Chờ...

10 cách tránh các biến chứng bệnh tiểu đường - bệnh đái tháo đường

(VOH) - Bệnh nhân tiểu đường (đái tháo đường) tại Việt Nam được đánh giá trong nhóm nước tăng nhanh nhất thế giới. Sau đây là cách tránh biến chứng bệnh tiểu đường giúp mọi người có thể phòng ngừa.

Theo thống kê năm 2017, cứ 100 người thì có hơn 7 người mắc bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường, trong đó có 65% chưa được chẩn đoán. 

Triệu chứng của bệnh tiểu đường, đái tháo đường : 4 nhiều

  •  Ăn nhiều
  • Uống nhiều
  • Tiểu nhiều
  • Sụt cân nhiều

Biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường

50% bệnh nhân bệnh tiểu đường khi có triệu chứng, đến khám lần đầu tiên thì đã xuất hiện những biến chứng mạn tính như biến chứng tim, thận, mắt, mạch máu, não, chi.

Biến chứng của bệnh tiểu đường

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường (Ảnh: Death to Diabetes)

“Ngay thời điểm bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thì trước đó 10-15 năm đã bắt đầu có biến chứng. Những biến chứng rất nhỏ như thay đổi của mạch máu, từng tế bào nên không nhận biết được. Lúc phát hiện ra thì đã muộn”, bác sĩ Nguyễn Xuân Thắng (Nội tổng quát – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cảnh báo.  

Đái tháo đường tác động lên 4 cơ quan chính của cơ thể: mắt, tim mạch, thận, thần kinh, những biến chứng này xuất hiện và tác động cùng lúc.

Thận được ví như “nhà máy lọc” của cơ thể, giúp giữ lại những chất có lợi, đào thải chất độc hại. Bệnh tiểu đường sẽ làm tổn hại đến những màng lọc, từ đó những chất độc hại không được thải ra ngoài mà tích trữ trong cơ thể.

Thần kinh là cơ quan trung ương cảm giác, cảm xúc, biến chứng thần kinh làm cho bệnh nhân luôn bị tê tay chân, giảm cảm giác. Xuất hiện các triệu chứng dị cảm như không có cảm giác khi nhúng tay vào nước nóng.

Tác động đến đáy mắt, tăng sinh những mạch máu gây ra phù mạch và dẫn đến xuất huyết trong đáy mắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị giác.

Tim và mạch máu, trước khi máu được bơm ra từ động mạch chính để nuôi cơ thể thì sẽ đi qua động mạch vành. Khi đường huyết cao dẫn đến rối loạn chuyển hóa mỡ lipit, dẫn đến xơ vữa và làm hẹp lòng mạch, máu nuôi tim sẽ ít đi. Lâu dần, sẽ dẫn đến thiếu máu cơ tim và trầm trọng nhất là nhồi máu cơ tim.

1. Đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo nên kiểm tra phát hiện sớm ĐTĐ ở mọi người dân trên 45 tuổi

* Người trên 45 tuổi

* Người dưới 45 tuổi có một trong những yếu tố sau:

   - Dư cân, béo phì (BMI >25) hay vòng bụng nam >90cm, nữ >80cm

   - Có bệnh lý về tăng huyết áp

   - Rối loạn chuyển hóa mỡ

   - Đã được chẩn đoán tiền đái tháo đường trước đó

   - Phụ nữ sinh con to (CNLS >4kg) hoặc tiểu đường thai kỳ

   - Hội chứng buồng trứng đa nang

   - Lối sống ít vận động, gia đình có người bệnh ĐTĐ

2. Dinh dưỡng hợp lý ngừa đái tháo đường

Đầu tiên, cần luyện tập thói quen ăn uống, dinh dưỡng hợp lý và sinh hoạt lành mạnh.

* Ăn đủ và cân đối: năng lượng – các chất dinh dưỡng phù hợp với thể trạng, giới tính, tình trạng, sinh lý, mức độ lao động, hoạt động thể lực.

* Phối hợp nhiều loại thực phẩm, đa dạng các chất dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Người tiểu đường nên ưu tiên ăn các loại thức ăn có nguồn gốc thực vật

Người tiểu đường nên ưu tiên ăn các loại thức ăn có nguồn gốc thực vật (Ảnh: Men's Fitness)

* Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

* Không ăn mặn, hạn chế không sử dụng quá 5g muối/ ngày.

* Uống đủ nước, hạn chế bia rượu.

* Đồng thời kết hợp cùng vận động thể lực: nên tập thể thao thường xuyên và điều độ ít nhất 5 lần/tuần, mỗi lần 30-60 phút.

Dưới đây là 10 khuyến cáo được các chuyên gia đái tháo đường từ Myo Clinic (Hoa Kỳ) đưa ra nhằm giúp người bệnh phòng tránh các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra:

1. Kiểm soát đường huyết tốt

2. Không hút thuốc lá

3. Kiểm soát huyết áp và cholesterol

4. Khám sức khỏe hàng năm và khám mắt thường xuyên

5. Tiêm ngừa các vaccine cần thiết: cúm, viêm gan siêu vi B, viêm phổi

6. Chăm sóc răng thường xuyên

7. Chăm sóc đôi chân hàng ngày

8. Sử dụng Aspirin hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ

9. Hạn chế uống rượu

10. Kiểm soát stress.