phận trên cơ thể bé như mặt và tay, trước khi để bạn nhìn thấy bé một cách chi tiết. Xương của bé xuất hiện màu trắng khi máy quét đi qua và mô mềm của bé sẽ có màu xám và lốm đốm. Nước ối khi hiển thị trên màn hình sẽ có màu đen.

Nếu quá trình siêu âm thai 20 tuần ghi nhận bất cứ điều gì bất thường, bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị cần thiết, hợp lý để giúp đảm bảo cả mẹ và bé đều được an toàn.

Ngoài ra, tuần thai thứ 20 cũng là mốc thời gian quan trọng để bạn thực hiện các xét nghiệm, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm Triple test.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Các phương pháp xét nghiệm khác như: đo nhịp tim thai, kiểm tra sức khỏe tổng quát thai phụ.

Xem thêm: Chích ngừa trước khi mang thai đúng cách để tránh phí tiền mà không hiệu quả

2. Sự phát triển thai nhi 20 tuần tuổi

So với thai nhi 19 tuần tuổi thì ở tuần này kích thước của bé đã lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, bé đã dài được khoảng 25cm tính từ đầu đến gót chân và nặng khoảng 315g.

Thời điểm hiện tại bé đã bắt đầu “giao tiếp” với mẹ thông qua những cử động tay, chân, nhào lộn.... Đây là dấu hiệu cho thấy bé đã chuyển sang giai đoạn phát triển quan trọng của não bộ. Từ thời điểm này đến cuối thai kỳ, não sẽ tăng gấp 6 lần về kích thước lẫn khối lượng, tế bào não hình thành những kết nối phức tạp, tốc độ hoàn thiện về cấu trúc và chức năng cũng sẽ nhanh hơn.

Tế bào thần kinh cũng sẽ bắt đầu chuyên biệt hóa cho 5 giác quan (vị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác và thị giác).

thai-nhi-20-tuan-tuoi-nao-bo-tang-truong-nhanh-ve-kich-thuoc-lan-khoi-luong-1-voh

Sự phát triển của thai nhi 20 tuần tuổi (Nguồn: Internet)

Dưới các lớp dưới vernix bảo vệ, da của bé sẽ dày lên và phát triển các lớp da.

Tóc và móng tay của bé tiếp tục phát triển.

Nếu là một bé gái, âm đạo của bé cũng sẽ được hình thành trong tuần này.

Xem thêm: Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi theo tuần tuổi trong giai đoạn thai kỳ

3. Dấu hiệu mang thai 20 tuần

Bé đang ngày càng chiếm chỗ hơn trong tử cung của bạn và chính sự phát triển của thai nhi sẽ gây áp lực lên phổi, dạ dày, bàng quan và thận của bạn. Khi tử cung phát triển sẽ đẩy một số cơ quan ra khỏi vị trí bình thường và gây ra một số triệu chứng như:

  • Đau căng cơ và dây chằng xung quanh dạ con.
  • Đau nhức vùng bụng dưới hoặc lưng.
  • Đau nhói và bị chuột rút tạm thời vùng khung chậu khi di chuyển đột ngột hoặc thực hiện nhanh một động tác nào đó.
  • Vào tuần thai 20, bụng và tử cung phát triển lớn hơn và cao hơn khiến trọng tâm cơ thể bạn thay đổi, bạn có thể sẽ cảm thấy sắp té ngã bất cứ lúc nào.
  • Bạn có thể bị chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai.
  • Tăng tiết dịch âm đạo nhiều hơn.

Ngoài ra, bạn có thể sẽ tăng lên khoảng 3.6 đến 4.5kg và có thể tăng từ 0.23 đến 0.45kg mỗi tuần trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ. Số cân nặng này có thể sẽ ít hơn hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào cân nặng của bạn trước khi mang thai. Bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số BMI cơ thể bạn để tư vấn chế độ ăn uống phù hợp.

Xem thêm: Khám phá sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ qua từng tháng thai kỳ

4. Những điều lưu ý khi mang thai tuần 20

Thực hiện khám thai định kỳ đầy đủ và tuân thủ theo các yêu cầu bác sĩ về việc siêu âm, xét nghiệm để thai nhi luôn được theo dõi một cách chặt chẽ.

Nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Ở tuần thai này bạn nên thực hiện các bài tập Kegel để giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn.

Lựa chọn trang phục rộng rãi, thoáng khí để cơ thể thoải mái. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chọn những đôi giày có cỡ to hơn một chút để vừa vặn với đôi chân đang bị phù nề.

thai-nhi-20-tuan-tuoi-nao-bo-tang-truong-nhanh-ve-kich-thuoc-lan-khoi-luong-2-voh

Trang phục mang thai 20 tuần cần rộng rãi, thoải mái (Nguồn: Internet)

4.1 Khi thai nhi 20 tuần tuổi nên kiêng gì ?

Bạn nên hạn chế việc đứng suốt cả ngày khi mang thai tuần 20. Đứng yên trong thời gian dài có thể khiến huyết áp bị giảm, dẫn đến việc bị mê sảng và có khả năng ngất xỉu.

Không để bị stress hay căng thẳng. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể luôn được trong trạng thái thoải mái nhất.

Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa được sự đồng ý từ bác sĩ.

4.2 Có thai 20 tuần mẹ nên ăn gì ?

Từ tuần 20 trở đi, não bé đã hình thành những kết nối phức tạp, tốc độ hoàn thiện về cấu trúc và chức năng cũng nhanh hơn. Chính vì thế nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng cần được cung cấp đầy đủ, đặc biệt là DHA, axit folic, choline, canxi và vitamin.

Bạn nên bổ sung khoảng 140mg DHA, 450mg choline, 27mg sắt, 600g axit folic để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi. Ngoài việc dùng các loại thực phẩm thịt, cá, rau, củ, quả thì việc uống các loại sữa cho bà bầu cũng là cách để bổ sung dưỡng chất, giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh và hoàn thiện não bộ.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế uống rượu, bia, hút thuốc lá và tăng cường uống nước đầy đủ (từ 2 – 2.5l nước mỗi ngày) để phòng ngừa táo bón. Tránh ăn các loại thực phẩm chưa được nấu chín, các loại thủy hải sản có thể chứa thủy ngân, vì có thể gây hại đến sự phát triển của thai nhi.

Như vậy, phần lớn sự phát triển của thai nhi 20 tuần tuổi sẽ tập trung vào não bộ, các cơ quan khác vẫn tiếp tục được hoàn thiện. Vì thế, mẹ hãy lên kế hoạch chăm sóc và thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp hơn để bé yêu được phát triển tốt nhất.

Bình luận