Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu khi mang thai và cách xử trí

(VOH) – Thời kỳ mang thai được xem là yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng đường tiểu ở phụ nữ. Mặc dù phụ nữ rất dễ bị nhiễm trùng tiểu khi mang thai, tuy nhiên tình trạng này có thể điều trị được.

Trong quá trình mang thai, chị em phụ nữ sẽ phải đối mặc với nhiều vấn đề sức khỏe và nhiễm trùng tiểu là một trong những vấn đề có thể khiến chị em khó chịu, thậm chí gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe thai kỳ. 

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng tiểu khi mang thai

Nhiễm trùng tiểu là tình trạng vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào đường tiết niệu. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn E.coli. BS CKII Bùi Thanh Vân (Trưởng khoa khám dịch vụ, BV Từ Dũ) cho biết, phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị nhiễm trùng đường tiểu, nguyên nhân là do:

  • Khi mang thai nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ sẽ bị sự thay đổi và điều này sẽ làm giảm nhu động ruột khiến thai phụ dễ bị táo bón. Khi bị táo bón lâu ngày vi khuẩn sẽ bị ứ đọng lại và gây bệnh cho các cơ quan khác gần hậu môn, trong đó có đường tiết niệu.
  • Bên cạnh đó, khi nhu động ruột giảm hoạt động thì quá trình co bóp bàng quang, niệu quản và tất cả các cơ quan có sợi cơ cũng sẽ giảm, dẫn đến hiện tượng lưu chuyển chậm và bị ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

nguyen-nhan-gay-nhiem-trung-tieu-khi-mang-thai-va-cach-xu-tri-vog

Tử cung ngày càng lớn khi mang thai là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu (Nguồn: Internet)

  • Một nguyên nhân khác gây nhiễm trùng tiểu là do khi mang thai khối lượng cơ tử cung tăng lên chèn ép vào đường tiết niệu, gây ứ đọng nước tiểu dưới đáy bàng quang, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
  • Sức đề kháng của người phụ nữ sẽ bị suy giảm khi mang thai và đó cũng là một nguyên nhân khiến cơ thể chị em dễ bị nhiễm bệnh.
  • Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố của phụ nữ trong thai kỳ cũng sẽ ảnh hưởng đến màng lọc cầu thận, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến đường tiết niệu của thai phụ.

Dấu hiệu nhiễm trùng tiểu khi mang thai và những ảnh hưởng

Mặc dù có rất nhiều yếu tố nguyên nhân dẫn đến ứ đọng nước tiểu, ứ đọng chất cặn bã hoặc ứ đọng vi khuẩn bên trong đường tiết niệu, tuy nhiên không phải thai phụ nào cũng đều phát hiện ra được tình trạng này. Một số trường hợp nhiễm trùng tiểu trong thai kỳ xảy ra rất âm thầm lặng lẽ, không có triệu chứng rõ ràng, thai phụ chỉ tình cờ phát hiện khi đi xét nghiệm nước tiểu hoặc khám sức khỏe tổng quát.

Theo bác sĩ Thanh Vân, nhiễm trùng tiểu thai kỳ thường được chia ra làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng, chỉ phát hiện khi làm xét nghiệm nước tiểu. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn 1, tình trạng bệnh sẽ được phân thành 2 mức độ nhỏ:

  • Nếu thai phụ nữ chỉ bị ứ đọng nước tiểu dưới bàng quang, bác sĩ có thể sẽ cho thai phụ dùng thuốc hoặc không cần dùng thuốc, chỉ cần uống nhiều nước để đào thải.
  • Nếu thai phụ có dấu hiệu nhiễm trùng tiểu thì bác sĩ sẽ thực hiện cấy nước tiểu. Sau khi cấy nước tiểu nếu kết quả có nhiễm trùng tiểu bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bằng thuốc.

Giai đoạn 2: Có triệu chứng nhiễm trùng tiểu, nhưng biểu hiện chỉ ở bàng quang, gọi là nhiễm trùng tiểu dưới bàng quang và niệu đạo. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Tiểu gắt.
  • Tiểu buốt.
  • Tiểu són.
  • Mắc tiểu liên tục.
  • Trường hợp nặng sẽ tiểu ra máu.

Những trường hợp này, thai phụ cần phải được thăm khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời phải uống nhiều nước để đào thải những chất cặn bã ra ngoài.

nguyen-nhan-gay-nhiem-trung-tieu-khi-mang-thai-va-cach-xu-tri-1-voh

Một số trường hợp thai phụ chỉ phát hiện nhiễm trùng tiểu khi tình cờ làm xét nghiệm nước tiểu (Nguồn: Internet)

Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn bệnh có những chuyển biến nghiêm trọng, vì không chỉ xuất hiện ở tại bàng quang mà còn có những biến chứng khác, trong đó đặc biệt nhất là tình trạng viêm bể thận thai kỳ, xuất phát từ các nhiễm trùng ngược dòng (từ niệu đạo lên bàng quang đi qua niệu quản lên đến thận).

Những biểu hiện thai phụ bị viêm bể thận thường gặp là:

  • Sốt cao.
  • Lạnh run người.
  • Đau bụng.
  • Đau lưng.
  • Đau hông.
  • Khi siêu âm sẽ thấy có tình trạng thận giãn, niệu đạo giãn.

Viêm bể thận thai kỳ là tình trạng bệnh rất nghiêm trọng và có thể đưa đến những bệnh cảnh hết sức nặng nề, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người mẹ.

Ngoài ra, nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ảnh hưởng đến em bé như: động thai, sảy thai, thai chết lưu, trẻ sinh ra suy dinh dưỡng, nhẹ cân...

Có thể tầm soát và điều trị nhiễm trùng tiểu thai kỳ hay không?

Phụ nữ mang thai có thể thực hiện tầm soát nhiễm trùng tiểu bằng nhiều xét nghiệm. Trong đó, có 2 xét nghiệm thường được sử dụng nhiều nhất, đó là:

  • Cấy nước tiểu: Phương pháp áp dụng khi thai kỳ ở tuần thứ 12 – 16. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy nước tiểu thai phụ đem vào môi trường nuôi cấy để xác định xem có vi trùng hay không. Nếu có sẽ tiến hành làm kháng sinh đồ để tiến hành điều trị.
  • Thử nước tiểu: Đây là một phương pháp đơn giản được thực hiện tại nhiều bệnh viện ở Việt Nam. Thử nước tiểu không chỉ giúp thai phụ biết được tình trạng nước tiểu, mà còn có thể giúp thai phụ nhận biết có bị dư đường trong thai kỳ hay không. 

Phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai chủ yếu là uống thuốc kháng sinh. Nếu dung nạp thuốc, các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất vào ngày thứ 3, tuy nhiên, mẹ bầu vẫn phải uống thuốc đúng liệu trình và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để đảm bảo kết quả điều trị hiệu quả và bệnh không bị tái nhiễm trở lại.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Làm sao nhận biết được bệnh viêm đường tiết niệu khi mang thai? : Phụ nữ rất dễ mắc phải viêm đường tiết niệu khi mang thai, tuy nhiên không phải cũng hiểu rõ về bản chất và những hậu quả mà căn bệnh này sẽ gây ra cho cả mẹ và thai nhi.
Cách giảm đau xương chậu ở phụ nữ mang thai : Đau xương chậu là triệu chứng thường gặp ở phụ khi mang thai, khiến không ít bà bầu bị đau đớn và khó chịu. Những cách giúp giảm đau xương chậu dưới đây sẽ giúp bà bầu có được một thai kì nhẹ nhàng