Bạn có biết, thai nhi 24 tuần tuổi có thể sống sót nếu phải sinh sớm. Tuy nhiên, để đảm bảo sự sống cho bé cần phải có sự trợ giúp của máy thở cũng như đội ngũ bác sĩ sản khoa.
1. Thai 24 tuần đã quay đầu chưa?
Thông thường, ở giai đoạn này đa phần thai nhi sẽ không cố định và được gọi là ngôi di động. Vị trí thai có thể xoay chuyển không ngừng, bé có thể chúc đầu xuống dưới rồi lại di chuyển lên phía trên bởi lúc này chiều dài của bé chưa quá lớn để bị cố định tại vị trí.
Như vậy, thời điểm 24 tuần thai nhi vẫn chưa quay đầu. Nếu bé đã quay đầu thì bé vẫn có thể thay đổi vị trí của mình trong những tuần sau đó.
2. Sự phát triển thai nhi 24 tuần tuổi
Thai nhi 24 tuần tuổi, bé dài khoảng 34cm và cân nặng khoảng 680g. Cơ thể của bé vẫn còn khá nhỏ so với đầu, tuy nhiên bé đang phát triển rất nhanh chóng và sẽ sớm lấy lại sự cân đối giữa đầu và thân mình.
Hiện tại, bé vẫn nhận oxy thông qua nhau thai. Tuy nhiên, phổi đã hình thành các nhánh hô hấp và các tế bào bắt đầu sản sinh ra chất surfactant giúp phổi của bé có thể phồng lên và chứa thật nhiều không khí sau khi bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Sự phát triển của thai nhi 24 tuần tuổi (Nguồn: Internet)
Tai trong – bộ phận kiểm soát sự cân bằng trong cơ thể đã hoàn toàn phát triển, do đó thai nhi 24 tuần có thế biết mình đang lộn ngược xuống hay trồi lên trong lúc di chuyển trong nước ối.
Da của thai nhi vẫn còn rất mỏng và nhạt màu, nhưng nó sẽ bắt đầu thay đổi trong những tháng tiếp theo.
Bé mọc tóc nhiều hơn. Nếu siêu âm trong tuần này, bạn có thể xác định được màu sắc và dạng tóc.
Xem thêm: Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi theo tuần tuổi trong giai đoạn thai kỳ
3. Dấu hiệu mang thai 24 tuần
Ở tuần thai 24, bạn có thể cảm nhận được đỉnh tử cung cách rốn khoảng 5cm.
Lồng ngực của bạn tiếp tục phình ra để vừa kích thước đang tăng của phổi. Vùng da ở bụng cũng bị kéo căng, thậm chí gây ngứa ngáy (một số trường hợp da ngứa do bị khô).
Mắt của bạn có thể trở nên nhạy cảm và khô hơn trong khi mang thai.
Hệ thống đường tiêu hóa cũng sẽ có những thay đổi khiến bạn khó chịu, điển hình là chứng táo bón khi mang thai.
Bạn có thể sẽ mắc tiểu nhiều hơn, nhưng nếu bạn cảm thấy số lần đi tiểu quá nhiều, tiểu buốt, bị sốt, đau bụng hoặc đau lưng kèm theo thì hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám vì đó có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu.
Đặc biệt, trong tuần này một số sản phụ có thể sẽ bị chứng co thắt Braxton Hicks thường xuyên hơn. Những cơn thắt giả này sẽ giúp bạn làm quen dần với những cơn co thắt tử cung thật xảy ra khi chuyển dạ. Trong trường hợp bạn cảm thấy lo ngại với những cơn co thắt trong tuần này, bạn hãy đến gặp bác sĩ, vì không loại trừ khả năng những cơn co thắt báo hiệu bạn bị sinh non.
Xem thêm: Nhận diện 3 cơn gò tử cung khác nhau trong thai kỳ, mẹ bầu nên biết
4. Những xét nghiệm khi mang thai 24 tuần
Bắt đầu từ tuần thai 23 đến tuần 28 thai kỳ, thai phụ phải được kiểm tra đường huyết. Do đó, nếu ở tuần trước bạn chưa làm thì trong tuần này sẽ được thực hiện. Xét nghiệm kiểm tra đường huyết sẽ giúp bác sĩ biết bạn có bị tiểu đường thai kỳ hay không, để có thể đưa ra giải pháp điều trị và chăm sóc thai kỳ phù hợp.
Khi kiểm tra đường huyết, bác sĩ có thể sẽ lấy thêm một ống máu để xét nghiệm xem bạn có bị thiếu máu hay không. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn bị thiếu sắt, một trong những dạng phổ biến nhất của thiếu máu, bác sĩ có thể cho bạn thuốc bổ sung sắt.
5. Những điều lưu ý khi mang thai tuần 24
Đến tuần thai 24, việc khám thai của bạn đã bắt đầu trở thành một thói quen. Đến thời điểm này, một số thai phụ sẽ có ý định bỏ qua một vài lần khám thai, tuy nhiên các bác sĩ khuyên rằng, bạn nên khám thai đầy đủ theo lịch hẹn bởi đó chính là cơ hội tốt nhất để theo dõi sự phát triển của thai nhi, cũng như phát hiện sớm các bất thường (nếu có).
Khám thai định kỳ sẽ giúp mẹ theo dõi sự phát triển của con đầy đủ (Nguồn: Internet)
5.1 Khi thai nhi 24 tuần tuổi nên kiêng gì ?
Làm đẹp trong thai kỳ là nhu cầu của rất nhiều người, tuy nhiên, bạn nên hạn chế việc sử dụng các mỹ phẩm vì có thể chứa thành phần hại cho thai nhi.
Hạn chế sử dụng thuốc kháng axit. Nếu buộc phải dùng, hãy uống đúng liều lượng, tránh lạm dụng thuốc vì có thể gây ra tình trạng táo bón.
5.2 Có thai 24 tuần mẹ nên ăn gì ?
Chế độ dinh dưỡng luôn rất quan trọng với phụ nữ mang thai, vì thế bạn cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất trong thai kỳ, đặc biệt là các chất sau đây:
- Thực phẩm giàu sắt như cải bó xôi, các loại cá hồi, các mòi, thịt gia cầm và thịt đỏ....
- Thực phẩm giàu vitamin C để giúp hấp thu sắt tốt hơn.
- Thực phẩm giàu vitamin B, bao gồm folate (có nhiều trong các loại rau lá xanh, đậu, ngũ cốc,...), vitamin B12 (có trong sữa), những chất này giúp hỗ trợ việc hình thành các tế bào hồng cầu.
- Duy trì việc uống bổ sung viên sắt, canxi và axit folic theo chỉ định bác sĩ.
Cùng với chế độ ăn uống, đừng quên việc tập thể dục lành mạnh để nâng cao sức khỏe khi mang thai. Tập thể dục đều độ sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.
Như vậy, thai nhi 24 tuần tuổi đã phát triển khá nhanh về kích thước lẫn cân nặng, bé cũng đã biết cảm nhận mọi thứ xung quanh. Lúc này, mẹ và bố hãy cùng nhau lên kế hoạch cải thiện nhà cửa, đảm bảo có một không gian phù hợp, thoải mái để chào đón con chào đời.