Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thai nhi 27 tuần tuổi: Một phiên bản thu nhỏ của chính mình khi chào đời

(VOH)- Khi thai nhi 27 tuần tử cung đã bắt đầu không theo kịp sự trưởng thành của bé. Bên ngoài, vòng bụng của mẹ đã nhô dần ra phía trước. Cùng xem tuần này sẽ có những thay đổi nào đang diễn ra nhé.

Tuần thai 27 của thai kỳ là cột mốc quan trọng, vì mẹ và bé sắp sửa bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Không chỉ mẹ đã cảm nhận được rất rõ ràng sự thay đổi của vòng bụng, mà ngay cả bé yêu cũng đang có những thay đổi rất đáng mong chờ.

1. Sự phát triển thai nhi 27 tuần tuổi

Thai nhi tuần 27 đã phát triển giống như một phiên bản thu nhỏ của chính mình lúc đủ tháng chào đời, nhưng gầy hơn và nhỏ hơn.

Phổi, gan và hệ miễn dịch của bé vẫn chưa hoàn thiện nhưng cũng đang thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của mình. Nếu được sinh ra bây giờ thì bé vẫn có cơ hội sống sót.

thai-nhi-27-tuan-tuoi-mot-phien-ban-thu-nho-cua-chinh-minh-khi-chao-doi-voh

Sự phát triển của thai nhi 27 tuần tuổi (Nguồn: Internet)

Khả năng nghe của bé tiếp tục phát triển. Giờ đây bé đã có thể phân biệt được giọng nói của mẹ và bố. Tuy vậy, những âm thanh bé nghe được có thể không rõ ràng do da của bé đang được bao phủ bởi lớp sáp để tránh bị nứt bởi nước ối.

Bé cũng đang phát triển hàng tỷ tế bào thần kinh não và bên trong cơ thể đang tăng cường một khối lượng mỡ đáng kể để chuẩn bị cho cho cuộc sống bên ngoài tử cung người mẹ.

Xem thêm: Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi theo tuần tuổi trong giai đoạn thai kỳ

1.1 Cân nặng thai nhi 27 tuần

Theo sự phát triển của thai nhi, em bé của bạn trong tuần này đạt khoảng khoảng 1kg và dài khoảng 36cm tính từ đầu đến gót chân.

Bắt đầu từ tuần này, bé sẽ tăng trưởng cân nặng rất nhanh chóng, đầu của bé sẽ phát triển nặng hơn theo thời gian cùng với tác động của trọng lực nên hướng không gian của bé sẽ bị thay đổi.

Ngoài ra, còn có các chỉ số thai nhi quan trọng sẽ được thể hiện khi bạn thực hiện siêu âm ở tuần thai này, đó là:

  Thai nhi 27 tuần + 0 Thai nhi 27 tuần + 1 Thai nhi 27 tuần + 2 Thai nhi 27 tuần + 3 Thai nhi 27 tuần + 4 Thai nhi 27 tuần + 5 Thai nhi 27 tuần + 6
Đường kính lưỡng đỉnh (BPD) 62-74mm, TB 68mm 63-75mm, TB 68mm 63-75mm, TB 69mm 63-75mm, TB 69mm 64-76mm, TB 70mm 64-76mm, TB 70mm 65-77mm, TB 71mm
Chiều dài xương đùi (FL) 46-56mm, TB 49mm 47-57mm, TB 50mm 47-57mm, TB 50mm 47-57mm, TB 50mm 48-58mm, TB 51mm 48-58mm, TB 51mm 49-59mm, TB 51mm
Chu vi vòng bụng (AC) 205-260mm, TB 233mm 207-263mm, TB 235mm 208-264mm, TB 237mm 210-266mm, TB 239mm 211-269mm, TB 240mm 213-271mm, TB 242mm 214-273mm, TB 244mm
Chu vi vòng đầu (HC) 241-271mm, TB 256mm 243-273mm, TB 258mm 244-274mm, TB 259mm 245-275mm, TB 260mm 247-277mm, TB 262mm 248-278mm, TB 263mm 250-280mm, TB 265mm
Cân nặng ước tính (EFW) 876-1234g, TB 1055g 894-1260g, TB 1077g 913-1286g, TB 1099g 931-1312g, TB 1121g 949-1338g, TB 1144g 967-1364g, TB 1166g 986-1390g, TB 1188g

