Thừa sắt có nguy hiểm không? Chẩn đoán và lưu ý điều trị cần rõ

(VOH) – Chúng ta đều biết rằng khi bị thiếu sắt cơ thể sẽ rơi vào trạng thái thiếu máu, dẫn tới ‘đình trệ’ nhiều hoạt động quan trọng. Thế nhưng nếu bổ sung nhiều và gây thừa sắt có nguy hiểm không?

Không thể phủ nhận rằng sắt là một trong những khoáng tố đảm nhiệm rất nhiều vai trò then chốt tại các cơ quan, bộ phận của cơ thể. Song dù vậy các chuyên gia luôn khuyến cáo rằng chúng ta nên chú ý tiếp nạp đủ liều lượng thay vì cố gắng bổ sung “càng nhiều càng tốt”, khiến cơ thể bị dư thừa sắt.

1. Thừa sắt là gì?

Thừa sắt hay quá tải sắt là tình trạng nồng độ khoáng tố sắt tăng cao và vượt nhu cầu thực tế mà cơ thể cần hàng ngày. Theo đó, thừa sắt xảy ra chủ yếu bởi một trong hai nguyên nhân dưới đây:

1.1 Thừa sắt do di truyền

Thừa sắt do di truyền hay còn gọi thừa sắt nguyên phát, là hậu quả của đột biến gen HFE (thường có tính di truyền từ người thân trong gia đình), khiến khả năng hấp thu và chuyển hóa chất sắt ở ruột suy giảm, gây ứ đọng chất sắt. (1)

1.2 Bổ sung chất sắt quá liều lượng

Để cung cấp chất sắt cho cơ thể, chúng ta sẽ hấp thu trực tiếp nhóm chất này thông qua thực phẩm tự nhiên giàu chất sắt và các loại thuốc bổ sung. Tuy nhiên, nếu không cân đối hàm lượng thực phẩm cũng như không sử dụng thuốc đúng theo chỉ định thì đây được xem như nguyên nhân thứ phát gây nên tình trạng dư thừa sắt. (2)

thua-sat-co-nguy-hiem-khong-chan-doan-va-luu-y-dieu-tri-can-ro-voh-0
Sử dụng quá nhiều thực phẩm giàu chất sắt hay các loại thuốc sắt là nguyên nhân phổ biến gây thừa sắt (Nguồn: Internet)

2. Nhận biết dấu hiệu thừa sắt trong cơ thể

Khi liều lượng khoáng tố sắt tăng cao vượt mức an toàn, cơ thể sẽ “phát tín hiệu” sau để kịp thời cảnh báo cho bạn biết:

2.1 Da chuyển màu

Hiện tượng da chuyển máu là một dấu hiệu mà chúng ta rất dễ nhận thấy khi cơ thể đang bị thừa sắt. Lúc này lượng sắt dư thừa sẽ di chuyển từ tế bào máu tới các lớp mô, đồng thời lắng đọng ở tế bào da, làm sắc tố da chuyển sang màu xám hoặc màu bạc.

Xem thêm: 7 thay đổi về màu sắc trên da dự báo căn bệnh tiềm ẩn bên trong

2.2 Đau nhức xương khớp

Lượng sắt thừa không chỉ tích tụ ở da mà còn ở cả các tế bào và mô xương khớp, khiến các mô sưng viêm, đau nhức, thậm chí sẽ làm giảm khả năng vận động, khiến bạn gặp khó khăn trong việc di chuyển hàng ngày.

2.3 Mệt mỏi, nôn ói

Bổ sung quá nhiều lượng chất sắt có thể để lại “gánh nặng” lên nhiều cơ quan trong cơ thể, bạn sẽ cảm thấy uể oải, mệt mỏi và thiếu năng lượng khi tham gia các hoạt động. Bên cạnh đó, cảm giác ăn không ngon miệng hay nôn ói sau bữa ăn cũng thường xuất hiện.

thua-sat-co-nguy-hiem-khong-chan-doan-va-luu-y-dieu-tri-can-ro-voh-1
Dư thừa sắt có thể làm bạn mệt mỏi và thường xuyên nôn ói (Nguồn: Internet)

2.4 Sụt giảm cân nặng đột ngột

Nếu nhận thấy khuôn mặt “hốc hác” và cân nặng sụt giảm nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn thì bạn phải chú ý theo dõi sức khỏe nhiều hơn bởi khả năng cao là bạn đang bị thừa sắt đấy nhé.

