Chờ...

Bệnh tiểu đường là gì và tất tần tật những điều bạn cần biết?

( VOH ) - Với tình trạng bệnh tiểu đường gia tăng một cách chóng mặt, mỗi người chúng ta cần hiểu rõ tiểu đường là gì, nguyên nhân, cách chữa và phòng bệnh ra sao để có hướng xử lý đúng đắn.

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường, là một bệnh nội tiết chuyển hóa mạn tính, có yếu tố di truyền. Bệnh tiểu đường đặc trưng bởi sự tăng đường huyết, nguyên nhân chính là do thiếu insulin tuyệt đối hoặc tương đối dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường, đạm, mỡ và các chất khoáng.

Dự tính đến năm 2030, cả thế giới sẽ có hơn 500 triệu người mắc bệnh tiểu đường và chiếm đến 80% gánh nặng y tế ở các nước thu nhập trung bình – thấp.

Bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2, là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù lòa, chạy thận nhân tạo và đoạn chi ở bệnh nhân trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tiểu đường cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Chính vì thế, việc tìm hiểu về bệnh tiểu đường là cần thiết đối với bất kỳ ai, kể cả những người đang khỏe mạnh hoàn toàn.

benh-tieu-duong-tat-tan-tat-nhung-dieu-ban-muon-biet-voh-1

Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không? (Nguồn: Internet)

2. Bệnh tiểu đường có những loại nào?

Bệnh tiểu đường có 3 loại chính là tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tiểu đường thai kỳ.

2.1 Bệnh tiểu đường tuýp 1 (đái tháo đường tuýp 1)

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là chứng rối loạn tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào tuyến tụy thay vì các yếu tố bên ngoài. Điều này sẽ gây ra sự thiếu hụt insulin và tăng đường huyết.

Tiểu đường tuýp 1 thường gặp ở những người có độ tuổi khá trẻ, chủ yếu là trẻ nhỏ hay tuổi vị thành niên. Bệnh tiểu đường tuýp 1 không liên quan gì đến lối sống như ăn quá nhiều đường, không tập thể thường xuyên hay bị béo phì…mà các bác sĩ cho rằng loại tiểu đường này có liên quan đến yếu tố di truyền.

2.2 Bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là loại tiểu đường phổ biến nhất, chiếm 90 – 95% tổng số bệnh nhân tiểu đường. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, nhưng do tỷ lệ béo phì ngày càng cao nên ngày nay nhiều trường hợp bệnh được phát hiện ở tuổi vị thành niên và người trẻ tuổi.

Khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, các tế bào của bạn trở nên đề kháng với insulin và tuyến tụy không thể tạo ra đủ lượng insulin để vượt qua sự đề kháng này. Thay vì di chuyển vào các tế bào để tạo ra năng lượng thì nó sẽ tích tụ lại trong máu của bạn.

Không xác định được lý do tại sao nhưng các bác sĩ tin rằng yếu tố di truyền và lối sống có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2.

2.3 Bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ là một loại tiểu đường chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai, loại bệnh này có thể gây ra các vấn đề cho cả mẹ và bé nếu không được điều trị. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi chuyển dạ.

Ngoài ra, có các loại tiểu đường khác ít gặp hơn, nguyên nhân có thể đến từ hội chứng di truyền, phẫu thuật, thuốc, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng hoặc khi mắc các bệnh lý khác.

3. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường

3.1 Các yếu tố nguyên nhân gây bệnh mà không tác động được

  • Yếu tố di truyền.
  • Các bệnh lý của tụy gây ảnh hưởng đến nội tiết như sỏi tụy, u tụy, xơ tụy, viêm tụy mạn,…
  • Do bệnh lý ở gan: Gan nhiễm sắt, xơ gan,…dẫn đến đề kháng insulin.
  • Do một số bệnh nội tiết: Tăng tiết GH (STH) sau tuổi dậy thì, cường sản hoặc u tủy thượng thận sẽ làm tăng tiết cathecolamin, cường sản hoặc khối u tế bào anpha đảo Langerhans làm tăng tiết hormone, tăng đường huyết.
  • Tiểu đường do thuốc: Do điều trị bằng corticoid kéo dài, dùng các thuốc lợi tiểu thải muối kéo dài gây mất kali. Ngoài ra, một số phụ nữ dùng thuốc tránh thai có xuất hiện tăng đường máu, tuy nhiên cơ chế chưa rõ ràng.