*TB: Trung bình

Xem thêm: Bảng tiêu chuẩn cân nặng thai nhi mới nhất 2019, mẹ bầu nào cũng cần phải biết

1.2 Thai nhi 27 tuần đạp nhiều có sao không ?

Khác với thai nhi 26 tuần, ở tuần thai 27 bé sẽ có xu hướng đạp nhiều hơn. Đặc biệt, trong tuần này bé sẽ có những cú nhào lộn trong bụng mẹ. Thông thường, nếu thai nhi máy khoảng 15 – 20 lần/ngày thì được xem là bình thường. Nếu ít hơn 10 lần/ngày thì mẹ cần theo dõi kỹ hơn, hoặc đến gặp bác sĩ để được thăm khám chính xác.

Các bác sĩ cho biết, thai 27 tuần được xem là giai đoạn “hiếu động” nhất của thai nhi. Ngoài thời gian ngủ thì bé sẽ liên tục có những cử động như nấc cụt, nhào lộn, đá, đạp.... trong bụng mẹ.

Xem thêm: Giúp mẹ nhận diện những lý do khiến bé cưng đạp nhiều vào ban đêm

2. Dấu hiệu mang thai 27 tuần

Cảm giác thèm ăn ở bạn ngày càng tăng lên, bởi em bé bên trong đang cần rất nhiều dưỡng chất để phát triển. Tuy vậy, bạn vẫn phải nên kiểm soát trọng lượng cơ thể mình để tránh gặp phải tình trạng tăng cân, béo phì khi mang thai.

Sẽ không còn xuất hiện các dấu hiệu mang thai như nôn nghén, mà thay vào đó bạn sẽ đối mặt với các triệu chứng mới như:

  • Nhức mỏi cơ bắp.
  • Bị chuột rút bắp chân liên tục.
  • Ngứa bụng do rạn da.
  • Đau lưng.
  • Bầu ngực sẽ căng và nặng hơn.
  • Thân nhiệt cơ thể tăng lên nên bạn sẽ cảm thấy nóng trong người.
  • Những cơn gò Braxton – Hicks (chuyển dạ giả) tiếp tục xuất hiện.

thai-nhi-27-tuan-tuoi-mot-phien-ban-thu-nho-cua-chinh-minh-khi-chao-doi-1-voh

Các cơn gò chuyển dạ giả vẫn tiếp tục xuất hiện (Nguồn: Internet)

Không chỉ có hình dáng bên ngoài mà tâm lý mẹ bầu cũng sẽ có những thay đổi trong tuần này.

  • Nếu bạn đang có con nhỏ phải chăm sóc, bạn sẽ cảm thấy lo lắng liệu rằng bé có “đè” lên em mình khi ngồi trên bụng mẹ hay không. Tuy nhiên, bạn có thể hoàn toàn yên tâm vì thai nhi luôn được bảo vệ an toàn khi nằm trong dạ con. Từ tuần 27 của thai kỳ, nếu có những tác động mạnh từ bên ngoài, thai nhi sẽ phản ứng lại bằng cách đạp thật nhanh trong bụng mẹ.
  • Nếu bạn đã từng sinh non trước đây thì đây có thể là thời điểm bạn sẽ rất lo lắng. Tuy nhiên, hãy để tâm lý thật thoải mái bạn nhé, chỉ khi tâm lý thoải mái và giảm bớt công việc thì bạn có mới có được một sức khỏe tốt và thai nhi cũng vậy.
  • Bạn cũng không nên nghĩ quá nhiều về ngoại hình của mình ở thời điểm hiện tại. Trong giai đoạn này, bạn cần có một định nghĩa khác hơn về cái đẹp và sức hấp dẫn. Thay vì lo lắng mình “xấu xí” bạn hãy lên sách những việc cần làm như dọn dẹp phòng cho bé, sắm sửa trước vài loại đồ chơi phù hợp cho con....

