Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi qua từng tháng thai kỳ

(VOH) - Sự phát triển của thai nhi là một hành trình thú vị mà bất cứ người mẹ nào cũng muốn khám phá. Cùng theo dõi các giai đoạn phát triển của bé yêu 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ qua bài viết sau.

Quá trình thụ thai được hiểu đơn giản là sự kết hợp giữa tinh trùng của người bố và trứng của người mẹ. Khi tinh trùng kết hợp với trứng thành công sẽ tạo thành hợp tử, tạo thành phôi thai, được làm tổ trong tử cung người mẹ.

Đây cũng là cột mốc đánh dấu bé yêu đã hình thành và đang phát triển từng ngày trong bụng mẹ.

1. Sự phát triển thai nhi trong bụng mẹ qua từng tháng

Người phụ nữ mang thai trong khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày, được chia thành 3 giai đoạn thai kỳ (hay còn được gọi là 3 tam cá nguyệt). Tuy nhiên, thai nhi trong bụng mẹ sẽ có những sự thay đổi riêng biệt ở từng tháng.

1.1 Giai đoạn đầu thai kỳ

  • Tháng 1

Khi trứng đã thụ tinh phát triển, một túi kín xung quanh phôi thai dần dần chứa đầy chất lỏng được hình thành, được gọi là túi ối. Đây được xem là túi đệm cho phôi thai phát triển về sau.

Nhau thai cũng được hình thành và phát triển nhanh chóng. Nhau thai có chức năng chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ sang em bé và chuyển chất thải từ em bé ra bên ngoài.

Ở tháng đầu tiên, phôi thai sẽ hình thành cấu trúc khuôn mặt và cổ. Trong khi tim và mạch máu tiếp tục phát triển thì các cơ quan nội tạng khác như phổi, dạ dày, gan mới bắt đầu hình thành. 

Thai nhi tháng đầu tiên sẽ có kích thước khoảng 2mm.

  • Tháng 2

Các đặc điểm trên khuôn mặt bé tiếp tục phát triển. Mí mắt và tai của thai nhi đang hình thành, tay và chân của bé cũng đang dần dài ra.

Tìm hiểu sự phát triển của thai nhi qua từng tháng thai kỳ 1

Thai nhi ở tháng thứ 2 đã có nhịp tim (Nguồn: Internet)

Ống thần kinh (não, tủy sống và các mô thần kinh khác của hệ thần kinh trung ương) cũng như đường tiêu hóa và cơ quan cảm giác cũng bắt đầu phát triển. Xương bắt đầu thay thế sụn. Vào tuần thứ 6, nhịp tim của bé đã có.

Thai 2 tháng tuần tuổi sẽ có kích thước cỡ một hạt đậu và dài hơn 1.6cm.

  • Tháng 3

Lúc này, các bộ phận ở tay và chân của em bé đã được hình thành đầy đủ. Móng tay và móng chân đang bắt đầu phát triển, phần tai ngoài cũng được hình thành. Ngoài ra, đây còn sự khởi đầu của việc hình thành răng, các cơ quan sinh sản đang phát triển.

Tất cả các cơ quan trong cơ thể cũng như hệ thống tuần hoàn, tiết niệu sẽ tiếp tục phát triển để hoàn thiện hơn. Vì hầu hết những sự phát triển quan trọng nhất đã hoàn thiện nên kể từ sau giai đoạn đầu thai kỳ, nguy cơ sảy thai sẽ giảm đáng kể.

Vào tháng thứ 3, em bé nặng khoảng 25gr và có kích thước khoảng 8,7cm.

1.2 Giai đoạn giữa thai kỳ

  • Tháng thứ 4

Nhịp tim của bé có thể nghe được qua dụng cụ Doppler. Các ngón tay và ngón chân của bé đã được xác định rõ. Mí mắt, lông mày, lông mi, móng tay và tóc đã được hình thành. Chồi răng và xương trở nên cứng hơn.

