Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nguyên nhân và cách xử lý khi rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi

(VOH) – Rốn là nơi dễ bị nhiễm trùng nhất ở trẻ sơ sinh vì có vết cắt dây rốn sau khi đẻ. Một trong những vấn đề thường gặp nhất ở rốn trẻ là tình trạng rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi.

Trẻ sơ sinh nào cũng cần được chăm sóc kỹ càng. Thông thường, 7 – 10 ngày sau khi sinh rốn của trẻ sẽ tự rụng. Chỉ cần quan sát, mẹ sẽ biết ngay rốn của bé đang ở trong tình trạng tốt hay không.

Thông thường, rốn trẻ sơ sinh được coi là khỏe mạnh khi phần rốn và cuống rốn khô, sạch, không bị chảy dịch. Một số trẻ có thể sẽ tiết ra một chút dịch ướt màu nâu đỏ trong khoảng thời gian trước khi rụng rốn, tuy dịch này có mùi lạ nhưng mẹ không cần quá lo lắng vì đó là hiện tượng khá phổ biến và bình thường. Song, với những trường hợp rốn trẻ sơ sinh chưa rụng có mùi hôi hoặc cuống rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi kéo dài thì mẹ cần đặc biệt lưu tâm bởi đó có thể là dấu hiệu có thấy rốn bé đang bị nhiễm trùng.

1. Rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi – nguyên nhân do đâu?

Khi bé còn trong bụng mẹ, dây rốn chính là “con đường” trung chuyển chất dinh dưỡng giữa cơ thể mẹ và con. Khi vừa chào đời, bé sẽ được bác sĩ kẹp cuống rốn và cắt dây rốn nối vào mẹ.

nguyen-nhan-va-cach-xu-ly-khi-ron-tre-so-sinh-co-mui-hoi-voh

Nhiễm trùng là nguyên nhân chính khiến rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi (Nguồn: Internet)

Trẻ sơ sinh cần một khoảng thời gian từ 7 – 10 ngày hoặc lâu hơn để cuống rốn khô và rụng. Trong khoảng thời gian này, rốn giống như một cánh cửa chưa được đóng, nếu mẹ vệ sinh không cẩn thận và đúng cách sẽ dẫn đến nhiễm trùng rốn, mở đường cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Và nhiễm trùng cũng là nguyên nhân chính khiến cuống rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi.

2. Những bất thường có thể gặp phải ở rốn trẻ sơ sinh

Tình trạng rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi có thể là biểu hiện của một vài vấn đề thường gặp như:

2.1 Nhiễm khuẩn rốn

Rốn rụng muộn, ướt và có mùi hôi kéo dài. Sau một thời gian thì sưng tấy và sinh mủ. Một vài trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể bị sưng tấy toàn thân, chướng bụng và có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.

2.2 Hoại tử rốn

Tình trạng này có thể có trước hoặc sau khi nhiễm khuẩn rốn. Biểu hiện thường gặp là rốn rụng sớm, sau đó sưng đỏ hoặc bầm tím và chảy nước mủ, đối khi là máu kèm theo mùi hôi. Trong trường hợp này mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm, bởi nếu kéo dài có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.

2.3 Viêm rốn

Khi thấy rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi, kèm theo các triệu chứng phù nề, chảy mủ vàng và lâu rụng thì rất có thể đây là biểu hiện của viêm rốn. Trẻ bị viêm rốn ngoài các triệu chứng trên thì còn bị sốt nhẹ và quấy khóc.

Đối phó với tình trạng này sẽ dựa trên mức độ, nếu viêm nhẹ mẹ có thể vệ sinh rốn cho trẻ bằng cồn 70 độ và thay băng hàng ngày. Nếu tình trạng viêm nghiêm trọng và kèm sốt cao thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

2.4 Viêm mạch máu rốn

Rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi cũng có thể là do viêm mạch máu rốn gây ra. Mạch máu rốn gồm có động mạch và tĩnh mạch, nhận nhiệm vụ vận chuyển chất dinh dưỡng khi bé còn trong bụng mẹ. Khi trẻ sinh ra, các mạch máu này cần có thời gian để xơ hóa và tiêu biến. Nếu rốn không được vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn sẽ có thể xâm nhập vào sâu bên trong mạch máu và gây viêm nhiễm.

3. Cần làm gì khi rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi?

nguyen-nhan-va-cach-xu-ly-khi-ron-tre-so-sinh-co-mui-hoi-1-voh

Dùng bông gòn vệ sinh rốn trẻ sơ sinh cần cẩn thận để tránh sợi bông gòn dính vào rốn (Nguồn: Internet)

Để tránh tình trạng rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi cũng như ngăn ngừa nhiễm khuẩn gây nguy hiểm cho bé, mẹ nên vệ sinh rốn cho bé mỗi ngày theo các bước sau đây:

  • Thường xuyên vệ sinh cuống rốn bằng cồn 70 độ. Việc này nên làm hàng ngày, sau khi bé tắm xong. Mẹ nên sử dụng bông, gạc vô trùng để lau rốn trẻ, nếu dùng bông gòn thì phải thật chú ý để tránh sợi bông gòn dính vào rốn.
  • