Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Thai nhi 21 tuần tuổi: Tìm hiểu sự phát triển của bé và cơ thể của mẹ

(VOH) – Tuần thai thứ 21 là 1 giai đoạn phát triển quan trọng của bé. Thời điểm này, các đường nét trên khuôn mặt bé đã rõ ràng, bé có thể nghe được tiếng mẹ và hoạt động sôi nổi bên trong bụng mẹ.

Khoảng thời gian thai nhi 21 tuần tuổi là một khoảng thời gian khá thú vị cho các mẹ, mặc dù cơ thể mẹ chưa quá nặng nề nhưng đã xuất hiện tình trạng rạn da. Bên trong, bé đang tập trung phát triển cả về trí não lẫn thể chất.

1. Chỉ số thai nhi 21 tuần tuổi

Giai đoạn thai nhi 21 tuần tuổi là giai đoạn thai nhi phát triển rất nhanh. Lúc này, thai nhi đã ra dáng của một bé sơ sinh với đầy đủ cơ quan, bộ phận bên trong lẫn bên ngoài cơ thể.

Đồng thời, chỉ số siêu âm thai 21 tuần tuổi cũng là một yếu tố để đánh giá sự phát triển của thai nhi một cách chính xác. Dưới đây là bảng chỉ số thai nhi ở tuần thai 21:

  Thai nhi 21 tuần + 0 Thai nhi 21 tuần + 1 Thai nhi 21 tuần + 2 Thai nhi 21 tuần + 3 Thai nhi 21 tuần + 4 Thai nhi 21 tuần + 5 Thai nhi 21 tuần + 6
Đường kính lưỡng đỉnh (BPD) 44-56mm, TB 50mm 45-57mm, TB 50mm 45-57mm, TB 51mm 45-57mm, TB 51mm 46-58mm, TB 52mm 46-58mm, TB 52mm 47-59mm, TB 53mm
Chiều dài xương đùi (FL) 32-38mm, TB 34mm 33-39mm, TB 34mm 33-39mm, TB 35mm 33-39mm, TB 35mm 34-40mm, TB 35mm 34-40mm, TB 35mm 35-41mm, TB 36mm
Chu vi vòng bụng (AC) 147-187mm, TB 167mm 148-189mm, TB 169mm 149-190mm, TB 170mm 150-191mm, TB 171mm 151-193mm, TB 172mm 152-194mm, TB 173mm 153-196mm, TB 175mm
Chu vi vòng đầu (HC) 178-200mm, TB 189mm 182-202mm, TB 191mm 181-204mm, TB 192mm 183-206mm, TB 194mm 184-207mm, TB 196mm 186-209mm, TB 198mm 187-211mm, TB 199mm
Cân nặng ước tính (EFW) 331-467g, TB 399g 341-480g, TB 410g 350-493g, TB 422g 360-506g, TB 433g 369-533g, TB 455g 379-533g, TB 455g 388-546g, TB 467g

*TB: Trung bình

2. Sự phát triển thai nhi 21 tuần tuổi

Tại thời điểm thai 21 tuần, bé sẽ có độ dài khoảng 26.7cm tính từ đầu đến gót chân và nặng khoảng 340g. Trong tuần này, không chỉ các cơ quan quan trọng của bé phát triển mà rất nhiều trong số đó đang hoạt động để chuẩn bị cho chức năng của chúng sau khi em bé chào đời.

Hệ tiêu hóa của bé bắt đầu làm việc. Bé bắt đầu nuốt dịch màng ối và hấp thu lượng nhỏ đường trong chất lỏng, chất lỏng này sẽ được nuốt và đi qua hệ thống tiêu hóa của ruột già. Tuy nhiên, hầu hết dưỡng chất cho thai nhi vẫn được cung cấp thông qua dây rốn.

Gan và lá lách của bé đã chịu trách nhiệm cho việc sản xuất tế bào máu. Tủy xương phát triển đủ để đóng góp vào sự hình thành tế bào máu, và tủy xương cũng sẽ trở thành cơ quan chính sản xuất tế bào máu kể từ tháng thứ 9 và sau khi sinh. Lá lách sẽ ngừng sản xuất máu từ thai kỳ thứ 30 và gan sẽ ngừng sản xuất máu một vài tuần trước khi sinh.

thai-nhi-21-tuan-tuoi-tim-hieu-su-phat-trien-cua-be-va-co-the-me-voh

Sự phát triển của thai nhi 21 tuần tuổi (Nguồn: Internet)

Môi, mí mắt và lông mày của bé đã trở nên rõ ràng hơn, thậm chí những chồi răng đã xuất hiện bên dưới lợi. Mắt bé vẫn chưa mở nhưng có thể phân biệt được ánh sáng, bóng tối và có những phản ứng rõ ràng với ánh sáng.

Các dây thần kinh liên tục phát triển mở rộng và nhịp tim thai nhi đã đều đặn hơn. Tuyến tụy đang phát triển để tạo ra một số nội tiết tố quan trọng.

