Tuần thai thứ 25 mang đến rất nhiều thay đổi cho cả mẹ và bé. Khi em bé của bạn đang cố gắng “cơi nới” cái bọc tù túng của mình thì cơ thể mẹ cũng sẽ cảm nhận được những sự khó chịu do dạ con giãn mở, dây chằng và các cơ bị căng giãn. Lưng, xương chậu, tất cả các phía của bụng và chân đều đau nhức do tác động của hormone thai kỳ lên các mô liên kết trong cơ thể.
1. Sự phát triển thai nhi 25 tuần tuổi
Thai nhi 25 tuần tuổi sẽ có kích thước trung bình khoảng 750g và dài 35cm tính từ đầu đến gót chân.
Ở tuần thai này, mạng lưới các dây thần kinh trong tai bé phát triển tốt hơn và nhạy cảm hơn so với tuần thai 24. Bé đã có thể nghe thấy rõ giọng nói của bố mẹ.
Mắt vẫn đóng kín nhưng các tế bào thụ cảm thị giác – tế bào nón và tế bào que đã hình thành và cảm nhận được sáng hay tối.
Xem thêm: Khám phá sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ qua từng tháng thai kỳ
Sự phát triển của thai nhi 25 tuần tuổi (Nguồn: Internet)
Trong giai đoạn này chiều ngang của bé cũng bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn. Bé sẽ nhìn hồng hào và mịn màng hơn nhờ sự tích mỡ dưới da và hình thành các mạch máu nhỏ được gọi là các mao mạch trên da, các mao mạch này giúp tăng lưu lượng máu vận chuyển bên dưới da.
Một số em bé sẽ bắt đầu mọc tóc trong tuần này, nếu siêu âm bạn có thể nhìn thấy bên trong tử cung màu tóc của con cũng như nhận biết được độ dày – mỏng của tóc bé.
Em bé ở tuần thai 25 cũng rất thích nhảy múa và nô đùa trong bụng mẹ. Bạn sẽ cảm nhận được các hoạt động của con dễ dàng hơn khi nghỉ ngơi hoặc khi bạn ít vận động.
Bắt đầu từ tuần 25 thai kỳ, mũi và lỗ mũi thai nhi bắt đầu làm việc, bé sẽ thực hiện việc hít nước ối thường xuyên hơn. Các mao mạch hình thành trên da cũng sẽ hình thành trong phổi để thai nhi có thể tập hít thở. Hai lá phổi bắt đầu sản xuất chất hoạt động bề mặt để giúp em bé có thể thở ngay khi chào đời. Tuy nhiên, phổi của thai nhi hiện tại vẫn chưa trưởng thành và không thể oxy hóa máu.
Ngoài ra, trong tuần này thai nhi cũng sẽ bắt đầu phát triển cảm nhận thăng bằng, như phân biệt đường nào là bơi lên, đường nào là bơi xuống ngay trong tử cung của bạn. Khả năng dùng tay của bé cũng đã thành thục hơn trước.
Xem thêm: Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi theo tuần tuổi trong giai đoạn thai kỳ
2. Tư thế của thai nhi 25 tuần tuổi
Trong tuần này, bé vẫn chưa quyết định mình sẽ nằm ở tư thế nào khi chuẩn bị chào đời. Vì thế, lúc này đầu bé vẫn nằm gần ngực mẹ và 2 bàn chân đang hướng xuống, tuy nhiên, bé sẽ thay đổi tư thế sớm thôi.
3. Dấu hiệu mang thai 25 tuần
Mang thai 25 tuần, điều đầu tiên bạn cảm nhận chính là cơ thể đang tăng cân nhanh. Thường thì thai phụ sẽ tăng khoảng 7 – 8kg trong suốt thai kỳ và 11 – 18kg nếu có 2 em bé song sinh. Nhiều thai phụ bắt đầu tăng cân do tích nước trong giai đoạn này, miễn bạn đang tăng cân ở mức hợp lý.
Hiện tại, tử cung của bạn hiện có kích cỡ bằng một quả bóng. Thời điểm này bạn rất dễ nhận ra các cử động của thai nhi với những động tác mạnh và nhiều. Bắt đầu từ tuần này, bạn có thể hỏi bác sĩ về cách kiểm tra thai máy để có thể theo dõi sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ hoặc có thể áp dụng cách đếm cử động thai.
