Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Vitamin là gì và vai trò của vitamin đối với cơ thể như thế nào?

(VOH) – Chúng ta thường nhắc tới vitamin trong quá trình xây dựng thực đơn dinh dưỡng hàng ngày, vậy vitamin là gì và vai trò của vitamin đối với cơ thể như thế nào?

Hoạt động của các cơ quan trong cơ thể có “vận hành” hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào việc cung ứng chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống của chúng ta. Theo đó, cơ thể cần tiếp nạp rất nhiều dưỡng chất khác nhau, trong đó nhất định không thể không nhắc tới vitamin.

1. Vitamin là gì?

Vitamin là cách gọi chung để chỉ các hợp chất hữu cơ cực kì cần thiết cho hoạt động sống, song cơ thể con người gần như không có khả năng tự sản xuất và buộc phải hấp thu từ những nguồn thực phẩm bên ngoài.

Tên gọi vitamin ra đời trong những năm đầu của thế kỉ XX, khởi nguồn từ “vita” mang ý nghĩa là sự sống trong tiếng La tinh và “amin” thể hiện cho thành phần hóa học chứa các axit amin. Bên cạnh đó, dựa theo trình tự thời gian phát hiện ra các loại vitamin sẽ được đặt tên bằng những chữ cái La tinh tương ứng.

1.1 Phân loại vitamin

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm thấy rất nhiều loại vitamin khác nhau, tuy nhiên có 13 loại phổ biến nhất là vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, vitamin K và 8 loại vitamin B (Vitamin B1, Vitamin B2, Vitamin B3, Vitamin B5, Vitamin B6, Vitamin B7, Vitamin B9 và Vitamin B12).  

vitamin-la-gi-va-vai-tro-cua-vitamin-doi-voi-co-the-nhu-the-nao-voh-0
Vitamin là hợp chất hữu cơ mà cơ thể gần như không thể tự sản xuất, gồm 13 loại phổ biến (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, thông qua việc phân tích cấu trúc, đặc tính hóa học, vitamin được chia thành 2 nhóm gồm vitamin tan trong nước và vitamin tan trong dầu, cụ thể:

  • Vitamin tan trong nước: Nhóm vitamin này gồm có vitamin B, vitamin C,… dễ dàng tan trong nước và ít được tích trữ. Chúng hoạt động như một chất xúc tác trong quá trình phân giải các chất hữu cơ khác trong cơ thể.
  • Vitamin tan trong dầu (chất béo): Gồm có vitamin A, vitamin D, vitamin E hay vitamin K,…kỵ nước, chỉ tan trong chất béo, thường tích trữ ở gan và mô mỡ, trực tiếp tham gia hình thành cấu trúc mô, tế bào của các cơ quan.

1.2 Vitamin và khoáng chất khác nhau thế nào?

Có thể nói vitamin và khoáng chất là “bộ đôi” gần như không thể thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày. Tuy nhiên dù cùng thuộc nhóm vi chất quan trọng song đặc điểm hóa học lại hoàn toàn khác biệt.

Nếu như vitamin là nhóm chất hữu cơ, thường bị phân hủy bởi nhiệt độ cao, không khí hoặc axit thì khoáng chất là chất vô cơ và không dễ bị phá vỡ cấu trúc.

2. Vai trò của vitamin đối với cơ thể

Hàng ngày chúng ta chỉ cần hấp thu một hàm lượng nhỏ vitamin, thế nhưng vai trò của vitamin đối với cơ thể lại cực kì to lớn. Dưới đây là những tác dụng của từng loại vitamin trong việc cải thiện sức khỏe mà bạn nên “nằm lòng”:

2.1 Vitamin A

Có thể nói vitamin A là một dưỡng chất rất điển hình của nhóm vitamin tan trong dầu, thường tồn tại dưới hai dạng vitamin A chuyển hóa và tiền vitamin A. Loại vitamin này không chỉ "nổi tiếng" với vai trò bảo vệ đôi mắt mà còn được biết đến như một thành tố thiết yếu hỗ trợ hình thành các mô bề mặt.

Bạn có thể dễ dàng tiếp nạp vitamin A từ cả nhóm thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật như gan động vật, trứng, sữa, rau xanh lá, trái ổi, trái bơ, trái xoài,…

Xem thêm: Ngoài việc giúp sáng mắt, vitamin A có tác dụng gì với sức khỏe?