Tâm lý phụ nữ mang thai thường thay đổi rất nhanh do những tác động từ nội tiết tố cơ thể. Vì thế, cố gắng đừng nghĩ nhiều về những điều tiêu cực, sống vui vẻ và lạc quan luôn là “liều thuốc” tuyệt vời để bạn và con luôn khỏe mạnh.

Xem thêm: Khám phá sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ qua từng tháng thai kỳ

3. Những xét nghiệm khi thai nhi 27 tuần tuổi

Bắt đầu từ tuần thai 27, bạn nên đi khám thai khoảng 2 lần 1 tuần. Tùy thuộc vào tiền sử bệnh và các nguy cơ bản thân, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu lại để kiểm tra HIV, giang mai, lậu, chlamydia để chắc chắn tình trạng sức khỏe đang ở tình trạng tốt.

Trong các tuần trước nếu chưa làm xét nghiệm đường huyết thì xét nghiệm đó sẽ được thực hiện trong tuần này.

Xem thêm: Các mốc xét nghiệm quan trọng trong thai kỳ mẹ bầu không thể bỏ qua

4. Những điều lưu ý khi mang thai tuần 27

Bạn có thể bị hội chứng chân không yên khi mang thai với các triệu chứng điển hình là tê râm ran, co kéo hoặc khó chịu ở cẳng chân. Nếu có những dấu hiệu trên hãy nhờ sự trợ giúp của bác sĩ.

Giấc ngủ của bạn sẽ bị ảnh hưởng trong giai đoạn này. Một chiếc gối kê dưới bụng sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn.

thai-nhi-27-tuan-tuoi-mot-phien-ban-thu-nho-cua-chinh-minh-khi-chao-doi-2-voh

Tham gia lớp học tiền sản sẽ rất lợi cho mẹ bầu (Nguồn: Internet)

Nếu là lần đầu mang thai thì việc tham gia các lớp học tiền sản là điều vô cùng hữu ích. Các buổi học có thể giúp bạn có thêm kiến thức trong việc đối phó với các triệu chứng khó chịu khi mang thai, cách ăn uống khoa học trong thai kỳ và những kiến thức sinh nở an toàn.

4.1 Khi thai nhi 27 tuần tuổi nên kiêng gì ?

Làm đẹp là nhu cầu tất yếu của phụ nữ nói chung và mẹ bầu cũng không ngoại lệ, tuy nhiên hãy nhớ rằng một số thành phần có trong các sản phẩm chăm sóc da, tóc, móng...có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Xem thêm: Những điều cần kiêng cữ khi mới mang thai ?

4.2 Có thai 27 tuần mẹ nên ăn gì?

Trong tuần này, nhu cầu sắt và canxi của bé khá cao, nên việc bổ sung sắt và canxi là rất cần thiết. Ngoài việc bổ sung các dưỡng chất thông qua thực phẩm và chế độ ăn uống lành mạnh thì bạn có thể uống bổ sung thuốc sắt, canxi và vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường hoặc chất béo vì nó sẽ không có lợi cho sức khỏe tổng thể của bạn. Các loại thức uống chứa cafein, rượu, bia cũng cần tránh  vì có thể là tác nhân gây giãn tĩnh mạch hoặc gây hại cho sức khỏe của thai nhi.

Uống đủ nước là một trong những điều bạn tuyệt đối không được quên ở tuần thai này cũng như suốt thai kỳ.

Tuần thai 27 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi. Bé sẽ cử động nhiều hơn, linh hoạt hơn nhưng cũng sẽ gây ra nhiều toái hơn cho mẹ. Tuy nhiên, với mẹ lúc này những “phiền toái” đó lại rất đáng yêu, đúng không nào!

Bình luận