Chờ...

Hướng dẫn cách bổ sung vitamin A từ thực phẩm và thuốc bổ sung

(VOH) – Vitamin A là vitamin quen thuộc và cần được bổ sung đầy đủ, đặc biệt là trẻ em. Vitamin A có trong thực phẩm, nhưng bạn cũng có thể bổ sung vitamin A qua chế phẩm với liều lượng phù hợp.

Vitamin A nằm trong nhóm vitamin tan trong chất béo, có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện các vấn đề về giác mạc, thị giác, tăng sức đề kháng phát triển xương... Thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề mắt, tức là mắt không còn sáng, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

1. Bổ sung vitamin A trong những trường hợp nào?

Cơ thể con người có thể được cung cấp vitamin A mỗi ngày thông qua chế độ ăn uống giàu vitamin A. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt vitamin A vẫn xảy ra, nhất là ở trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú.

bo-sung-vitamin-a-voh-0
Trẻ em là một trong những nhóm đối tượng rất dễ thiếu vitamin A (Nguồn: Internet)

Dưới đây là những trường hợp cần phải sử dụng vitamin A dạng liều cao:

  • Những người bị suy dinh dưỡng, đái tháo đường, bệnh u xơ nang...
  • Người bệnh bạch sản niêm vùng miệng
  • Bị tiêu chảy sau sinh
  • Phụ nữ trong và sau giai đoạn mang thai
  • Người có các bệnh lý về mắt
  • Ung thư cổ tử cung

Đặc biệt trẻ em chính là đối tượng rất dễ thiếu vitamin A, bởi đối với trẻ nhu cầu bổ sung vitamin A nhiều hơn người lớn rất nhiều. Hơn nữa, bổ sung vitamin A cho trẻ cũng là cách giúp làm giảm nguy cơ tử vong hoặc nguy cơ xảy ra biến chứng của bệnh sởi.

Xem thêm: Nhận diện các dấu hiệu thiếu vitamin A và các cách bổ sung an toàn, hiệu quả

2. Cơ thể cần bổ sung bao nhiêu vitamin A mỗi ngày?

Cũng giống các loại vitamin khác, nhu cầu bổ sung vitamin A sẽ có sự khác biệt dựa vào độ tuổi. Cụ thể như sau:

  • Trẻ từ 1 tới 3 tuổi: 300 mcg/ngày
  • Trẻ từ 4 tới 8 tuổi: 400 mcg/ngày
  • Trẻ từ 9 tới 13 tuổi: 600 mcg/ngày
  • Nam giới 14 tuổi trở lên: 900 mcg/ngày
  • Nữ giới 14 trở lên: 700 mcg/ngày
  • Phụ nữ mang thai (từ 19 tuổi trở lên) 770 mcg/ngày
  • Phụ nữ cho con bú (từ 19 tuổi trở lên): 1.300 mcg / ngày

Giới hạn liều vitamin A bổ sung an toàn (tính theo microgam (mcg))

  • Trẻ dưới 3 tuổi: không quá 600 mcg/ngày
  • Trẻ từ 4 - 8 tuổi: không quá 900 mcg/ngày
  • Trẻ từ 9 - 13 tuổi: không quá 1.700 mcg/ngày
  • Trẻ từ 14 tới 18 tuổi: không quá 2.800 mcg/ngày
  • Người từ 19 tuổi trở lên: không quá 3.000 mcg/ngày

Lưu ý: Giới hạn trên không áp dụng với vitamin A còn ở dạng tiền chất beta-carotene.

3. Những cách bổ sung vitamin A cho cơ thể

Vitamin A có thể được bổ sung vào cơ thể thông qua 2 cách, đó là chế độ ăn uống và sử dụng thuốc bổ sung vitamin A.

3.1 Thực phẩm bổ sung vitamin a

Phần lớn các thực phẩm tự nhiên đều có chứa vitamin A và vitamin A cũng được chia ra làm 2 loại: vitamin A từ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và vitamin A từ thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, được gọi là beta caroten (tiền chất của vitamin A).

bo-sung-vitamin-a-voh-1
Vitamin A có thể bổ sung thông qua nhiều loại thực phẩm (Nguồn: Internet)

Những thực phẩm giàu vitamin A có nguồn gốc từ động vật bao gồm: gan gà, hoặc gan heo, gan bò... Những thực phẩm này thường chứa hàm lượng vitamin A rất cao, từ 5000 cho đến khoảng gần 7000 microgam trên 100g thực phẩm. Ngoài ra, các loại thức ăn, thực phẩm khác như: lươn, trứng gà, trứng vịt, bơ hoặc trong các loại sữa thì lượng vitamin A cũng đều khá cao.

Với beta caroten (tiền chất của vitamin A) thì thường có nhiều trong những thực phẩm có màu vàng, màu cam, màu đỏ hoặc là những loại rau có màu xanh đậm.

Khi sử dụng những thực phẩm giàu vitamin A trong chế biến bữa ăn bạn nên bổ sung thêm chất béo. Chất béo có thể sử dụng là dầu thực vật hoặc các loại mỡ động vật như mỡ heo, mỡ cá để giúp làm tăng hấp thu vitamin A hoặc beta caroten trong thực phẩm.

Xem thêm: Mách bạn 15 thực phẩm giàu vitamin A nhất nên có trong bữa ăn hàng ngày

3.2 Thuốc bổ sung vitamin A

Ngoài bổ sung vitamin bằng thực phẩm, bạn có thể sử dụng thuốc bổ sung vitamin A. Các viên uống bổ sung vitamin A thường có chứa hàm lượng lớn hoạt chất, vì thế bạn cần uống đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ hoặc chỉ dẫn trên dán nhãn.

Vitamin A thường ở dạng viên nang hoặc viên nén, có thể uống nuốt bình thường sau khi ăn. Còn vitamin A dạng lỏng thì cần dùng thìa đo, cốc đo chuyên dụng để cân liều dùng, không dùng thìa ăn.

Việc bổ sung nhiều hơn hoặc ít hơn liều lượng vitamin A được chỉ định đều sẽ không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, vitamin A cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp và tránh độ ẩm quá cao. Đọc kỹ cách bảo quản sản phẩm vitamin A được ghi trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Không sử dụng vitamin A đã quá hạn, hãy loại bỏ đúng cách, không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước.

3.3 Những trường hợp cần bổ sung vitamin A liều cao

Nhằm phòng chống tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng. Mỗi năm, ngành Y tế tổ chức 2 đợt uống vitamin A vào ngày 1 – 2 tháng 6, và ngày 1 – 2 tháng 12 cho các trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú sữa mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A. Liều lượng bổ sung như sau:

  • Trẻ dưới 6 tháng, không có sữa mẹ: uống 50.000 đơn vị.
  • Trẻ từ 6 – 12 tháng: uống 100.000 đơn vị.
  • Trẻ từ 12 – 36 tháng tuổi: uống 200.000 đơn vị.
  • Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A: liều bổ sung theo độ tuổi.
  • Phụ nữ trong vòng 1 tháng sau sinh: uống 200.000 đơn vị.

Như vậy, việc bổ sung vitamin A có thể được thực hiện bằng cách ăn những thực phẩm giàu vitamin A hoặc sử dụng thuốc bổ sung vitamin A. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn không bị thiếu hụt dưỡng chất này bạn chỉ cần đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong ăn uống là đủ. Việc bổ sung vitamin A bằng thuốc cần phải tham khảo thêm ý kiến bác sĩ vì nếu dùng quá nhiều bạn có thể gặp phải tình trạng thừa vitamin A.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: