Luôn giữ vệ sinh đôi bàn tay:
Các virus và vi khuẩn gây bệnh xuất hiện ở khắp nơi từ văn phòng làm việc đến gian bếp nhà bạn. Thói quen rửa tay thường xuyên sẽ giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lây truyền. Hãy để nước rửa tay gần bàn hoặc trong nhà bếp của bạn.
Bạn đừng quên rửa sạch tay trước khi ăn để tránh bị các chứng bệnh tiêu hóa. Hãy luôn mang theo nước rửa tay và khăn giấy ướt để bất cứ khi nào cần là có ngay.
Chế độ dinh dưỡng:
Bí quyết giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng chủ yếu là tăng vitamin C bằng cách sử dụng các thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin C cao.
Ăn trái cây họ cam, quýt: Vitamin C là chất dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bởi dưỡng chất này giúp làm tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu. Tuy nhiên, cơ thể con người lại không thể tự sản sinh hoặc tổng hợp vitamin C mà cần phải được cung cấp thông qua các loại thực phẩm để duy trì sức khỏe. Các loại trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh... là những nguồn rất giàu vitamin C.
Bông cải xanh: Là loại thực phẩm có chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, bao gồm: vitamin A, C, E, chất xơ và các chất chống oxy hóa khác. Đây là một trong những loại rau tốt cho sức khỏe, có thể đưa vào chế độ ăn mỗi ngày.
Tỏi: Theo các nghiên cứu y khoa, việc tiêu thụ tỏi có thể giúp giảm huyết áp, làm chậm quá trình xơ cứng động mạch. Ngoài ra, tỏi còn chứa rất nhiều vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, từ đó giúp nâng cao sức đề kháng da.
Gừng: Là thực phẩm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Ngoài ra gừng giúp giảm viêm, giảm đau, giúp ngăn ngừa, điều trị các bệnh viêm nhiễm khác.
Nghệ: Có tác dụng kháng viêm trong rất nhiều bài thuốc. Ngoài ra, hàm lượng curcumin cao có trong nghệ còn giúp chống cảm cúm.
Cải bó xôi (rau chân vịt): Cải bó xôi nằm trong danh sách các loại thực phẩm giúp tăng sức đề kháng bởi loại rau này không chỉ giàu vitamin C mà còn có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và beta carotene. Đây là những chất có tác dụng giúp tăng khả năng chống viêm cho hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng cho cơ thể, từ đó làm tăng sức đề kháng da.
Ớt chuông đỏ: Ngoài các loại trái cây họ cam quýt, ớt chuông cũng là một nguồn cung cấp vitamin C rất dồi dào. Thậm chí, lượng vitamin C có trong ớt chuông đỏ nhiều hơn gấp đôi so với lượng vitamin C có trong các loại trái cây họ cam, quýt. Không những vậy, ớt chuông còn rất giàu beta carotene, một dưỡng chất không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng tự nhiên của da - lớp áo giáp đặc biệt của cơ thể giúp chống lại các tác nhân gây hại, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh.
Đu đủ: Cũng là một loại trái cây chứa rất nhiều vitamin C. Theo nhiều nghiên cứu, loại trái cây này chứa đến 224% lượng vitamin C được khuyến nghị mỗi ngày. Không những vậy, đu đủ còn có chứa papain, một loại enzyme tiêu hóa có tác dụng chống viêm. Ngoài ra, đây còn là nguồn cung cấp kali, vitamin B và axit folic, những dưỡng chất có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Các loại thủy hải sản có vỏ: Là nhóm thực phẩm được nhiều người nghĩ đến nhất khi muốn tìm cách tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể bởi chúng thường có chứa rất nhiều kẽm. Kẽm là vi chất mà cơ thể chúng ta rất cần để các tế bào miễn dịch có thể hoạt động tối ưu. Một số loài động vật có vỏ có chứa nhiều kẽm mà bạn nên thêm vào chế độ ăn là cua, sò, tôm hùm, hàu... Dù kẽm rất quan trọng nhưng mỗi ngày chỉ nên bổ sung một lượng vừa phải.
Ngoài ra, cung cấp đủ Vitamin D cho cơ thể có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng. Người trưởng thành cần có khoảng 5 microgram vitamin D mỗi ngày. Bạn có thể hấp thu vitamin D bằng cách tắm nắng hoặc dùng thuốc bổ và một số loại thực phẩm như cá, trứng, sữa...
Theo lời khuyên của các thầy thuốc Đông y bạn cần:
- Hạn chế tối đa việc ăn đồ ăn sống, đồ ăn chưa nấu chín. Vì đồ ăn thức uống ăn vào muốn chuyển hóa thành năng lượng khí huyết thì cần có một khâu là làm nóng. Làm nóng đảm nhiệm chính là dương khí (dương tính nóng, có tác dụng ôn ấm cơ thể), nếu chúng ta ăn đồ ăn sống thì lượng dương khí tiêu hao để làm nóng và chuyển hóa thức ăn sẽ nhiều hơn là khi chúng ta ăn đồ chín. Hạn chế tối đa đồ ăn thức uống có tính lạnh, như nước đá lạnh, kem tươi, bia rượu ướp lạnh, đồ ăn lạnh... vì nó làm tiêu hao dương khí ở tỳ vị và toàn bộ cơ thể.
- Hạn chế đồ ăn quá ngọt. Đồ ăn quá ngọt có tính "dính", dính có một tính chất là cản trở. Mà dương khí có tính chất là vận động, nếu ăn đồ ăn ngọt quá nhiều, sẽ chỉ trói buộc và tổn thương dương khí.
- Ngủ sớm trước 23h, hạn chế sử dụng các chất kích thích, rượu bia. Giấc ngủ là một yếu tố không thể thiếu giúp bạn tăng cường sức đề kháng. Bạn cần ngủ đủ 7 – 8 tiếng và có giấc ngủ chất lượng mỗi ngày. Uống nhiều nước, uống nước ấm.
- Thời tiết lạnh nhớ giữ ấm và mặc ấm, không mặc mỏng manh để tránh tiêu hao dương khí không cần thiết. Khi ở môi trường lạnh mà chúng ta ăn mặc mỏng manh, để có thể giữ cơ thể ở nhiệt độ bình thường thì bắt buộc cơ thể phải tiêu hao năng lượng là dương khí.