Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Thừa vitamin K và những phương pháp cải thiện cần biết

(VOH) – Bên cạnh việc bổ sung vitamin K từ thực phẩm, chúng ta cũng có thể tiếp nạp loại vitamin này từ thuốc điều chế. Tuy nhiên nếu không sử dụng đúng cách và đúng liều sẽ dẫn tới thừa vitamin K.

Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng nhu cầu vitamin K của cơ thể sẽ được đáp ứng đủ (thậm chí hiếm khi rơi vào trạng thái thiếu hụt hoặc dư thừa) khi chúng ta bổ sung hợp lý những thực phẩm giàu nhóm vitamin này trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thế nhưng bên cạnh đó, nếu bạn thường tự ý dùng và lạm dụng thuốc bổ sung vitamin K thì nguy cơ cao sẽ dẫn tới thừa vitamin K.

1. Thừa vitamin K gây bệnh gì?

Khi hàm lượng vitamin K trong cơ thể tăng cao và vượt mức an toàn, một số vấn đề sức khỏe sau có thể xảy ra:

1.1 Vàng da

Vitamin K vốn có đặc tính hòa tan trong chất béo, phần lớn được dự trữ ở gan và các mô mỡ. Chính vì thế hấp thu lượng lớn vitamin K sẽ tạo “gánh nặng” cho lá gan, làm suy giảm khả năng bài tiết cũng như chuyển hóa dưỡng chất, tăng tỉ lệ mắc phải bệnh lý vàng da

thua-vitamin-k-va-nhung-phuong-phap-cai-thien-can-biet-voh-0
Thừa vitamin K có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động bài tiết của gan, tăng nguy cơ vàng da (Nguồn: Internet)

1.2 Thiếu máu huyết tán

Nhiều nghiên cứu y khoa nhận thấy rằng lạm dụng vitamin K quá liều lượng, nhất là nhóm vitamin dạng tổng hợp như vitamin K3 có thể là một trong những tác nhân gây ra hiện tượng thiếu máu huyết tán. (1)

Lúc này, tốc độ phá hủy tế bào hồng cầu sẽ nhanh hơn tốc độ tạo ra, các tế bào trong cơ thể không được cung cấp đủ oxy, khiến bạn thường cảm thấy hoa mắt chóng mặt và thiếu năng lượng hoạt động.

Xem thêm: Thiếu máu huyết tán có thể do di truyền nhưng cũng có khả năng do bệnh tật gây ra, nên không thể xem thường

1.3 Hạ đường huyết quá mức

Vitamin K cũng góp phần không nhỏ giúp làm giảm tốc độ chuyển hóa đường glucose vào máu, đảm bảo nồng độ đường huyết không tăng cao.

Do vậy, nếu thuộc đối tượng đang điều trị bệnh tiểu đường (đặc biệt là tiểu đường tuýp 2) bạn cần đảm bảo bổ sung đủ lượng vitamin K cần thiết cho cơ thể, không dùng quá nhiều nhằm tránh để lại tác dụng phụ như hạ đường huyết quá mức. (2)

1.4 Ảnh hưởng chức năng của thận

Một trong những vai trò cực kì quan trọng của vitamin K với cơ thể đó chính là thúc đẩy quá trình đông máu. Nhưng cũng chính vì lý do đó, tình trạng dư thừa vitamin K sẽ ảnh hưởng chức năng của thận, gây “cản trở” quá trình lọc máu ở người mắc suy thận. (4)

Xem thêm: Mách bạn 4 cách giúp duy trì sức khỏe thận lâu dài

2. Một số phương pháp cải thiện khi thừa vitamin K

Để kiểm soát cũng như phòng tránh tốt những rủi ro sức khỏe do hiện tượng thừa vitamin K gây nên, bạn hãy chủ động thực hiện sớm một số phương pháp cải thiện quan trọng dưới đây:

2.1 Dừng sử dụng thuốc bổ sung vitamin K

thua-vitamin-k-va-nhung-phuong-phap-cai-thien-can-biet-voh-1
Cần tạm dừng sử dụng thuốc bổ sung vitamin K khi có dấu hiệu dư thừa (Nguồn: Internet)

Trong trường hợp bạn đang cung cấp lượng vitamin K vượt quá nhu cầu của cơ thể, trước tiên cần tạm dừng ngay việc uống các thuốc bổ sung vitamin K. Cùng với đó, tốt nhất nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa thăm khám và hỗ trợ khắc phục tình trạng thừa vitamin K đúng cách, hiệu quả nhất.

Xem thêm: ‘Nằm lòng’ 5 lưu ý quan trọng này để bổ sung vitamin K đúng cách, an toàn cho sức khỏe

2.2 Điều chỉnh lượng thực phẩm giàu vitamin K

Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin K có thể làm “gián đoạn” nhiều hoạt động của cơ quan trong cơ thể, song nếu bổ sung không đúng cách và gây dư thừa lượng vitamin này cũng để lại các tác hại với sức khỏe.

Vì vậy, khi được chẩn đoán hàm lượng vitamin K đang ở mức cao, bạn phải kịp thời điều chỉnh lượng dưỡng chất này trong khẩu phần ăn mỗi ngày, nên kết hợp đa dạng thực phẩm chứa nhiều nhóm vitamin và khoáng chất, tránh tập trung ăn quá nhiều thực phẩm giàu vitamin K.

2.3 Bổ sung thực phẩm giàu chất béo không bão hòa

Như đã chia sẻ, vitamin K thuộc nhóm vitamin tan trong chất béo, cụ thể là chất béo không bão hòa. Cho nên nhằm chuyển hóa lượng vitamin K dư thừa tích trữ trong cơ thể, các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyến khích bạn ăn thêm các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh.

Tăng cường vitamin K cho cơ thể là điều chúng ta nên duy trì thực hiện đều đặn, tuy nhiên hãy lựa chọn phương pháp bổ sung an toàn thông qua việc tiếp nạp các thực phẩm. Đồng thời tránh tự ý mua thuốc uống hay thuốc tiêm khi chưa có chỉ định của bác sĩ, nhằm hạn chế dư thừa vitamin K gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.