2.2 Vitamin B

vitamin-la-gi-va-vai-tro-cua-vitamin-doi-voi-co-the-nhu-the-nao-voh-1
8 loại vitamin nhóm B đều đóng vai trò quan trọng giúp hệ thần kinh hoạt động hiệu quả (Nguồn: Internet)

Các loại vitamin thuộc vitamin nhóm B có cấu trúc khá tương đồng nhau và nhìn chung đều góp phần không nhỏ giúp duy trì chức năng hoạt động của hệ thần kinh. Cùng với đó, mỗi vitamin sẽ “sở hữu” những đặc tính riêng biệt để thực hiện các nhiệm vụ khác trong cơ thể:

Vitamin B1(Thiamin)

Vitamin B1 được đánh giá là thành tố không thể “vắng mặt” trong quá trình sản các chất dẫn truyền thần kinh. Chưa hết vitamin B1 còn có thể phá hủy phân tử đường trong thực phẩm, từ đây kích thích tiêu hóa và đem lại cảm giác ăn ngon miệng.

Xem thêm: 8 tác dụng của vitamin B1 bạn có thể chưa biết

Vitamin B2 (Riboflavin)

Vitamin B2 có khả năng rất đặc biệt, khi vào cơ thể có thể tự biến đổi thành 2 loại coenzym FMN và FAD. Vì lý do đó, nhóm vitamin này đảm nhiệm vị trí khá quan trọng giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng như protein, chất béo hay đường thành năng lượng.

Xem thêm: Vitamin B2 có tác dụng đối với sức khỏe?

Vitamin B3 (Niacin)

Giống như vitamin B2, vitamin B3 cũng tham gia chuyển đổi dưỡng chất thành những dạng năng lượng mà cơ thể dễ dàng sử dụng.

Chúng ta có thể hấp thu vitamin B3 trực tiếp từ thực phẩm hoặc các dạng thuốc bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, trong một số điều kiện nhất định, vitamin B3 cũng là “thành phẩm” của hoạt động chuyển hóa axit amin tryptophan dưới xúc tác của vitamin B2.  

Xem thêm: Tìm hiểu những tác dụng của vitamin B3 dành cho sức khỏe

Vitamin B5 (Acid Pantothenic)

Tuy không phải là vitamin được nhiều người biết tới nhưng vitamin B5 lại đóng vai trò “sống còn” với hoạt động sản sinh các hormone và nuôi dưỡng tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Không chỉ vậy, vitamin B5 cũng được xếp vào nhóm chất thúc đẩy trao đổi chất diễn ra hiệu quả, duy trì sức khỏe ổn định.

Xem thêm: Vitamin B5 có tác dụng đối với làn da và sức khỏe?

Vitamin B6 (Pyridoxin)

Xây dựng chế độ ăn uống cung cấp đủ lượng vitamin B6 sẽ để lại nhiều tác động tích cực tới sức khỏe của hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và hệ vận động. Bởi hoạt chất này “góp mặt” ở hầu hết các quá trình sản xuất những chất dẫn truyền thần kinh như serotoin, dopamin hay tạo hemoglobin cho tế bào hồng cầu.

Xem thêm: 9 tác dụng của vitamin B6 khiến bạn phải bất ngờ

Vitamin B7 (Vitamin H)

Nếu muốn nuôi dưỡng một mái tóc chắc khỏe cùng làn da mịn màng, sáng bóng thì bạn cần chú ý đừng để cơ thể rơi vào tình trạng thiếu hụt vitamin B7.

vitamin-la-gi-va-vai-tro-cua-vitamin-doi-voi-co-the-nhu-the-nao-voh-2
Vitamin B7 giúp nuôi dưỡng mái tóc chắc khỏe, dưỡng da mịn màng (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, vitamin B7 cũng hoạt động như chất xúc tác cho các phản ứng trao đổi chất của cơ thể, đảm bảo có đủ năng lượng và không mắc phải các bệnh lý nguy hiểm.

Xem thêm: 10 tác dụng của vitamin H giúp bạn đẹp bên ngoài, khỏe mạnh từ bên trong

Vitamin B9 (Folate)

Vitamin B9 vốn là một dưỡng chất mà phụ nữ mang thai luôn được khuyến cáo phải bổ sung đầy đủ để thai kì luôn khỏe mạnh và phòng ngừa tối đa các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Đặc biệt, vitamin B9 cũng hỗ trợ rất nhiều cho việc điều trị các rối loạn thần kinh hay tình trạng suy giảm trí nhớ như Alzheimer.

