Giải đáp: Ăn nhiều đồ ngọt có mắc bệnh tiểu đường không?

( VOH ) - Nhiều người nghĩ rằng đồ ngọt là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tiểu đường. Suy nghĩ này có thật sự đúng hay không?

Để có câu trả lời chính xác, hãy cùng lắng nghe những lời chia sẻ của bác sĩ Lương Lễ Hoàng về đề tài Ai dễ mắc bệnh tiểu đường? trong chuyên mục Sức khỏe là số 1, phát sóng trên VOH Radio – Đài tiếng nói nhân dân TPHCM.

1. Mối liên hệ giữa đồ ngọt và bệnh tiểu đường

Ngày nay, không ít người cho rằng, ăn quá nhiều đường hay thức ăn ngọt sẽ “rước” ngay bệnh tiểu đường vào người. Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng, điều này hoàn toàn không đúng.

Thực tế, lạm dụng đồ ngọt sẽ mắc bệnh tiểu đường là không sai. Vì theo thống kê, nhóm người mắc bệnh tiểu đường đa phần là do họ lạm dụng đường và bánh ngọt. Tuy nhiên, đó là do họ sử dụng đồ ngọt không đúng cách.

giai-dap-an-nhieu-do-ngot-co-mac-benh-tieu-duong-khong-voh-1

Không phải nhất thiết cứ ăn nhiều đường là mắc bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

Bác sĩ cho biết, cơ thể chúng ta cần chất đường để làm năng lượng. Não hoạt động tùy thuộc hoàn toàn vào đường glucose.

Người bị tiểu đường là do cơ thể không sử dụng được lượng đường glucose để tạo năng lượng nên đường tăng cao trong máu.

Do đó, nếu chúng ta sử dụng đường nhưng hoạt chất đường nạp vào cơ thể thì chúng ta hoàn toàn không mắc bệnh tiểu đường.

Như vậy, chúng ta không nên suy nghĩ ăn đường nhiều sẽ mắc bệnh tiểu đường rồi loại bỏ luôn đường ra khỏi thực đơn dinh dưỡng hàng ngày. Chúng ta cần hiểu đúng nguyên nhân mắc bệnh tiểu đường do đâu để từ đó có những cách phòng tránh phù hợp.

2. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng cho biết, nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh tiểu đường đó là do:

giai-dap-an-nhieu-do-ngot-co-mac-benh-tieu-duong-khong-voh-2

Những người béo phì có nguy cơ bị tiểu đường cao (Nguồn: Internet)

  • Yếu tố di truyền.
  • Béo phì.
  • Ít hoạt động.

Đối với những người khỏe mạnh, khi ăn thức ăn giàu tinh bột sẽ làm đường trong máu tăng cao sau khi ăn, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều insulin để đưa đường glucose từ máu vào tế bào và luôn giữ lượng đường trong máu ổn định.

Khi insulin tiết ra không đủ hay tác dụng insulin bị giảm thì lượng đường trong máu mới tăng cao, gây ra bệnh tiểu đường.

Như vậy, đường không phải là tác nhân gây nên bệnh tiểu đường.

Nhưng bạn cần lưu ý ăn quá nhiều đường và các loại thức uống ngọt sẽ rất dễ bị thừa cân hay béo phì. Lúc này, dù insulin được tiết ra đủ nhưng sẽ bị giảm tác dụng do chứng béo phì làm cho tế bào cơ thể bị “chai lì” với insulin.

Đó là nguyên nhân làm cho đường glucose trong máu không được chuyển thành năng lượng cho cơ thể, vì thế mà đường tăng cao trong máu.

3. Những đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường

Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng, trước đây người ta cho biết bệnh tiểu đường thường gặp ở những người lớn tuổi do tụy tạng suy yếu.

Tuy nhiên, ngày nay bệnh nhân tiểu đường ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân là do:

  • Người trẻ lạm dụng các loại thuốc.
  • Người trẻ thường xuyên sử dụng các loại nước uống công nghiệp, điển hình là các loại nước uống tăng lực.
  • Do các bạn trẻ ngày nay có cuộc sống bận rộn, làm nhiều, bị stress trong công việc, thường xuyên mang công việc về nhà và làm đến khuya,…Điều này sẽ làm tụy tạng ngày càng suy yếu và có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao.

Nhìn chung, trước đây bệnh tiểu đường thường gặp ở nhóm người có độ tuổi trên 50. Tuy nhiên, ngày nay số lượng bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường dễ gặp ở độ tuổi 45 – 50.

Do đó, các bạn trẻ nếu không có lối sống khoa học và ăn uống lành mạnh sẽ khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong tương lai.

Để nghe chi tiết hơn các chia sẻ của bác sĩ Lương Lễ Hoàng về vấn đề có phải ăn đường nhiều thì mắc bệnh tiểu đường? bạn có thể nhấp vào audio bên dưới: