7 yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường

(VOH) – Bệnh tiểu đường là căn bệnh rất thường gặp, tuy được cảnh báo là bệnh nguy hiểm, song bệnh tiểu đường chỉ được hình thành khi có ‘điều kiện’. Vậy yếu tố nào làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường?

Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng, mặc dù bệnh tiểu đường được xem là “căn bệnh của thế kỷ” tuy nhiên không phải trong cùng một điều kiện tất cả mọi người đều sẽ bị bệnh tiểu đường, mà căn bệnh này chỉ được hình thành khi có những điều kiện thuận lợi.

1. Những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường

Ngoài nguyên nhân do bẩm sinh thì bác sĩ Lương Lễ Hoàng cho biết, có đến 7 yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường. Đó là:

1.1 Lạm dụng các loại thuốc

7-yeu-to-nguy-co-gay-benh-tieu-duong-voh

Lạm dụng thuốc dễ bị bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

Một số loại thuốc có thể dẫn đến tình trạng tăng đường huyết, điển hình nhất là các loại thuốc giảm đau, kháng viêm và đặc biệt nhất là thuốc an thần. Việc lạm dụng các loại thuốc ngủ, thuốc giảm đau hay thậm chí là các loại thuốc kháng viêm sẽ khiến cho tuyến thượng thận hoạt động nhiều và điều này sẽ dẫn đến tình trạng tăng đường huyết, lâu dần sẽ hình thành nên bệnh tiểu đường.

Tổ chức Y tế luôn cảnh báo tình trạng lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và một trong số đó chính là biến chứng bệnh tiểu đường.

1.2 Mất ngủ

7-yeu-to-nguy-co-gay-benh-tieu-duong-1-voh

Mất ngủ gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe (Nguồn: Internet)

Mất ngủ, ngủ không đủ giấc cũng là một trong những yếu tố khiến bệnh tiểu đường tìm đến “gõ cửa”.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng cho biết, nếu bạn thường xuyên bị mất ngủ thì khả năng bị bệnh tiểu đường sẽ cao hơn so với việc bạn ăn một bữa ăn nhiều chất ngọt. Nguyên nhân là do chất ngọt khi vào cơ thể sẽ được tụy tạng tiếp nhận, sau đó tiết ra insulin để đưa lượng đường huyết về định mức bình thường. Nhưng nếu bạn thức quá khuya, dậy quá sớm thường xuyên thì tụy tạng sẽ phải làm việc quá tải dẫn đến không hiệu quả, khiến lượng đường trong máu tăng lên một cách không được kiểm soát.

1.3 Thường xuyên bị stress

7-yeu-to-nguy-co-gay-benh-tieu-duong-2-voh

Stress dễ dẫn đến tăng đường huyết (Nguồn: Internet)

Stress tồn tại trong cơ thể dù ở dạng nào cũng đều đưa đến tình trạng tăng đường huyết. Nhiều nghiên cứu cho thấy, yếu tố stress có thể khiến đường huyết tăng lên một cách đột biến, bởi tụy tạng mất khả năng hoạt động.

1.4 Tăng mỡ máu

7-yeu-to-nguy-co-gay-benh-tieu-duong-3-voh

Tăng mỡ máu ở người gầy dễ chuyển sang bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

Tăng mỡ máu là bệnh lý không chỉ xuất hiện ở người bị thừa cân, béo phì mà còn gặp ở những người gầy ốm. Hơn thế, những người gầy ốm bị tăng mỡ máu lại chính là “ứng viên” của bệnh tiểu đường, nguyên nhân là do cơ thể sẽ tự tổng hợp chất béo xấu triglycerides gây xơ vữa mạch máu, đồng thời chất triglycerides cũng sẽ khiến tụy tạng tạo ra insulin không hoạt tính, khiến cho cơ thể vừa bị tăng mỡ máu vừa bị bệnh tiểu đường và còn dễ gặp phải nhiều biến chứng khác.

1.5 Rối loạn chức năng gan

7-yeu-to-nguy-co-gay-benh-tieu-duong-4-voh

Rối loạn chức năng gan là căn bệnh thường xuyên “đồng hành” với bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

Những người bị béo phì thừa cân cũng là đối tượng rất dễ bị bệnh tiểu đường bởi người béo phì thường có chức năng gan không tốt. Người ta cũng ghi nhận, căn bệnh thường xuyên “đồng hành” với bệnh tiểu đường chính là rối loạn chức năng gan. Khi chức năng gan bị rối loạn sẽ khiến tế bào gan bị phá vỡ, tăng men gan… và tất cả những yếu tố đó chính là “đòn bẩy” khiến cho đường huyết không ổn định, thậm chí là sẽ bị bệnh tiểu đường.

1.6 Cao huyết áp

7-yeu-to-nguy-co-gay-benh-tieu-duong-5-voh

Người bị cao huyết áp dễ mắc bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ sĩ Lương Lễ Hoàng, người bị cao huyết áp nhưng không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả chính là nhóm đối tượng tiếp theo làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường.

1.7 Người ít vận động

7-yeu-to-nguy-co-gay-benh-tieu-duong-6-voh

Lười vận động là nguyên nhân thường gặp gây bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

Bệnh tiểu đường thường ưu tiên cho những đối tượng ít vận động, chẳng hạn như: không luyện tập thể dục thể thao, ngồi một chỗ quá lâu và đặc biệt là những người không vận động sau bữa ăn.

Thông thường, lượng đường trong máu muốn giảm xuống thì nó cần phải được đưa vào bắp thịt dưới tác động của insulin để sinh ra năng lượng cần thiết cho các hoạt động của cơ thể. Khi lượng đường không đi vào bắp thịt mà vào trong máu sẽ khiến bạn bị rối loạn chức năng tư duy (đãng trí, mất khả năng phán đoán), mất ngủ và dễ bị trầm uất.

Nhiều nghiên cứu ghi nhận, người ít vận động thì lượng đường huyết sẽ ở trong máu lâu hơn và điều này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, với những người vận động thái quá, vận động ngay cả lúc cơ thể đang mệt mỏi, khi đang quá căng thẳng... mà còn lựa chọn những môn thể thao đối kháng thì vô tình bạn sẽ khiến việc vận động trở thành một dạng khác của stress và cũng dễ đưa đến bệnh tiểu đường.

Như vậy, tất cả những yếu tố trên khi được con người tạo điều kiện sẽ dễ dàng hình thành và trở thành “đòn bẩy” để bệnh tiểu đường “gõ cửa” nhanh hơn.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ tại audio bên dưới: