Cùng với rất nhiều loại vitamin khác, vitamin A cũng là một loại vitamin không thể thiếu trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể con người.
1. Vitamin A là gì?
Vitamin A (tên khoa học là 3 – Dehydroretinol) là một vi chất không tan trong nước mà tan trong dầu. Cơ thể muốn hấp thu vitamin A còn phải có sự tham gia của khoáng chất và lipit.
Vitamin A tồn tại dưới hai dạng: vitamin A đã chuyển hóa và tiền vitamin A (beta caroten).
- Vitamin A chuyển hóa là dạng mà khi vào cơ thể sẽ được sử dụng ngay, không cần biến đổi. Vitamin A chuyển hóa bao gồm các chất retinol, retinal và retinoic axit.
- Tiền chất vitamin A được gọi là các carotenoid, gồm một nhóm các chất hóa học có màu vàng hoặc màu cam được tìm thấy trong thực vật, một số trong đó qua quá trình chuyển hóa trong cơ thể con người tạo ra dạng hoạt động của vitamin A. Tiền vitamin A bao gồm alpha - carotene, beta - carotene và beta - cryptoxanthin.
Vitamin A có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ thể, vì nó hỗ trợ tăng trưởng tế bào, chức năng miễn dịch, sự phát triển thai nhi, các vấn đề về thị lực và sức khỏe đôi mắt. Ngoài ra, vitamin còn giúp duy trì các mô bề mặt như da, ruột, phổi và bàng quang.
2. Tác dụng của vitamin A đối với cơ thể
Nhìn chung, vitamin A rất có lợi đối với cơ thể, một số tác dụng của vitamin A có thể kể đến như:
2.1 Tốt cho mắt
Ở dạng bán kích hoạt, vitamin A giúp đảm bảo thị giác của con người. Trong mắt chúng ta, võng mạc là thành phần quan trọng giúp hình thành rhodopsin – một protein thụ thể nhạy cảm với ánh sáng. Thiếu vitamin A sẽ dẫn đến tình trạng mắt kém thích nghi với bóng tối (bệnh quáng gà) nếu không được điều trị có thể gây mù lòa vĩnh viễn.
Ngoài ra, beta caroten được tìm thấy trong thực vật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, nguyên nhân gây mù lòa có liên quan đến tuổi tác.
2.2 Duy trì cấu trúc biểu mô, tế bào
Vitamin A có khả năng duy trì cấu trúc bình thường của biểu mô, sự bền vững của màng tế bào, đặc biệt là các tế bào niêm mạc non. Ngoài ra, vitamin A có tác dụng giúp làm tăng tiết chất nhầy và ức chế sự sừng hóa.
2.3 Liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu vitamin A liên quan chặt chẽ với việc thiếu máu do thiếu sắt. Nhiều nghiên cứu cho rằng, thiếu vitamin A có thể đã gây cản trở hấp thụ, vận chuyển, dự trữ sắt trong cơ thể, từ đó dẫn đến bệnh thiếu máu, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai.
2.4 Hỗ trợ hệ miễn dịch
Một trong những công dụng của vitamin A là giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Vitamin A tham gia vào việc tạo ra các tế bào nhất định, bao gồm cả tế bào B và tế bào T, đóng vai trò trung tâm trong các phản ứng miễn dịch bảo vệ chống lại bệnh tật. Thiếu hụt vitamin A có thể tăng cao nguy cơ nhiễm trùng và gây suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể.
2.5 Kìm hãm gốc tự do
Các carotenoid cung cấp vitamin A như beta-carotene, alpha-carotene và beta-cryptoxanthin là tiền chất của vitamin A và cũng là chất chống oxy hóa mạnh, có thể giúp chống lại các gốc tự do, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, hay suy giảm nhận thức.
2.6 Bảo vệ cơ thể khỏi một số loại ung thư
Do có đặc tính chống oxy hóa nên vitamin A có thể bảo vệ cơ thể, chống lại một số loại ung thư nhất định. Tuy nhiên, chỉ có tiền chất vitamin A trong thực vật mới có khả năng này, vitamin A trong dầu cá không có tác dụng phòng ngừa ung thư.