Xem thêm: Axit folic là gì? Vì sao axit folic được xem là dinh dưỡng quan trọng trong cơ thể, nhất là với mẹ bầu

Vitamin B12 (Cobalamin)

Vitamin B12 nằm trong danh sách các thành tố vô cùng cần thiết để sản xuất tế bào hồng cầu, góp phần phòng chống chứng thiếu máu xảy ra, đồng thời duy trì kết nối các tế bào thần kinh và tham gia tổng hợp DNA.

Xem thêm: Hiểu rõ những tác dụng của vitamin B12 để không bị thiếu máu và suy giảm trí nhớ

2.3 Vitamin C

vitamin-la-gi-va-vai-tro-cua-vitamin-doi-voi-co-the-nhu-the-nao-voh-3
Vitamin C có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ (Nguồn: Internet)

Vitamin C có lẽ là loại vitamin không còn mấy xa lạ với chúng ta, có đặc tính như một chất chống oxy hóa mạnh nên có khả năng củng cố hệ miễn dịch và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh đó, khi cơ thể hấp thu đủ lượng vitamin C, các sợi collagen sẽ liên kết chặt chẽ với nhau hơn, giúp bảo vệ da, mái tóc và xương khớp dẻo dai.

Xem thêm: Vitamin C có tác dụng gì? Nhu cầu hàng ngày và cách bổ sung

2.4 Vitamin D

Không giống như những nhóm vitamin khác, bạn có thể cung cấp vitamin D cho cơ thể từ việc tắm nắng hoặc sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D. Dưỡng chất này tham gia khá nhiều hoạt động trong cơ thể, song điển hình phải kể đến vai trò xây dựng tế bào xương mới và duy trì hệ vận động khỏe mạnh.

Xem thêm: 9 tác dụng của vitamin D đối với sức khỏe và cách bổ sung để cơ thể không bị thiếu hoặc thừa

2.5 Vitamin E

Các phân tích dinh dưỡng đều nhận thấy rằng vitamin E có tính chống oxy hóa mạnh mẽ. Chính bởi vậy nên tác dụng của vitamin E với cơ thể luôn được đánh giá cao, hỗ trợ phòng chống ung thư, giảm tiến trình lão hóa tế bào và tăng sức đề kháng.

Xem thêm: Vitamin E có tác dụng gì? Top thực phẩm giàu vitamin E nên biết

2.6 Vitamin K

Là nhóm vitamin hiếm khi được nhắc đến nhưng vitamin K lại thực hiện nhiều nhiệm vụ “then chốt” để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Vitamin K gồm hai nhóm là vitamin K1 và vitamin K2:

Vitamin K1

Vitamin K2 sẽ chịu trách nhiệm kích hoạt prothrombin để quá trình đông máu diễn ra nhanh chóng, ngăn ngừa tình trạng chảy máu, xuất huyết não và giữ an toàn tính mạng.

Xem thêm: Vitamin K1 có tác dụng gì với sức khỏe?

Vitamin K2

Vitamin K2 là vi chất tham gia chuyển hóa canxi và gắn chặt khoáng chất này vào tế bào xương, nhằm tạo khung xương chắc khỏe. Đặc biệt, sự có mặt của vitamin K2 trong cơ thể sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ một trái tim khỏe mạnh, giảm hiện tượng tắc nghẽn thành mạch.

Xem thêm: Vitamin K2 có tác dụng gì? Hướng dẫn bổ sung đúng - hiệu quả

3. Có nên sử dụng các loại thuốc bổ sung vitamin?

Như đã chia sẻ, chúng ta phải phải bổ sung vitamin từ nguồn bên ngoài bao gồm thực phẩm tự nhiên và những thuốc điều chế. Tuy nhiên, cho tới nay, các chuyên gia sức khỏe vẫn luôn khuyến nghị rằng hãy chủ động hấp thu vitamin từ thực phẩm thay vì lạm dụng các loại thuốc.

vitamin-la-gi-va-vai-tro-cua-vitamin-doi-voi-co-the-nhu-the-nao-voh-4
Nên tiếp nạp vitamin từ thực phẩm, không tự ý dùng thuốc bổ sung vitamin (Nguồn: Internet)

Các loại thuốc bổ sung vitamin chỉ được sử dụng khi có yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa với hàm lượng được kê đơn rõ ràng, cho nên bạn đừng tự ý mua và uống để tránh những rủi ro xấu tới sức khỏe.

Có thể thấy rằng, mỗi loại vitamin đều có đặc điểm và vai trò riêng biệt đối với cơ thể chúng ta. Vì thế hãy chú ý xây dựng một chế độ dinh dưỡng thật cân bằng, không để thiếu hụt hay dư thừa bất cứ nhóm vitamin nào bạn nhé!

Bình luận