Chờ...

Như thế nào được gọi là thai suy dinh dưỡng?

(VOH) - Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển của thai nhi. Nếu mẹ bầu ăn không đủ chất có thể khiến thai suy dinh dưỡng và gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe khác.

Theo các số liệu ghi nhận, tình trạng thai suy dinh dưỡng chiếm khoảng 5 - 10% ở phụ nữ mang thai. Đây là một con số không nhỏ và cũng là một vấn đề cần có sự hiểu biết và sự quan tâm của các bà mẹ.

Thai suy dinh dưỡng là gì? 

Thai suy dinh dưỡng (hay còn gọi thai chậm phát triển trong dạ con) được định nghĩa là sự phát triển chậm của thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, để xác định thai thực sự có chậm phát triển hay không bác sĩ cần phải đo kích thước (kích thước vòng đầu, chiều dài xương đùi, chu vi vòng bụng) và ước lượng cân nặng thai, sau đó biểu diễn bằng một biểu đồ.

nhu-the-nao-duoc-goi-la-thai-suy-dinh-duong-voh

Thai suy dinh dưỡng là sự phát triển chậm của thai nhi khi còn trong bụng mẹ (Nguồn: Internet)

Biểu đồ này được dựng bởi trục hoành (cân nặng ước lượng thai nhi), trục tung (tuổi thai) và đường bách phân vị dùng để so sánh, đánh giá chỉ số phát triển của thai.

Bách phân vị được chia từ 10 - 90 và chuẩn trung bình là 50. Ngoài ra, bách phân vị cũng có thể nằm trong khoảng giá trị sau đây:

  • Bách phân vị thai nhi từ 10 – 50: Thai nhi hơi bé so với chuẩn nhưng nằm trong mức bình thường.
  • Bách phân vị thai nhi từ 50 – 90: Thai nhi lớn hơn chuẩn nhưng vẫn nằm trong giới hạn bình thường.
  • Bách phân vị thai nhi lớn hơn 90: Thai to và hiện tượng này có thể có liên quan đến tiểu đường thai kỳ.
  • Bách phân vị thai nhi nhỏ hơn 10: Thai nhi bắt đầu có dấu hiệu suy dinh dưỡng hay còn gọi là thai chậm tăng trưởng trong tử cung.

Theo tổ chức y tế thế giới, tình trạng thai nhi dưới bách phân vị thứ 10 được chia thành 2 mốc nhỏ: 

  • Nếu thai nhi có bách phân vị nằm trong khoảng từ 6 - 10 thì em bé sinh có thể gặp phải các vấn đề về rối loạn hấp thu, rối loạn đường thở, nguy cơ nhiễm trùng… tăng hơn bình thường. 
  • Nếu thai nhi có bách phân vị bằng hoặc dưới 5 thì tỷ lệ trẻ sinh ra bị tử vong tăng từ 5 - 10 lần so với bình thường.

Do đó, thai phụ khi đi khám thai ở tuần thai 24 trở về sau cần lưu ý, khi bác sĩ ghi nhận thai dưới bách phân vị thứ 10 nhưng trên bách phân vị thứ 5 và không có những biến động khác, chẳng hạn như nước ối bình thường, nhịp tim thai nhi bình thường, cử động thai bình thường thì thai phụ có thể tiếp tục theo dõi thai tại nhà. 

Tuy nhiên, nếu thai phụ nằm trong nhóm bách phân vị từ 5 - 10 nhưng có 1 trong những bất bất thường trên thì nên đến bệnh viện để được theo dõi, bởi vì khả năng tử vong của thai nhi có thể tăng lên và nếu như thai dưới bách phân vị thứ 5 thì thai phụ bắt buộc phải nhập viện .

Tại sao thai bị suy dinh dưỡng?

Theo PGS, TS, BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang (Khoa Sản phụ khoa, BV Hùng Vương), có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến thai suy dinh dưỡng, những nguyên nhân thường gặp là:

  • Bánh nhau có cấu trúc quá nhỏ.
  • Di truyền.
  • Cao huyết áp trong thai kỳ, tiền sản giật. Một số thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ cũng có thể khiến thai bị suy dinh dưỡng.
  • Các bệnh lý liên quan tới yếu tố miễn dịch bệnh, bệnh tự miễn, bệnh thận, bệnh tim….
  • Bất thường về nhiễm sắc thể có thể gây rối loạn tăng trưởng ở thai và hậu quả làm thai nhi chậm tăng trưởng.
  • Các bệnh nhiễm trùng bào thai.
  • Do chế độ dinh dưỡng của người mẹ không hợp lý.

nhu-the-nao-duoc-goi-la-thai-suy-dinh-duong-1-voh

Chế độ dinh dưỡng của người mẹ không hợp lý có thể khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Các nguyên nhân khiến thai suy dinh dưỡng thường rất khó được phát hiện nếu chỉ thông qua xét nghiệm đơn giản mà thai phụ cần phải có cả một quá trình khảo sát nhiều lần mới có thể phát hiện .

Thai suy dinh dưỡng phải làm sao?

Khi phát hiện thai phụ có tình trạng thai suy dinh dưỡng, bác sĩ sẽ tìm kiếm nguyên nhân, một số trường hợp thai phụ có thể được yêu cầu thực hiện chọc ối cũng như một số xét nghiệm liên quan đến các bệnh lý nền. Ngoài ra, thai phụ cũng có thể sẽ được tiến hành siêu âm.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ đánh giá thời điểm xuất hiện tình trạng thai chậm tăng trưởng. Thông thường những thai chậm tăng trưởng xuất hiện từ lúc 22 - 24 tuần tuổi thì tiên lượng sẽ xấu hơn những thai chậm tăng trưởng muộn (tức là từ 28 - 32 tuần tuổi).

Trong trường hợp thai có tiên lượng tốt bác sĩ sẽ lên kế hoạch giúp làm tăng khả năng sống sót của thai nhi bằng các đánh giá và nếu không có chống chỉ định thai phụ sẽ được sử dụng các thuốc tiêm trưởng thành phổi thai cùng với việc theo dõi thai kỳ một cách thường xuyên hơn (có thể là từng tuần, từng ngày hoặc thậm chí là từng giờ).

Như vậy, thai suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bào thai, thậm chí đe dọa tính mạng thai nhi. Do đó, khi mang thai mẹ bầu cần bổ sung đa dạng các nhóm thực phẩm như đạm, vitamin, axit folic, canxi, sắt, i-ốt, các vi chất dinh dưỡng thiết yếu... cùng với một chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động vất vả, luôn giữ cho tinh thần thoải mái, vui vẻ để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio dưới đây:

Tổng hợp thức ăn dinh dưỡng cho bà bầu theo từng tháng : Cung cấp thức ăn dinh dưỡng cho bà bầu trong thai kỳ rất trọng bởi nó là cơ sở cho sự phát triển của thai nhi. Nếu mẹ bầu bị gầy, thiếu dinh dưỡng, trẻ sinh ra dễ bị nhẹ cân và suy dinh dưỡng.

4 điều mẹ bầu cần biết khi muốn bổ sung axit folic trong thai kỳ : Phụ nữ có kế hoạch mang thai cần bổ sung axit folic vì đây là dưỡng chất cực kỳ quan trong cho sức khỏe bà bầu cũng như sự phát triển toàn diện của thai nhi.