Hệ thần kinh của thai nhi cũng đang bắt đầu hoạt động. Các cơ quan sinh dục đã phát triển đầy đủ và lúc này mẹ có thể siêu âm để biết đó là một bé trai hay một bé gái.

Vào cuối tháng thứ 4, thai nhi dài khoảng 14cm và cân nặng khoảng 200gr.

  • Tháng 5

Ở tháng thứ 5, mẹ có thể đã cảm nhận được những chuyển động của bé. Tóc của bé cũng bắt đầu mọc, trên vai, lưng, của bé được bao phủ bởi một lớp lông mềm gọi là lông tơ, có nhiệm vụ bảo vệ bé trong thời gian nằm trong bụng mẹ và sẽ rụng dần trong tuần đầu sau khi chào đời.

Da của bé còn phủ một lớp màu trắng (gọi là chất vernix caseosa), có tác dụng bảo vệ làn da của bé khi tiếp xúc với môi trường nước ối trong bụng mẹ.

Đến cuối tháng thứ 5 thai kỳ, em bé dài khoảng 25cm và nặng khoảng 315gr.

  • Tháng 6

tim-hieu-cac-giai-doan-phat-trien-cua-thai-nhi-1-VOH

Thai nhi ở tháng thứ 6 đã có thể phản ứng lại với các âm thanh bên ngoài (Nguồn: Internet)

Ở tháng thứ 6, da của bé có màu đỏ, nhăn và lớp tĩnh mạch có thể nhìn được qua lớp da mỏng. Đôi mắt bé đã có thể đóng mở. Bé đã có phản ứng với âm thanh bằng cách chuyển động hoặc đá, đạp trong bụng mẹ.

Vào cuối tháng thứ 6, em bé dài khoảng 35cm và nặng khoảng 660gr.

1.3 Giai đoạn cuối thai kỳ

  • Tháng 7

Thai tiếp tục tăng trưởng và tích trữ lớp mỡ dưới da. Giai đoạn này, em bé cũng sẽ chuyển động mạnh mẽ hơn và phản ứng rõ rệt với âm thanh, ánh sáng từ bên ngoài. Nước ối cũng bắt đầu giảm bớt.

Vào cuối tháng thứ 7, thai nhi dài khoảng 41cm và nặng khoảng 1.5kg. (Nếu sinh non, em bé có khả năng sống sót cao từ cuối tháng thứ 7).

  • Tháng 8

Thai nhi tiếp tục phát triển lượng mỡ trên cơ thể. Bộ não của bé cũng đang phát triển nhanh chóng, bé đã có thể nhìn và nghe được. Hầu hết các cơ quan trong cơ thể bé đã phát triển hoàn thiện nhưng phổi thì có thể chưa trưởng thành.

Em bé ở cuối tháng thứ 8 dài khoảng 46cm và nặng khoảng 2.3kg.

  • Tháng 9

Thai nhi tháng thứ 9 tiếp tục phát triển và phổi gần như đã trưởng thành hoàn toàn. Bé đã có những phản xạ rõ rệt như chớp mắt, nhắm mắt lại, xoay đầu, nắm tay khi tiếp xúc với âm thanh, ánh sáng hoặc bị đau…

Người mẹ có thể nhận thấy em bé ít chuyển động hơn do không gian trong tử cung đã khá chật hẹp. Lúc này em bé cũng bắt đầu quay đầu xuống dưới, mặt úp vào trong bụng mẹ để dễ dàng chào đời.

Em bé ở cuối tháng thứ 9 có cân nặng từ 2.8 - 3.5kg và có thể chào đời bất cứ lúc nào.

Dựa vào sự phát triển của thai nhi qua từng tháng, mẹ bầu có thể tự mình cân đối dinh dưỡng để bổ sung các dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn mang thai giúp thai nhi được phát triển toàn diện. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên khám thai định kỳ để có thể theo dõi sự phát triển của thai nhi một cách chặt chẽ và tốt nhất.

Bình luận