Ngoài ra, mang thai tuần 21 bạn sẽ cảm nhận được những cú đá, cú huých của bé mạnh mẽ hơn, bởi đây là thời kỳ bé tích cực di chuyển, bơi lội trong nước ối. Hơn thế, bé còn có thể nghe được hầu hết mọi âm thanh nhờ phần xương tai trong đã phát triển.

Xem thêm: Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi theo tuần tuổi trong giai đoạn thai kỳ

3. Dấu hiệu mang thai 21 tuần

Khi thai nhi 21 tuần tuổi, bụng của bạn sẽ lớn lên rất rõ. Các cơn đau đầu xuất hiện thường xuyên hơn do hormone thai kỳ gây ra. Bên cạnh đó, dịch âm đạo sẽ tăng lên, thường có màu trắng, lỏng và không mùi.

Trong tuần này bạn có thể sẽ tăng khoảng 455g hoặc nhiều hơn đôi chút. Chính sự tăng cân trong thai kỳ sẽ gây áp lực lên tử cùng làm cho lưu lượng máu ngày càng tăng dẫn đến tình trạng suy giãn tĩnh mạch.

Bạn cũng có thể bị tĩnh mạch hình mạng nhện – một nhóm các mạch máu nhỏ có hình giống mạng nhện xuất hiện gần bề mặt da, đặc biệt là trên mắt cá chân, chân hoặc mặt. Suy giãn tĩnh mạch mạng nhện không gây cảm giác khó chịu và thường tự biến mất sau khi sinh.

Ngoài ra, bạn sẽ phải đối mặt với một số triệu chứng khác như:

  • Xuất hiện mụn trứng cá do cơ thể tăng sản xuất dầu.
  • Đau vùng lưng dưới.
  • Chảy máu nướu răng.
  • Đầy hơi, ợ chua.
  • Táo bón.
  • Thèm ăn.
  • Móng tay, tóc mọc nhanh.
  • Một số thai phụ sẽ nhận thấy những vết rạn da trên bụng do bụng đã giãn ra để điều chỉnh với kích thước bé đang lớn dần.

Xem thêm: Ngoài 3 bữa chính, mẹ bầu cần bổ sung ngay 8 món ăn vặt dưới đây giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh

4. Những điều lưu ý khi mang thai tuần 21

Thai nhi 22 tuần tuổi là một trong những giai đoạn quan trọng. Vì vậy ngay từ tuần này, bạn hãy lên kế hoạch cho lần khám thai ở tuần sau.

Ở tuần thứ 21 bạn có thể nhận thấy những giọt sữa nhỏ xíu dịch màu hơi vàng hoặc chứa nước xuất hiện ở đầu vú, đây chính là sữa non. Mặc dù vẫn còn vài tháng nữa mẹ mới có thể cho em bé bú, nhưng ngực của bạn đã bắt đầu chuẩn bị có sữa. Nếu trong tuần này bạn không thấy tiết sữa thì cũng không cần lo lắng, bởi đây là điều bình thường và cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến khả năng cho bé bú sau này.

thai-nhi-21-tuan-tuoi-tim-hieu-su-phat-trien-cua-be-va-co-the-me-1-voh

Vận động nhẹ nhàng rất có lợi cho bà bầu mang thai 21 tuần (Nguồn: Internet)

Tập luyện thể dục đều đặn luôn là biện pháp hữu hiệu để bạn nâng cao sức khỏe và phòng ngừa một số bệnh thông thường, vì thế đừng quên vận động nhẹ nhàng mỗi ngày nhé!

4.1 Khi thai nhi 21 tuần tuổi nên kiêng gì?

Phụ nữ mang thai có thể uống nước ngọt nhưng tuyệt đối không được lạm dụng. Ngoài ra, cũng nên hạn chế cafein, bia và rượu.

4.2 Có thai 21 tuần mẹ nên ăn gì?

Về ăn uống trong tuần thai 21, bạn cần nạp các thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung canxi, sắt và và vitamin cho cơ thể. Một số gợi ý dành cho bạn là:

  • Ngũ cốc trộn sữa. Có thể thêm dinh dưỡng cho bữa sáng với hạnh nhân, nho khô hay quả óc chó.
  • Hoa quả trộn sữa chua.
  • Salad rau gồm hành tây, súp lơ.
  • Ăn trái cây và các loại nước ép từ trái cây.
  • Ngoài ra, uống đủ nước mỗi ngày cũng là một nhiệm vụ mà bạn cần phải ghi nhớ.

Bên cạnh đó, hãy thận trọng khi ăn gan động vật. Gan được coi là thực phẩm tốt cho sức khỏe vì giàu vitamin, khoáng chất và đạm, nhưng lại có chứa hàm lượng vitamin A chưa được chuyển hóa cao. Tiêu thụ quá nhiều vitamin A chưa được chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Vì thế bạn không nên ăn gan mỗi ngày, có thể ăn 1 – 2 lần/tháng.

Như vậy, ở tuần thai này cơ thể mẹ và bé vẫn đang tiếp tục thay đổi. Đừng quá lo lắng hay để áp lực tâm lý, bởi chỉ khi tinh thần thoải mái, mẹ mới có đủ sức khỏe tận hưởng niềm vui mang bầu.

Bình luận