Bổ sung vitamin K bằng cách nào để an toàn cho sức khỏe?

(VOH) – Khá nhiều hoạt động chuyển hóa dưỡng chất trong cơ thể cần có sự 'trợ giúp' từ vitamin K. Vậy chúng ta có thể bổ sung vitamin K bằng cách nào và nên lưu ý gì để đảm bảo an toàn sức khỏe?

Có thể nói rằng vitamin K là thành tố thứ yếu tham gia vào quá trình đông máu, đồng thời góp phần quan trọng kích thích hình thành các tế bào xương mới. Do đó nếu “lơ là” và không bổ sung vitamin K đúng cách, đủ lượng thì nguy cơ cao sẽ gặp phải những rủi ro sức khỏe.

1. Bổ sung vitamin K bằng cách nào?

Các khuyến nghị sức khỏe chỉ ra rằng nhu cầu vitamin K ở trẻ dưới 1 tuổi là từ 2 – 2.5mcg/ngày và không vượt quá 60mcg/ngày khi trẻ chưa đủ 18 tuổi. Còn ở người trưởng thành, hàng ngày cơ thể cần được đáp ứng khoảng 75 – 120mcg vitamin K. (1)

Vì thế để không rơi vào tình trạng thiếu vitamin K, hãy duy trì bổ sung vitamin K đều đặn mỗi ngày theo một số phương pháp dưới đây:

1.1 Bổ sung vitamin K từ thực phẩm

Tăng cường hấp thu vitamin K từ thực phẩm được đánh giá là phương thức đơn giản và an toàn nhất, bởi nguồn cung cấp vitamin K vốn rất đa dạng, lại dễ dàng tìm kiếm.

bo-sung-vitamin-k-bang-cach-nao-de-an-toan-cho-suc-khoe-voh-0
 

Theo đó, thông qua việc chủ động tiếp nạp các thực phẩm giàu vitamin K như rau xanh lá, trái cây, các loại đậu, thịt gà hay thịt bò,… từ bữa ăn hàng ngày, bạn cũng đã cung cấp một lượng vitamin K tự nhiên, lành mạnh cho cơ thể rồi đấy.

Xem thêm: Vitamin K có trong thực phẩm nào bạn đã biết chưa?

1.2 Uống thuốc bổ sung vitamin K

Thực tế thì việc tiếp nạp trực tiếp vitamin K từ các nhóm thực phẩm đã phần nào cung ứng đủ lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Thế nhưng trong một số trường hợp đặc biệt sau chúng ta có thể được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định tăng cường uống thuốc vitamin K:

  • Thiếu hụt vitamin K mức độ nặng
  • Phục hồi sau phẫu thuật
  • Chấn thương chảy máu
  • Sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày

1.3 Tiêm vitamin K

Cũng giống như các dạng thuốc bổ sung vitamin K, tiêm vitamin K chỉ được thực hiện khi có yêu cầu từ chuyên gia y khoa. Liệu pháp này phần lớn được áp dụng với đối tượng trẻ sơ sinh bởi hệ sinh thái đường ruột của các bé chưa phát triển hoàn thiện và không thể chuyển hóa, hấp thu lượng vitamin K từ thực phẩm.

Đặc biệt, tiêm dự phòng thiếu vitamin K cũng chính là cách giảm thiểu tỉ lệ mắc bệnh lý viêm màng não hay xuất huyết não cho trẻ từ những giai đoạn đầu đời.

Xem thêm: Cẩn trọng’ 4 hệ lụy có thể xảy ra với sức khỏe ở cả người lớn và trẻ nhỏ khi thiếu vitamin K

2. Những lưu ý cần biết khi bổ sung vitamin K

Các tác dụng của vitamin K sẽ được phát huy hiệu quả nếu chúng ta thực hiện bổ sung hợp lý và đúng khoa học. Chính vì thế đừng quên áp dụng một vài lưu ý dưới đây khi bổ sung vitamin K:

2.1 Không bổ sung nhiều liên tục

Như đã chia sẻ, cơ thể luôn cần được cung ứng đầy đủ lượng vitamin K mỗi ngày để các cơ quan có thể vận hành hiệu quả. Không nên vội vàng “bù đắp” vitamin K với liều lượng lớn khi đã ở trạng thái thiếu hụt nghiêm trọng, hãy xây dựng thói quen bổ sung từ từ, đều đặn và hợp lý thông qua các bữa ăn trong ngày.

bo-sung-vitamin-k-bang-cach-nao-de-an-toan-cho-suc-khoe-voh-1
Bổ sung vitamin K từ thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày (Nguồn: Internet)

2.2 Dùng kết hợp với thực phẩm giàu chất béo

Theo phân tích dinh dưỡng, vitamin K được xếp vào nhóm vitamin tan trong chất béo. Do vậy, để hỗ trợ cơ thể hấp thu tốt nhất dưỡng chất này, bạn nên kết hợp đa dạng thực phẩm giàu vitamin K với thực phẩm giàu chất béo trong khẩu phần ăn.

Ngoài ra khi chế biến các thực phẩm có hàm lượng vitamin K cao như rau xanh lá, hãy điều chỉnh nhiệt độ vừa phải, nên hấp hoặc luộc thay vì đun hầm chín nhũn.

Xem thêm: Top 12 thực phẩm giàu chất béo nhưng tốt cho cơ thể

2.3 Bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh

Trong vòng 1 năm đầu sau sinh, cha mẹ cần chú ý thực hiện tiêm bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh theo đúng khuyến cáo y khoa. Tùy theo thể trạng và các chỉ số phát triển, con sẽ được tiêm vitamin K với liều lượng phù hợp, từ 0.5 – 1mg trong một mũi tiêm.

2.4 Bổ sung vitamin K cho bà bầu

Ở thời kì mang thai, nếu mẹ bầu lo lắng thiếu hụt vitamin K sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi và muốn bổ sung vitamin K bằng thuốc uống hoặc thuốc tiêm thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa. Tuyệt đối không tự mua thuốc để dùng tại nhà, nhằm hạn chế những ảnh hưởng xấu tới an toàn của cả mẹ lẫn em bé.

Xem thêm: Chích ngừa trước khi mang thai đúng cách để tránh phí tiền mà không hiệu quả

2.5 Không tự ý bổ sung khi đang dùng thuốc đặc trị

Trường hợp đang sử dụng thuốc chống đông máu hay thuốc giảm đau aspirin, bạn cũng không được tự ý uống bổ sung vitamin K khi chưa có chỉ định chuyên khoa để tránh tình trạng dư thừa vitamin K.

Hy vọng rằng qua những chia sẻ trong bài viết trên đây, bạn sẽ không “lãng quên” bổ sung vitamin K trong chế độ dinh dưỡng thường ngày để chủ động bảo vệ sức khỏe thật tốt nhé.