Thai nhi 26 tuần tuổi: Tìm hiểu sự phát triển của bé và những thay đổi ở mẹ

(VOH) – Khi thai nhi 26 tuần tuổi là mẹ đang ở tuần cuối trong giai đoạn thứ 2 của thai kỳ. Sẽ có rất nhiều sự thay đổi trong tuần này ở cả cơ thể của mẹ và của bé.

Thai nhi 26 tuần có những bước phát triển rõ rệt và cơ thể mẹ cũng đã có nhiều thay đổi để có thể thích ứng. Dường như mẹ đã học được cách thích nghi với cuộc sống “tuy một mà hai” cùng con rồi.

1. Sự phát triển thai nhi 26 tuần tuổi

Ở tuần thứ 26 của thai kỳ, đôi mắt của thai nhi vẫn nhắm chặt nhưng nó sẽ sớm mở ra và bắt đầu nhấp nháy. Tùy thuộc vào chủng tộc và gen mà em bé có thể sinh ra với đôi mắt đen hay nâu (mắt bé có thể thay đổi màu sắc trong năm đầu tiên sau khi chào đời), một số bé được sinh ra với đôi mắt màu xanh hoặc xám.

Lông mi của bé tiếp tục phát triển và tóc sẽ mọc ra nhiều hơn. Hiện cơ thể bé vẫn rất gầy, nhưng bé sẽ tích mỡ và tăng cân dần trong những tuần thai còn lại.

thai-nhi-26-tuan-tuoi-tim-hieu-su-phat-trien-cua-be-va-nhung-thay-doi-o-me-voh

Sự phát triển của thai nhi 26 tuần tuổi (Nguồn: Internet)

Hệ tuần hoàn và các mạch máu của bé đã có đầy đủ chức năng. Tim bé đang bơm máu, các mạch máu đã được phát triển và thực hiện vai trò của mình. Phổi đã hình thành nhưng chưa phát triển hoàn toàn, vì thế, các em bé sinh non ở tuần này thường gặp phải các vấn đề về hô hấp, nhưng theo lý thuyết thì bé vẫn cơ hội sống sót.

Dây rốn hiện khỏe và dày hơn, cung cấp cho em bé tất cả dinh dưỡng cần thiết, vì thế mẹ sẽ luôn có cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng chế độ ăn uống của mẹ cũng ảnh hưởng đến tình trạng của các mạch máu nuôi bé. Do đó, nếu muốn nhau thai và dây rốn khỏe mạnh, bạn hãy ăn nhiều rau xanh như rau chân vịt, bông cải xanh, dưa leo, cũng như ăn nhiều thịt nạc để cung cấp sắt cho cơ thể.

Xem thêm: Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi theo tuần tuổi trong giai đoạn thai kỳ

2. Cân nặng thai nhi 26 tuần

Ở tuần thai 26, thai nhi nặng khoảng 900g và dài khoảng 36cm tính từ đầu đến gót chân. Tử cung đang trở nên chật chội với bé và bạn sẽ cảm thấy ngày càng khó chịu khi bé đạp hoặc duỗi người.

Do sự tăng trưởng, bé bắt đầu hết không gian để nhào lộn như trước, tuy vậy vẫn có đủ chỗ để co – duỗi chân, tay. Vào tuần 26 thai kỳ, bé bắt đầu lựa chọn tư thế chào đời, thường là đầu quay xuống dưới, nhưng một số bé ở giai đoạn này lại thích nằm ngang bụng mẹ, gọi là thai ngôi ngang.

Xem thêm: 6 cách đưa bé vào ngôi thai thuận trước sinh giúp mẹ sinh con dễ dàng

3. Dấu hiệu mang thai 26 tuần

Ở tuần thai này, các triệu chứng bạn thường gặp phải là:

  • Đau lưng, chuột rút bắp chân: Khi cơ thể chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ, bạn có thể bắt đầu cảm thấy một số triệu chứng trở nên nặng nề hơn như đau lưng hoặc thỉnh thoảng bị chuột rút cơ bắp chân.
  • Rốn nhô ra: Mang thai 26 tuần, tử cung của bạn cao hơn rốn khoảng 1cm. Tử cung phình ra đủ để đẩy bụng bầu của bạn về phía trước, làm cho rốn nhô ra. Tuy nhiên, không cần lo lắng vì nó sẽ trở lại vị trí ban đầu sau khi sinh.
  • Mất ngủ: Chứng ợ nóng, chuột rút ban đêm, đi tiểu thường xuyên... sẽ là những nguyên nhân khiến bạn bị mất ngủ.
  • Sưng phù: Ở tuần thai 26, phần lớn thai phụ sẽ gặp hiện tượng sưng phù mắt cá chân và bàn chân, đặc biệt là vào cuối ngày.
  • Ngực to: bạn còn nhận thấy rõ ngực đã to ra khá nhiều và đầu vú cũng thâm đen. Các cơn gò sinh lý Braxton Hicks xảy ra thường xuyên và mạnh hơn những tuần trước đó.

thai-nhi-26-tuan-tuoi-tim-hieu-su-phat-trien-cua-be-va-nhung-thay-doi-o-me-1-voh

Mang thai 26 tuần rốn bà bầu có thể bị nhô lên (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, ở tuần thai 26, bụng của bạn đã khá to, mọi người có thể sẽ thấy thích thú và tìm cách để chạm vào chúng. Tuy nhiên, nếu không thích điều này hãy nói rõ suy nghĩ và quan điểm của mình để tránh tâm trạng bực bội hay khó chịu.