3.2 Các yếu tố nguyên nhân gây bệnh có thể tác động

  • Tuổi: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng tăng.
  • Béo phì cùng lối sống lười vận động: Dư thừa calo gây nên sự mất cân đối calo với hoạt động của cơ thể, điều này ép tụy sản xuất insulin nhiều hơn. Thời gian dài sẽ gây suy yếu và mất dần khả năng sản xuất insulin.
  • Tăng huyết áp vô căn.
  • Rối loạn dung nạp đường hoặc rối loạn chuyển hóa đạm, mỡ.
  • Phụ nữ có tiền sử bệnh tiểu đường thai kỳ, sinh con to trên 4kg hoặc thiếu cân dưới 2.5kg.

4. Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường

Bạn có thể nhận biết bệnh tiểu đường qua những triệu chứng dưới đây:

4.1 Tiểu nhiều

Glucose niệu kéo theo lợi niệu thẩm thấu làm tăng lượng nước tiểu nên bệnh nhân tiểu đường thường xuyên mắc tiểu hơn người bình thường. Lượng nước tiểu thường từ 3 – 4 lít hoặc hơn trong 24 giờ. Nước tiểu trong và khi khô thường để lại vết bẩn hoặc mảng trắng.

Ngoài ra, tiểu dầm ban đêm do đa niệu có thể là dấu hiệu khởi phát của bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ.

4.2 Ăn nhiều

Cơ thể không thể sử dụng đường để cung cấp năng lượng làm cho bệnh nhân tiểu đường dễ đói, có thể đói chỉ sau bữa ăn một thời gian ngắn.

4.3 Uống nhiều

Mất nước làm kích hoạt trung tâm khát ở vùng hạ đồi khiến bệnh nhân có cảm giác khát và uống nước liên tục.

4.4 Gầy ốm

Dù ăn uống nhiều hơn bình thường nhưng do cơ thể không sử dụng glucose để tạo năng lượng nên buộc phải tăng cường thoái hóa lipid và protid để bù trừ, làm cho bệnh nhân sụt cân, người gầy ốm, xanh xao.

Với những bệnh nhân tiểu đường loại 2 thường không có bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn đầu vì bệnh thường chẩn đoán muộn khoảng 7 – 10 năm (chỉ có cách kiểm tra đường máu cho phép chẩn đoán được giai đoạn này.

Ngoài ra, bạn cũng có thể có hoặc không có triệu chứng khác như:

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Mờ mắt.
  • Nhiễm trùng âm đạo thường xuyên ở phụ nữ.
  • Nhiễm nấm men hoặc nấm candida.
  • Khô miệng.
  • Chậm lành vết loét hoặc vết cắt.
  • Ngứa da, đặc biệt là ở bẹn hoặc khu vực âm đạo.

5. Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Biến chứng tiểu đường có thể xảy ra gồm:

5.1 Bệnh tim mạch

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch gồm bệnh động mạch vành kèm đau ngực, đau tim, đột quỵ và hẹp động mạch (xơ vữa động mạch).

5.2 Tổn thương thần kinh

Mức đường dư có thể làm tổn thương các thành mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng dây thần kinh, đặc biệt là ở chân. Điều này có thể gây ngứa, tê, rát hoặc đau thường bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc ngón tay và dần dần lan rộng lên trên. Nếu không được điều trị, bạn có thể mất cảm giác hoàn toàn ở chân tay.

Tổn thương các dây thần kinh liên quan đến tiêu hóa có thể gây ra vấn đề với buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón. Đối với nam giới, bệnh có thể dẫn đến rối loạn cương dương.