2.7 Tốt cho da
Đối với làn da, vitamin A có tác dụng giúp da mềm mại, mịn màng và khỏe mạnh. Đặc biệt, đây còn là một chất có thể điều trị mụn và làm giảm hình thành nhân mụn.
2.8 Giúp tăng khả năng sinh sản
Vitamin A là một chất cần thiết cho quá trình sinh sản ở cả nam và nữ giới, vì nó có vai trò trong sự phát triển của tinh trùng và trứng.
2.9 Hỗ trợ sự phát triển của thai nhi
Đối với phụ nữ mang thai, vitamin A có tác dụng giúp sự sinh sản diễn ra bình thường, chống nhiễm độc thai nghén.
Bên cạnh đó, vitamin A cũng có tác dụng quan trọng đối với sức khỏe nhau thai bởi nó giúp hỗ trợ sự phát triển và duy trì mô của thai nhi, cũng như sự phát triển của thai nhi.
3. Một số loại thực phẩm giàu vitamin A
Thông thường, con người sẽ hấp thụ vitamin A từ thực phẩm hoặc thông qua các chất bổ sung.
Vitamin A có nhiều trong động vật (dạng retinol) và thực vật (dạng tiền chất vitamin A - beta caroten). Bạn có thể tìm thấy vitamin A ở một số loại thực phẩm như: gan động vật động, lươn, thịt gà, hột vịt lộn, cà rốt, cải bẹ xanh, bơ, xoài, ổi....
Xem thêm: Mách bạn 15 thực phẩm chứa nhiều vitamin A nhất nên có trong bữa ăn hàng ngày
4. Cơ thể có thiếu vitamin A không?
Mặc dù tình trạng thiếu hụt vitamin A hiếm gặp ở các nước phát triển, nhưng nó lại khá phổ biến ở các nước đang phát triển.
Thiếu vitamin A có thể dẫn đến rất nhiều các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, chẳng hạn như: gây mù lòa, tăng nguy cơ thiếu máu ở phụ nữ mang thai, nguy cơ mắc bệnh sởi ở trẻ em. Ngoài ram thiếu vitamin A còn gây ra các vấn đề về da như: tăng sừng và mụn trứng cá.
Xem thêm: Nhận diện các dấu hiệu thiếu vitamin A cách điều trị an toàn, hiệu quả
5. Khi nào cần bổ sung vitamin A?
Nhu cầu bổ sung vitamin A sẽ có sự khác biệt dựa vào độ tuổi. Hàm lượng dinh dưỡng khuyến nghị của vitamin A đối với người từ 14 tuổi trở lên là khoảng 900 mcg/ngày ở nam giới và 700 mcg/ngày ở phụ nữ. Phụ nữ có thai 770 mcg/ngày.
Thông thường, vitamin A sẽ được cung cấp vào cơ thể chủ yếu qua thực phẩm bạn ăn hàng ngày. Tuy nhiên, nếu chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ vitamin A hoặc bạn đang mắc phải một số bệnh lý mà cơ thể cần có nhiều vitamin A, bạn mới phải bổ sung vitamin A bằng chế phẩm.
Xem thêm: Những cách bổ sung vitamin A để cơ thể hấp thu hiệu quả và an toàn
6. Thừa vitamin A có sao không?
Những người thiếu vitamin A việc bổ sung là cần thiết, nhưng nếu lượng vitamin A cung cấp cho cơ thể vượt quá nhiều lần nhu cầu hàng ngày trong thời gian dài lại không hề tốt cho sức khỏe.
Thừa vitamin A gây ra nhiều tác hại cho cơ thể như: gây độc tính cho gan, khuyết tật thai nhi, rụng tóc, loãng xương, da khô, rối loạn sắc tố da,...
Xem thêm: Những tác hại nguy hiểm khi thừa vitamin A quá nhiều trong cơ thể
Như vậy, vitamin A chính là một trong những chất đặc biệt quan trong mà cơ thể cần được cung cấp đủ mỗi ngày. Bạn có thể bổ sung bằng các thực phẩm giàu vitamin A hoặc sử dụng thuốc bổ sung. Tuy nhiên, nếu bổ sung vitamin A thông qua chế phẩm bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh những trường hợp dùng sai cách hoặc quá liều lượng, gây ra tình trạng thừa vitamin A.