Xem thêm: Sụt cân đột ngột – biểu hiện của 7 căn bệnh tiềm ẩn

3. Thừa sắt có nguy hiểm không?

Việc hấp thu quá liều lượng an toàn bất cứ các dưỡng chất nào đều để lại nhiều rủi ro khó lường, với khoáng tố sắt cũng vậy, thừa sắt có thể gây nguy hiểm sức khỏe và tính mạng. Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe điển hình thường xảy ra khi cơ thể thừa sắt:

3.1 Giảm hấp thu các khoáng chất khác

Hàm lượng lớn chất sắt “tồn đọng” sẽ làm cho một số khoáng tố khác không được hấp thu trọn vẹn hoặc khiến chúng bị đẩy ra khỏi cơ thể nhanh hơn, đặc biệt là canxikẽm. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu canxi hay thiếu kẽm, kéo theo nguy cơ loãng xương, rụng tóc, viêm da,…

3.2 Suy giảm chức năng gan

Có thể nói gan là cơ quan chịu khá nhiều tổn thương khi cơ thể rơi vào trạng thái quá tải sắt. Lượng chất sắt dư thừa và tích tụ lại sẽ đẩy nhanh quá trình oxy hóa mô tế bào ở gan, tạo ra các mô sẹo – một trong những tác nhân chính gây nên xơ gan, suy gan hay nghiêm trọng hơn là ung thư gan.

Xem thêm: Khả năng chữa khỏi ung thư gan là bao nhiêu phần trăm?

3.3 Dễ bị bệnh tiểu đường

Một số nghiên cứu y khoa đã được tiến hành đều nhận thấy mối tương quan giữa tình trạng dư thừa sắt và bệnh tiểu đường. Khi cơ thể hấp thu quá nhiều lượng khoáng tố sắt, hoạt động tổng hợp insulin ở tế bào beta của tuyến tụy có thể bị gián đoạn, làm rối loạn việc hấp thu cũng như chuyển hóa đường glucose vào máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. (3)

3.4 Rối loạn nhịp tim

Hàm lượng vi chất sắt trong máu tăng cao được đánh giá là tác nhân gây ảnh hưởng khá tiêu cực tới quá trình lưu thông máu và vận chuyển oxy tới tim mạch. Khi đó, nhịp tim của bạn sẽ bị rối loạn, cơ tim suy yếu không đủ khả năng bơm máu cho tim, dẫn tới các bệnh lý liên quan đến tim mạch như suy tim.

Xem thêm: Nếu muốn có một hệ tim mạch khỏe mạnh hãy làm ngay những điều này

3.5 Ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản

Các chức năng sinh sản ở nữ giới và nam giới không chỉ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu sắt mà ngay cả khi bạn bổ sung quá liều lượng, gây thừa sắt thì chúng cũng có thể xuất hiện. Nếu dư thừa chất sắt trong cơ thể, khả năng rụng trứng và chu kì kinh nguyệt của nữ giới thường diễn ra không đều đặn, còn với nam giới tỉ lệ bị rối loạn cương dương sẽ tăng cao.

thua-sat-co-nguy-hiem-khong-chan-doan-va-luu-y-dieu-tri-can-ro-voh-2
Dư thừa sắt ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản của cả nam giới và nữ giới (Nguồn: Internet)

3.6 Tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thói quen tiếp nạp quá nhiều chất sắt (nhất là sắt heme từ các loại thịt động vật có màu đỏ) hoàn toàn không tốt cho sức khỏe vì tiềm ẩn nguy cơ khiến tế bào bị nhiễm trùng và gây ra các bệnh ung thư nguy hiểm. (4)

4. Chẩn đoán tình trạng thừa sắt

Sau khi nhận thấy các triệu chứng bất thường trên cơ thể, bạn không nên tự tìm cách điều trị tại nhà khi chưa có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Lời khuyên là hãy sớm đến các cơ sở y tế thăm khám và tiến hành thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán sau:

  • Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm quan trọng nồng độ khoáng chất sắt và ferritin – một loại protein giúp lưu trữ sắt máu. Từ đây bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác cơ thể bạn có đang dư thừa sắt hay không.
  • Xét nghiệm di truyền: Xét nghiệm di truyền được thực hiện nhằm mục đích tìm kiếm những bất thường ở gen HFE, nhằm xác định sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền tới tình trạng dư thừa sắt.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, bạn sẽ được yêu cầu làm sinh thiết gan hay chụp cộng hưởng từ MRI.

Xem thêm: Hướng dẫn cách đọc kết quả các chỉ số xét nghiệm máu cơ bản

5. Một số phương pháp điều trị thừa sắt

Điều trị thừa sắt cần phải sớm được thực hiện để các vấn đề sức khỏe không trở nên trầm trọng hơn. Theo đó, nhằm khắc phục tình trạng dư thừa sắt, một số phương pháp điều trị sau có thể được áp dụng:

  • Mở tĩnh mạch: Tùy theo mức độ thừa sắt, các bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật mở tĩnh mạch để giảm nồng độ sắt trong máu.
  • Sử dụng thuốc loại bỏ dư thừa sắt: Nếu không thực hiện mở tĩnh mạch, sử dụng thuốc loại bỏ dư thừa sắt qua đường uống hoặc tiêm là phương pháp khá phổ biến.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Khi được chẩn đoán dư thừa sắt, bạn cần phải chủ động điều chỉnh và cắt giảm bớt lượng thực phẩm giàu chất sắt (đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc từ động vật) trong khẩu phần hàng ngày.

Để khoáng chất sắt có thể phát huy tốt những lợi ích tuyệt vời với sức khỏe, bạn hãy chú ý chỉ bổ sung một liều lượng vừa đủ, đừng để cơ thể bị dư thừa sắt và gặp phải những biến chứng nguy hiểm nhé.