5.3 Tổn thương thận

Thận chứa hàng triệu cụm mạch máu nhỏ (tiểu cầu) để lọc chất thải ra khỏi máu của bạn. Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng hệ thống lọc tinh tế này. Tổn thương thận nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận, người bệnh có khả năng phải chạy thận hoặc ghép thận.

5.4 Tổn thương mắt (bệnh võng mạc)

Bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các mạch máu của võng mạc (bệnh võng mạc tiểu đường), có khả năng dẫn đến mù lòa. Bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc nghiêm trọng khác như đục thủy tinh thể và bệnh tăng nhãn áp.

5.5 Các tình trạng da

Bệnh tiểu đường có thể khiến bạn dễ bị các vấn đề về da hơn, bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm.

5.6 Khiếm thính

Các vấn đề thính giác thường gặp hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường.

5.7 Bệnh Alzheimer

Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

5.8 Biến chứng ở tiểu đường thai kỳ

benh-tieu-duong-tat-tan-tat-nhung-dieu-ban-muon-biet-voh-2

Tiểu đường thai kỳ nếu không chữa trị có thể gây biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Hầu hết phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ đều sinh con khỏe mạnh, tuy nhiên lượng đường trong máu không được điều trị hoặc không kiểm soát có thể gây ra các vấn đề cho cả mẹ và con.

Đối với thai nhi, có thể phát triển hơn so với tuổi, có lượng đường trong máu thấp ngay sau khi sinh. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc nguy hiểm hơn có thể tử vong sau sinh.

Đối với thai phụ, có thể bị tiền sản giật hoặc mắc tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai tiếp theo.

6. Những phương pháp điều trị bệnh tiểu đường

Chẩn đoán bệnh tiểu đường không khó nhưng điều trị bệnh hết sức khó khăn. Ước tính chỉ khoảng 30% bệnh nhân tiểu đường đạt được mục tiêu điều trị và kiểm soát tốt đường huyết.

Bạn có thể tham khảo một số biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường sau:

  • Đối với tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, bạn cần quan tâm đến chế độ ăn uống để kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên bằng dụng cụ đo đường huyết tại nhà và cẩn trọng với các dấu hiệu cho thấy mức độ đường trong máu quá thấp hoặc quá cao. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn tiêm insulin, do đó bạn có thể tự tiêm ở nhà.
  • Các bác sĩ điều trị sẽ giới thiệu các bài tập thể dục để giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn.
  • Bạn cũng cần kiểm tra bàn chân và mắt thường xuyên để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Lưu ý: Tuy có nhiều thuốc chữa bệnh tiểu đường nhưng để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa biến chứng hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết và tuân thủ điều trị của bạn.

7. Cách phòng tránh bệnh tiểu đường

Tiểu đường được coi là bệnh giết người thầm lặng, có liên quan nhiều tới lối sống. Vì thế, để phòng bệnh tiểu đường bạn cần:

benh-tieu-duong-tat-tan-tat-nhung-dieu-ban-muon-biet-voh-3

Người bệnh tiểu đường nên bổ sung nhiều chất xơ để dễ kiểm soát bệnh (Nguồn: Internet)

7.1 Hạn chế đường trong chế độ ăn uống

Đường, đồ uống nhân tạo, thực phẩm chế biến sẵn là kẻ thù của sức khỏe. Những thực phẩm này không chỉ khiến bạn béo phì mà còn cản trở insulin hoạt động.

7.2 Luyện tập

Bạn chỉ có thể kiểm soát bệnh nếu từ bỏ lối sống lười vận động, thay vào đó là tập luyện hàng ngày. Hãy bắt đầu bằng việc đi bộ mỗi ngày 2 lần và tăng dần.

7.3 Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn

Hãy bổ sung những loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như hoa quả và rau củ, thịt gà,… Trên thực tế, chất xơ trong thực phẩm có thể làm chậm quá trình giải phóng glucose khỏi thực phẩm.

7.4 Theo dõi đường huyết

Bạn nên kiểm tra đường huyết thường xuyên, đặc biệt khi đói. Tham khảo ý kiến bác sĩ và kiểm tra định kỳ.

Bình luận