Thời điểm này, bạn cũng nên có suy nghĩ về thời gian nghỉ thai sản. Nhiều mẹ bầu chọn cách làm việc cho tới tuần thứ 34 - 36 rồi nghỉ, nhưng nếu bạn muốn nghỉ sớm thì vẫn có thể được. Tuy vậy, hãy cân nhắc giữa vấn đề tài chính cũng như sức khỏe, tâm lý, hình thể của bạn khi xin được nghỉ sớm hay tiếp tục làm việc nhé.

4. Những điều lưu ý khi mang thai tuần 26

Tiền sản giật – một bệnh nguy hiểm trong thai kỳ, thường xuất hiện từ sau tuần thai thứ 20. Do đó, bạn cần chú ý các dấu hiệu nhận biết sớm căn bệnh này.

Đừng quên theo dõi sự chuyển động và những lần đạp của thai nhi thông qua cách đếm cử động thai.

Những vết rạn da trên bụng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn và có thể gây ngứa ngáy nhưng chúng không gây nguy hiểm cho mẹ hay bé. Nếu thấy khó chịu, bạn có thể trao đổi cùng bác sĩ để được kê toa thuốc bôi hay các chỉ định dùng thuốc khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các cách trị rạn da cho bà bầu từ thiên nhiên.

Xem thêm: Mách mẹ 7 cách trị rạn da bằng dầu dừa, tạm biệt nhanh những 'đường rãnh' xấu xí trên da

4.1 Khi thai nhi 26 tuần tuổi nên kiêng gì ?

Phụ nữ mang thai 26 tuần không nên xăm mình bởi bạn hoàn toàn có thể bị nhiễm viêm gan B và HIV/AIDS nếu được xăm bằng kim không được khử trùng.

Không nằm ngửa khi ngủ, tốt nhất là nên nằm nghiêng qua một bên và dùng gối kê dưới bụng để hỗ trợ cho dễ ngủ.

4.2 Có thai 26 tuần mẹ nên ăn gì ?

Trong tuần này, bạn vẫn sẽ tiếp tục xem xét khẩu phần ăn của mình để cung cấp cho cơ thể đầy đủ dinh dưỡng. Nên bổ sung thêm chất xơ vào khẩu phần ăn để tránh táo bón thai kỳ, đồng thời đảm bảo lượng vitamin cần thiết từ rau củ quả.

Giống như các tuần thai trước, bạn vẫn phải kiêng cữ các loại thực phẩm và thức uống có hại cho cơ thể, bao gồm: bia, rượu, thức ăn tái hoặc sống, các loại thủy hải sản có thể chứa thủy ngân....

5. Những xét nghiệm khi thai nhi 26 tuần tuổi

Ở tuần này, nếu siêu âm bạn có thể xác định được giới tính thai nhi một cách chính xác. Vì thế, nếu bạn chưa biết mình mang thai con trai hay con gái thì đã đến lúc thực hiện siêu âm giới tính thai nhi.

thai-nhi-26-tuan-tuoi-tim-hieu-su-phat-trien-cua-be-va-nhung-thay-doi-o-me-2-voh

Siêu âm thai 26 tuần có thể xác định giới tính thai nhi chính xác (Nguồn: Internet)

Thực hiện tầm soát tiểu đường thai kỳ nếu bạn chưa làm xét nghiệm trong những tuần thai trước.

6. Những dấu hiệu bất thường khi mang thai 26 tuần

Hãy liên hệ ngay với bác sĩ theo dõi thai kỳ của bạn nếu bạn nhận thấy có những bất thường về cử động của thai nhi, tốc độ tiến triển hay tần suất đạp của con.

Sưng phù là triệu chứng thường gặp trong thai kỳ nhưng hãy trao đổi cùng bác sĩ nếu bạn bị sưng phù nhiều ở cổ chân và các khớp.

Ngoài ra, hãy chú ý tới các cơn gò tử cung, nếu chúng xuất hiện với tần suất nhiều, kèm theo triệu chứng đau bụng hay ra máu âm đạo thì hãy đến ngay bệnh viện gần nhất để được thăm khám và theo dõi.

Như vậy, thai nhi 26 tuần chính là lúc mẹ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3. Lúc này đây, một chế độ dinh dưỡng khi mang thai đầy đủ, hợp lý sẽ giúp mẹ và bé luôn được khỏe mạnh.