Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu và điều phụ nữ mang thai cần biết

 (VOH) – Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh lý thường hay gặp ở phụ nữ mang thai. Đây là căn bệnh khá nguy hiểm vì có thể gây thuyên tắc mạch máu, thuyên tắc phổi, thậm chí là tử vong.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng hình thành cục máu đông (máu vón cục) trong lòng tĩnh mạch sâu của cơ thể, có thể làm tắc tĩnh mạch trong cơ thể.

Bình thường trong cơ thể người sẽ có 2 hệ tuần hoàn gọi là đại tuần hoàn và tiểu tuần hoàn. Máu khi được bơm từ tim xuống tất cả các cơ quan được gọi là máu động mạch, máu từ các cơ quan khác chuyển về tim được gọi là máu tĩnh mạch.

benh-huyet-khoi-tinh-mach-sau-va-dieu-phu-nu-mang-thai-can-biet-voh

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch (Nguồn: Internet)

Hệ thống tĩnh mạch có nhiệm vụ đưa máu từ các cơ quan về tim. Có 3 loại tĩnh mạch, bao gồm tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên đưa máu từ tĩnh mạch nông đổ về tĩnh mạch sâu. Cấu tạo tĩnh mạch sẽ có các van cho phép máu chảy theo một hướng duy nhất là từ dưới lên tim.

Tuy nhiên, khi van này bị vôi hóa, bị viêm hoặc mất chức năng thì cửa ngăn dòng máu chảy ngược sẽ không được đóng kín. Điều này khiến máu chảy ngược lại phía dưới các chi, hậu quả là làm giãn mạch máu. Lâu ngày các mạch máu này sẽ đọng lại tạo thành những cục máu đông di chuyển trong lòng tĩnh mạch và gây ra tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu.

Huyết khối tĩnh mạch sâu vì sao thường gặp ở phụ nữ mang thai?

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Thu (Bệnh viện Medic TPHCM) huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh lý thường gặp nhiều nhất ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do phụ nữ mang thai có sự thay đổi trong quá trình đông máu, máu có khuynh hướng tăng đông máu hơn nhằm giúp bà bầu tránh tình trạng xuất huyết trong tử cung và cầm máu sau sinh. Chính vì máu dễ đông nên làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu.

Ngoài ra, bào thai lớn dần trong quá trình mang thai cũng gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch làm cản trở dòng máu từ chân trở về tim, gây ứ đọng máu, giảm lưu lượng tuần hoàn máu.

benh-huyet-khoi-tinh-mach-sau-va-dieu-phu-nu-mang-thai-can-biet-1-voh

Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu (Nguồn: Internet)

Những đối tượng có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch

Ngoài những nguyên nhân trên, phụ nữ mang thai cũng sẽ có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch nếu nằm trong nhóm các đối tượng sau đây:

  • Có tiền sử bệnh huyết khối tĩnh mạch.
  • Hút hoặc tiếp xúc với người hút thuốc lá.
  • Mang thai trên 35 tuổi.
  • Phụ nữ bị thừa cân, béo phì.
  • Ít vận động trong thời gian dài.
  • Phụ nữ ăn ít chất xơ.
  • Có các bệnh lý nội khoa như tiểu đường, lupus ban đỏ, bệnh hồng cầu hình liềm....
  • Mang thai đôi.
  • Phụ nữ trước khi mang thai có dùng các loại thuốc tránh thai.

Dấu hiệu nhận biết huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai

Các dấu hiệu huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai thường không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu để ý bạn có thể nhận ra các dấu hiệu sau đây:

  • Đau nhức bắp chân mức độ từ nhẹ tới nặng.
  • Cảm giác chân nặng nề.
  • Phù hai mắt cá chân vào buổi chiều.

benh-huyet-khoi-tinh-mach-sau-va-dieu-phu-nu-mang-thai-can-biet-2-voh

Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất là tình trạng nặng nề chân (Nguồn: Internet)

  • Bị vọp bẻ.
  • Nhức mỏi chân.
  • Thay đổi màu da ở vùng bị huyết khối tĩnh mạch, thường có xu hướng chuyển thành màu tím, xanh đen hoặc một màu bất thường.
  • Những tĩnh mạch nông dưới da bị phồng lên và giãn hơn bình thường.

Khi phát hiện các dấu hiệu này, người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thực hiện phương pháp siêu âm doppler mạch máu ở chân giúp phát hiện bệnh sớm và chính xác.

Huyết khối tĩnh mạch sâu ở phụ nữ mang thai nguy hiểm thế nào?

Phụ nữ mang thai bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ phải đối diện với nhiều nguy hiểm không chỉ cho bản thân thai phụ mà còn cả thai nhi.

  • Đối với thai phụ: Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến thuyên tắc mạch máu, cục máu đông nếu di chuyển đến phổi có thể gây thuyên tắc phổi, làm tăng nguy cơ tử vong ở người mẹ.
  • Đối với thai nhi: Cục máu đông có thể làm cản trở quá trình nuôi dưỡng bào thai dẫn đến sảy thai, thai chậm phát triển, nguy cơ sinh non....

Phòng tránh huyết khối tĩnh mạch sâu bằng cách nào?

Theo bác sĩ Ngyễn Hoài Thu, để phòng ngừa tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu việc đầu tiên thai phụ cần làm chính là đi thăm để xem bản thân có mắc phải căn bệnh này hay không. Khi thai phụ được bác sĩ cảnh báo có nguy cơ mắc các bệnh lý về tĩnh mạch thì cần lưu lý:

  • Nên tăng cường nhiều các hoạt động thể chất, chẳng hạn như siêng tập thể dục, đi bộ...
  • Khi nằm, ngồi hoặc đứng 1 chỗ nên thường xuyên cử động cổ chân, ví dụ khi nằm bạn có thể ngoáy bàn chân, duỗi – gập ngón chân,...
  • Ăn nhiều chất xơ. Uống nhiều nước. Kiểm soát cân nặng.
  • Thay đổi chế độ sinh hoạt hàng ngày khoa học và hợp lý hơn.
  • Hạn chế việc ngâm chân bằng nước nóng, thay vào đó nên ngâm chân bằng nước lạnh.
  • Khi phát hiện bất kỳ một dấu hiệu nào liên quan đến vấn đề phù và nặng chân thì nên đến gặp bác sĩ ngay.

Nhìn chung, huyết khối tĩnh mạch sâu là một bệnh lý khá nguy hiểm ở phụ nữ mang thai. Vì thế, việc kiểm tra thường xuyên để phát hiện và chủ động điều trị dự phòng là điều hết sức cần thiết đối với mỗi thai phụ.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Ra máu khi mang thai 3 tháng cuối nguy hiểm thế nào? : Ra máu xảy ra ở giai đoạn nào của thai kỳ cũng đều tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Vậy nếu phụ nữ bị ra máu khi mang thai 3 tháng cuối sẽ cảnh báo điều gì?

Nguyên nhân ra máu khi mang thai 3 tháng đầu và cách xử trí : Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu có thể gặp phải tình trạng chảy máu âm đạo. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ra máu khi mang thai trong 3 tháng đầu và làm sao xử trí?

Bình luận