1. Tiểu đường tuýp 2 là gì?
Tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi cơ thể không còn sản xuất đủ insulin, hoặc gặp khó khăn khi sử dụng insulin do chính cơ thể tạo ra khiến cho đường tích tụ lại trong máu.
Tiểu đường type 2 là căn bệnh thường xuyên xuất hiện ở người lớn tuổi, từ 40 tuổi trở lên, bệnh xuất hiện ở người trẻ thường do các yếu tố gia đình hoặc do thừa cân béo phì.
Tiểu đường loại 2 có chữa được không? (Nguồn: Internet)
2. Tiểu đường tuýp 2 có nguy hiểm không?
Các triệu chứng thường gặp khi bị tiểu đường loại 2 là khát nước, đi tiểu thường xuyên, sụt cân không rõ nguyên nhân, có cảm giác nhanh đói, mệt mỏi yếu cơ, vết thương chậm lành,…Các triệu chứng này thường xuất hiện chậm. Nếu không chú ý và sớm nhận biết bệnh tiểu đường tuýp 2 và không có biện pháp kiểm soát đường huyết hợp lý, bệnh sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng lâu dài từ đường huyết cao bao gồm:
- Bệnh tim mạch.
- Bệnh võng mạc có thể dẫn đến mù lòa.
- Tổn thương thận do tiểu đường hoặc suy thận.
- Tổn thương thần kinh.
- Đục thủy tinh thể.
- Các vấn đề về chân do dây thần kinh bị tổn thương hoặc lưu thông máu kém có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và trong một số trường hợp nặng thì phải cắt chi.
- Các vấn đề về xương khớp.
- Các vấn đề về da, bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn, nhiễm trùng do nấm và vết thương không lành.
- Nhiễm trùng răng và nướu.
Chính vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm tiểu đường tuýp 2 có ý nghĩa quan trọng, giúp bảo vệ sức khỏe và tránh được các biến chứng nguy hiểm.
3. Cách chữa bệnh tiểu đường tuýp 2
Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 thường nhằm mục đích giảm hoặc mất các triệu chứng lâm sàng của tăng glucose máu, duy trì glucose máu càng gần với trị số bình thường càng tốt, nhưng không gây hạ glucose máu, ngăn ngừa biến chứng cấp tính và mạn tính, duy trì cân nặng lý tưởng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Để đạt được mục tiêu điều trị này, phương pháp điều trị tiểu đường tuýp 2 sẽ bao gồm phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Phương pháp không dùng thuốc là điều chỉnh lối sống bao gồm chế độ ăn uống và vận động hợp lý.
4. Tiểu đường tuýp 2 nên ăn gì?
Thực phẩm không trực tiếp gây bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng ăn không đúng cách sẽ khiến đường huyết tăng cao, khó kiểm soát.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người tiểu đường không cần ăn uống quá kiêng khem. Chế độ ăn chỉ cần đảm bảo đủ các chất đạm, chất béo, chất đường và đủ nhu cầu năng lượng của cơ thể.
Khi xây dựng thực đơn dành cho người tiểu đường tuýp 2 cần lưu ý:
4.1 Tăng cường chất xơ
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên tăng cường chất xơ (Nguồn: Internet)
Khẩu phần ăn giàu chất xơ sẽ khiến bạn no lâu và ngăn chặn được những bữa ăn vặt trong ngày. Các nguồn chất xơ có lợi cho người tiểu đường tuýp 2 gồm có bột yến mạch, bánh mì ngũ cốc nguyên cám, hoa quả tươi ít ngọt, và các loại rau như bông cải xanh, cà rốt, rau diếp cá,…
4.2 Tránh xa đồ uống có đường
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên giảm lượng soda và nước ngọt có gas. Hàm lượng đường cao trong soda và nước ngọt có thể gây tăng đường huyết. Thay vào đó, người bệnh nên uống nước dừa, nước lúa mạch, nước lọc,…
4.3 Hạn chế thực phẩm chứa dầu, bơ
Người bệnh cần hạn chế những thực phẩm chứa dầu, bơ vì chất béo có thể làm tăng đường huyết.
4.4 Hạn chế uống rượu, bia
Uống nhiều bia rượu có thể làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, từ đó làm tăng đường huyết. Hơn nữa, uống rượu, bia thường xuyên có thể gây tăng cân và bệnh sẽ khó kiểm soát hơn.
4.5 Không bỏ bữa
Không nên bỏ bữa vì bỏ bữa thường xuyên sẽ dẫn tới việc ăn vặt và ăn quá nhiều vào bữa tiếp theo. Do đó, người bệnh tiểu đường tuýp 2 cần ăn uống điều độ, đúng giờ, không để quá đói nhưng cũng không ăn quá no. Nên chia nhỏ bữa ăn (ít nhất 4 bữa/ngày).
Ngoài việc quan tâm đến chế độ ăn uống, người bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng cần có chế độ tập luyện hợp lý. Chỉ cần những hoạt động đơn giản như làm vườn, đi cầu thang hoặc đi bộ 20 phút mỗi ngày cũng có thể giúp bạn tăng cường chuyển hóa và đốt cháy calo, giúp kiểm soát cân nặng và cải thiện đường huyết, giảm đề kháng insulin và bảo vệ tim mạch.
Lưu ý: Để có chế độ ăn uống phù hợp, người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời tư vấn tốt nhất.