Bụng bầu càng to khiến mẹ càng mệt mỏi (Nguồn: Internet)
Bạn cũng có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn từ tuần này do bụng đã lớn hơn. Kèm theo đó là sự xuất hiện của một số triệu chứng như:
- Hội chứng chân không yên.
- Hội chứng ống cổ tay.
- Bệnh trĩ.
- Ợ nóng khó tiêu.
- Đầy hơi.
- Tóc mọc dày hơn.
4. Siêu âm thai nhi tuần 25
Thông thường, bạn sẽ không cần phải thực hiện siêu âm nào trong tuần này, ngoại trừ các trường hợp có chỉ định khác từ bác sĩ.
Từ tuần 24 đến tuần 28, bạn sẽ được làm xét nghiệm dung nạp đường huyết – đây là một trong những xét nghiệm cần thiết thai phụ cần thực hiện để loại trừ nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Nếu bạn đã làm xét nghiệm này ở tuần trước và có kết quả bất thường thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định làm lại xét nghiệm này ở tuần thai 25.
Xem thêm: 4 mốc siêu âm thai quan trọng giúp chẩn đoán, sàng lọc dị tật thai nhi, mẹ không nên bỏ qua
5. Những điều lưu ý khi mang thai tuần 25
Trong giai đoạn này, bạn phải hết sức lưu ý những triệu chứng tiền sản giật. Đây là một rối loạn nghiêm trọng có biểu hiện đặc trưng là huyết áp cao và nồng độ protein cao trong nước tiểu. Mặc dù, bệnh thường xuất hiện sau tuần 37 thai kỳ nhưng cũng có thể xảy ra sớm hơn, vì thế việc chủ động phòng ngừa là hết sức quan trọng.
Kiểm soát stress cũng là việc bạn không thể lơ là. Phụ nữ mang thai tâm trạng thường thay đổi thất thường do nội tiết tố, vì thế bạn cần chú ý tập trung nghỉ ngơi nhiều để cơ thể thoải mái, thư giãn. Tránh làm việc căng thẳng vì nó có thể là tiền đề gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, điển hình như trầm cảm khi mang thai.
5.1 Khi thai nhi 25 tuần tuổi nên kiêng gì ?
Không cần thiết phải kiêng tập thể dục, nhưng nếu bạn muốn tập thể dục để duy trì sức khỏe thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ đang theo dõi thai kỳ của bạn. Nếu không, bạn nhớ phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn trong lúc tập như:
- Tránh xa những môn thể thao khiến bạn mất thăng bằng.
- Không tập luyện nếu đang cảm thấy mệt mỏi.
- Dừng tập ngay nếu bạn thấy ở một bộ phận nào đó hoặc bị chóng mặt, khó thở.
Tư thế ngủ của mẹ trong tuần này khá quan trọng (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, tư thế nằm của bà bầu cũng vô cùng quan trọng. Bạn không nên nằm ngửa khi nghỉ ngơi hay ngủ. Nếu muốn thoải mái hãy đặt một chiếc gối đệm ở sau lưng và ở dưới 2 chân.
5.2 Có thai 25 tuần mẹ nên ăn gì ?
Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai 25 tuần vẫn cần được duy trì đều đặn như những tuần trước đó, bạn cũng cần bổ sung thêm sắt và khoáng chất để hỗ trợ tốt cho sự phát triển của thai nhi.
Bên cạnh đó, đừng quên uống đủ nước mỗi ngày. Có thể uống thêm nước hoa quả hay sữa để bổ sung vitamin cho cơ thể.
Đồng thời tránh xa các loại thực phẩm, đồ uống có thể gây ảnh hưởng đến thai kỳ như: các loại thủy hải sản có chứa thủy ngân, thức ăn sống, rượu bia, thuốc lá,...
6. Những dấu hiệu bất thường khi mang thai 25 tuần
Cũng giống như tuần trước, nếu bạn thấy có những cơn gò tử cung diễn ra nhiều lần, ra máu hay bất kỳ triệu chứng nào khác hãy thông báo ngay với bác sĩ.
Bạn có thể thảo luận với bác sĩ chuyên khoa về các triệu chứng mình thường xuyên gặp phải để được bác sĩ thăm khám, theo dõi và đưa ra các biện pháp khắc phục, phòng ngừa nhằm hạn chế biến chứng cũng như có một kế hoạch sinh nở an toàn cho cả mẹ và con.