Tiêu điểm: Nhân Humanity

3 dấu hiệu nhận biết bệnh giãn tĩnh mạch chân khi mang thai

(VOH) – Giãn tĩnh mạch chân khi mang thai là tình trạng khá phổ biến ở mẹ bầu, bệnh thường xuất hiện vào những tháng giữa thai kỳ. Vậy làm sao để nhận được các dấu hiệu của căn bệnh này?

Dấu hiệu nhận biết bệnh giãn tĩnh mạch chân khi mang thai

Giãn tĩnh mạch chân là bệnh thường gặp ở nhiều người và phụ nữ mang thai chính là một trong những đối tượng thường gặp nhất của tình trạng này. Ngoài ra, phụ nữ mang thai thuộc một trong những nhóm đối tượng sau đây sẽ càng làm tăng nguy cơ bị giãn tĩnh mạch sâu ở chân, đó là:

  • Béo phì.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Cao huyết áp.
  • Trước khi mang thai bị suy van tĩnh mạch.

Thông thường, tình trạng giãn tĩnh mạch chân ở phụ nữ mang thai thường xuất hiện vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, nếu cơ thể thai phụ chỉ xuất hiện triệu chứng như: phù mềm, ấn lõm và có sự thay đổi trong ngày (sáng không phù, chiều phù) thì đây là những trường hợp không gây nguy hiểm. Với những trường hợp này mẹ bầu có thể làm giảm tình trạng bằng cách tập thể dục, massage để máu huyết lưu thông tốt hơn.

3-dau-hieu-nhan-biet-benh-gian-tinh-mach-chan-khi-mang-thai-voh

Tĩnh mạch ở chân phù, sưng to, có cảm giác đau thì thai phụ cần đặc biệt lưu tâm (Nguồn: Internet)

Riêng với những trường hợp sau đây, thai phụ cần phải đến bệnh viện để được thăm khám, kiểm tra chính xác.

  • Phù cứng, ấn vào da không bị lõm.
  • Đau với nhiều mức độ khác nhau như đau cách hồi, đau liên tục...
  • Viêm mô tế bào ở chân (phù cứng và đỏ)

Đây là những dấu hiệu cho thấy thai phụ đã bị suy giãn tĩnh mạch chân. Lúc này bác sĩ có thể sẽ cho thai phụ thực hiện siêu âm để xem xét mức độ suy van tĩnh mạch, có huyết khối hay chưa. Đồng thời thai phụ cũng sẽ được làm một số xét nghiệm về yếu tố đông máu, siêu âm tim để tìm kiếm tình trạng tăng áp phổi. Nếu phát hiện có hiện tượng tăng áp phổi, huyết khối thì thai phụ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng đông để phòng ngừa tình trạng xuất hiện huyết khối tĩnh mạch sâu.

Nguyên nhân nào gây giãn tĩnh mạch chân ở phụ nữ mang thai?

Theo TS, BS Lê Văn Hiền (PGĐ BV Quốc tế Hạnh Phúc), nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch chân ở phụ nữ mang thai là do:

  • Nội tiết tố thay đổi trong thai kỳ khiến dòng máu chảy chậm lại.
  • Độ keo của máu tăng lên khiến máu dễ vón cục.
  • Tử cung lớn gây chèn ép mạch máu.

Những yếu tố này xuất hiện lâu ngày sẽ làm cho máu trở thành cục máu đông, từ đó khiến phụ nữ mang thai dễ bị huyết khối tĩnh mạch cũng như giãn tĩnh mạch dưới chân.

Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch chân khi mang thai

TS, BS Lê Văn Hiền cho biết, có rất nhiều cách điều trị bệnh giãn tĩnh mạch chân,  tuy nhiên, với phụ nữ mang thai việc điều trị sẽ khác bởi thông thường phụ nữ sau khi sinh nội tiết tố thai kỳ sẽ hết thì tình trạng suy van tĩnh mạch cũng sẽ giảm dần.

Do đó, phương pháp điều trị chủ yếu ở phụ nữ mang thai là điều trị dự phòng để tránh tình trạng giãn tĩnh mạch chân ngày càng nặng gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch, xuất hiện huyết khối, thuyên tắc phổi hoặc đột tử.

3-dau-hieu-nhan-biet-benh-gian-tinh-mach-chan-khi-mang-thai-1-voh

Đeo vớ chống giãn tĩnh mạch chân để phòng ngừa bệnh (Nguồn: Internet)

Đầu tiên, khi phát hiện thai phụ có hiện tượng giãn tĩnh mạch chân bác sĩ sẽ tiến hành điều trị tùy theo mức độ.

  • Nếu như chưa xuất hiện huyết khối bác sĩ sẽ cho thuốc kháng đông để ngăn ngừa huyết khối.
  • Khuyến khích thai phụ vận động, tập thể dục để giúp máu huyết lưu thông tốt.
  • Ngoài ra, thai phụ có thể ngâm tay, ngâm chân vào nước muối ấm, massage, đeo vớ chống giãn tĩnh mạch trong suốt quá trình mang thai.

Đến khi sinh, thai phụ sẽ được ngưng sử dụng các loại thuốc kháng đông. Đồng thời trong lúc sinh, thai phụ sẽ băng garo ở các chi, đặc biệt là ở 2 chi dưới để ngăn tình trạng máu dưới chân chảy ào ạt lên trên trong lúc sinh dẫn đến huyết khối, gây thuyên tắc phổi. Sau đó, bác sẽ sử dụng các biện pháp chuyên khoa để ngăn chặn, không cho máu ồ ạt chảy về tim.

Sau khi sinh xong, thai phụ sẽ được duy trì thuốc kháng đông với liều lượng vừa phải để ngăn ngừa việc xuất hiện cục máu đông, cũng như không bị tình trạng chảy máu quá nhiều.

Quá trình điều trị giãn tĩnh mạch chân cho phụ nữ trong và sau thai kỳ có thể kéo dài từ 6 tuần đến 6 tháng, tùy vào mức độ.  Do đo, tốt nhất sau khi sinh khoảng 1 tuần, thai phụ nên đi kiểm tra lại các chỉ số, siêu âm tim … để được điều chỉnh lại liều lượng thuốc dùng phù hợp.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Suy giãn tĩnh mạch chân nên và không nên làm gì? : Giãn tĩnh mạch chi dưới không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây nhiều đau đớn, ảnh hưởng đến cuộc sống và việc đi lại của bệnh nhân. Vậy bị giãn tĩnh mạch chi dưới làm sao cho nhanh khỏi?

Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu và điều phụ nữ mang thai cần biết : Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh lý thường hay gặp ở phụ nữ mang thai. Đây là căn bệnh khá nguy hiểm vì có thể gây thuyên tắc mạch máu, thuyên tắc phổi, thậm chí là tử vong.
Bình luận