Chờ...

Sức đề kháng là gì? Tầm quan trọng của nó đối với cơ thể

(VOH) - Sức đề kháng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cơ thể, nó chống lại sự xâm nhập của các yếu tố gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được tầm quan trọng này.

1. Sức đề kháng là gì? Tầm quan trọng của sức đề kháng

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể, giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại xâm nhập vào bên trong. 
Các tác nhân gây bệnh thường là vi sinh vật, vi trùng, vi nấm và nhiều yếu tố khác từ môi trường bên ngoài. 

suc-de-khang-la-gi-tam-quan-trong-cua-no-doi-voi-co-the-voh

Sức đề kháng giúp chống lại các tác nhân gây bệnh (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Bay còn cho biết, sức đề kháng trong cơ thể được tạo ra từ hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch là cấu trúc của cơ thể bao gồm các phản ứng, quá trình sinh học mà cơ thể tự tạo ra. Hệ thống miễn dịch gồm có hệ thống miễn dịch không đặc hiệu và hệ thống miễn dịch đặc hiệu.

  • Hệ thống miễn dịch không đặc hiệu là hệ miễn dịch tự nhiên trong cơ thể như da, các chất tiết ra từ niêm mạc, tế bào bạch cầu,…Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, hệ thống bạch cầu trong dòng máu sẽ đến “bao vây” và tiêu diệt vi khuẩn. Ngoài ra, các protein, enzym trong cơ thể cũng có thể sản sinh ra để làm vô hiệu hóa các tác nhân gây hại.
  • Hệ thống miễn dịch đặc hiệu là các loại vắc xin phòng ngừa. Trên cơ thể người đã được tiêm phòng vắc xin, khi siêu vi xâm nhập vào bên trong, cơ thể sẽ sản sinh ra chất chống lại loại siêu vi đó. Nói cách khác, miễn dịch đặc hiệu được con người tạo ra để giúp cơ thể sinh ra chất chống lại tác nhân gây bệnh.

Như vậy, sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng,…xâm nhập vào cơ thể. Do đó, tăng sức đề kháng mỗi ngày được xem là “màn chắn” vững chắc để bảo vệ cơ thể bên trong. 

2. Làm sao để tăng sức đề kháng?

Theo bác sĩ Bay, chỉ cần duy trì các yếu tố sau đây một cách khoa học thì bạn có thể tăng sức đề kháng và phòng tránh được ít nhất 70% bệnh tật có thể đến với cơ thể. 

2.1 Về dinh dưỡng

Các bữa ăn hàng ngày phải đảm bảo cung cấp đủ thành phần các chất như chất đạm, đường, chất béo và các vitamin, khoáng tố.

Hạn chế uống bia, rượu, các chất kích thích khiến sức đề kháng suy yếu. 

suc-de-khang-la-gi-tam-quan-trong-cua-no-doi-voi-co-the-voh

Không cần ăn nhiều, chỉ cần ăn đủ chất dinh dưỡng là có thể tăng sức đề kháng cho cơ thể (Nguồn: Internet)

2.2 Môi trường và cách sống

Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và thông thoáng. Bên cạnh đó, tránh thức khuya, hút thuốc lá thường xuyên.

2.3 Tinh thần

Giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh làm việc quá sức, tạo áp lực đè nặng lên thần kinh gây ra stress. Cố gắng thư giãn mỗi ngày.

2.4 Vận động

Tập luyện điều độ mỗi ngày để cơ thể được thư giãn, đồng thời tăng hấp thu các chất từ chế độ dinh dưỡng.

Nhìn chung, nếu có chế độ ăn uống và cách sống khoa học, lành mạnh thì sẽ góp phần tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: