Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những điều mẹ cần biết về hiện tượng phù chân khi mang thai

( VOH ) - Nhiều mẹ bầu bước vào giai đoạn thứ 2 của thai kỳ sẽ xuất hiện tình trạng phù chân. Vậy bị phù chân khi mang thai có nguy hiểm không và làm thế nào để mẹ được dễ chịu hơn?

Thông thường, hiện tượng phù chân khi mang thai thường chỉ xảy ra trong khoảng thời gian từ sau tuần thai thứ 20 cho đến cuối thai kỳ và có thể đi kèm với cảm giác đau, khó chịu.

1. Tại sao mẹ bầu thường bị phù chân khi mang thai?

Tay chân phù nề khi mang thai là một hiện tượng thường gặp ở nhiều mẹ bầu, bởi khi mang thai khoảng tuần 22 đến tuần 27, các chất lỏng dư thừa bắt đầu tràn vào các mô. Ở 3 tháng cuối thai kỳ, hiện tượng phù nề xuất hiện có thể do thai phụ có nhiều nước ối hoặc mang song thai, đa thai.

Thông thường, bà bầu bị phù nề chân khi mang thai sẽ tăng lên vào thời điểm cuối ngày hoặc vào những ngày hè. Sau khi sinh xong, hiện tượng này sẽ tự động biến mất.

Nguyên nhân khiến mẹ bầu phù nề chân tay trong giai đoạn thai kỳ là do cơ thể đã giữ lại chất lỏng để hỗ trợ hoạt động của mẹ và thai nhi. Các chất dịch sẽ ở lại trong các tế bào và làm cho lưu lượng máu tăng lên, từ đó khiến mắt cá chân và bàn chân của mẹ bầu bị sưng lên (một số ít trường hợp còn bị sưng ở tay).

Ngoài ra, tử cung cũng có thể gây ra một áp lực lên các mạch máu từ đầu đến chân. Khi các tĩnh mạch bị thu hẹp, máu bắt đầu tràn xuống chân và khiến cho chân bị phù nề khi mang thai.

nhung-dieu-me-can-biet-ve-hien-tuong-phu-chan-khi-mang-thai-voh

Áp lực từ tử cung khi mang thai dồn máu xuống chân và khiến cho chân bị phù nề (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, những thai phụ thường xuyên phải đứng liên tục trong thời gian dài, lượng máu dồn về chân nhiều hơn bình thường cũng sẽ gây ra hiện tượng phù chân.

2. Bà bầu bị phù chân sớm có sao không?

Hiện tượng phù chân khi mang thai thường không gây hại nhiều đến sức khỏe mẹ bầu, tuy nhiên, trong một vài trường hợp mẹ bầu bị phù chân trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ lại là dấu hiệu báo trước của tiền sản giật. Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé.

Do đó, nếu thấy tay chân bị phù nề khi mang thai đi kèm với các dấu hiệu sau đây thì mẹ bầu nên chủ động đến bệnh viện để kiểm tra:

  • Chân, tay, mặt sưng lên một cách bất ngờ
  • Thai phụ bị đau đầu dữ dội
  • Thường nhìn mọi thứ xung quanh bị nhòe, chói
  • Bị đau ở các xương sườn
  • Có triệu chứng nôn mửa.

3. Cách làm giảm phù chân khi mang thai cho mẹ bầu

Nếu hiện tượng phù nề chân khi mang thai không liên quan đến bệnh lý thì mẹ bầu không cần phải lo lắng. Mẹ có thể thử áp dụng những biện pháp sau đây để giúp thoải mái hơn khi mang thai như:

  • Khi ngủ mẹ bầu nên nằm nghiêng một bên để làm giảm áp lực máu tụ ở chân. Mẹ có thể gác chân lên cao hoặc đặt đệm dưới chân khi mẹ bầu nằm trên giường.
  • Khi đi làm mẹ nên đặt một cái ghế nhỏ dưới bàn để gác chân lên, tránh bị mỏi chân.
  • Mẹ bầu nên chọn những đôi giày thoải mái và không nên mang giày quá chật.
  • Không nên bắt chéo chân khi đang ngồi để tránh tình trạng máu không thể lưu thông gây tê chân, sưng phù chân.
  • Tránh đứng lâu một chỗ, mẹ cần đi dạo thường xuyên để giữ cho máu được lưu thông đều đặn ở 2 chân.
  • Không mang vớ bó chặt cũng như phải nhớ tháo vớ ra trước khi bước xuống giường để máu không tụ quanh mắt cá chân.

nhung-dieu-me-can-biet-ve-hien-tuong-phu-chan-khi-mang-thai-1-voh

Uống nhiều nước sẽ giúp mẹ bầu tránh được tình trạng giữ nước trong cơ thể (Nguồn: Internet)

  • Uống nhiều nước sẽ giúp kích thích thận bài tiết, giúp làm giảm tình trạng giữ nước trong cơ thể. Nếu uống ít nước, thận sẽ nhận được tín hiệu rằng cơ thể đang cần giữ lại nước và làm tình trạng phù thũng càng nặng thêm.
  • Tập thể dục thường xuyên bằng cách đi bộ, đi bơi... sẽ rất có lợi cho những mẹ bầu nào đang bị phù chân khi mang thai.
  • Với những trường hợp phù chân nặng không thể đứng dậy, mẹ bầu có thể cong chân lên và kéo giãn chân ra theo chiều lên xuống hoặc tự xoay bàn chân của mình theo một vòng tròn.
  • Chế độ dinh dưỡng có thể khiến việc phù chân khi mang thai càng thêm nghiêm trọng. Vì thế, các mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày để thông qua chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện hiện tượng phù chân.

Nói chung, phần lớn hiện tượng phù chân khi mang thai là do cơ thể trữ nước quá nhiều. Do đó, mẹ không cần phải quá lo lắng, hãy đi thăm khám bác sĩ để chắc chắn sức khỏe của mẹ và bé an toàn. Sau đó, mẹ cần duy trì các biện pháp trên để giúp cơ thể thoải mái và giảm phù nề chân tốt hơn.

Bình luận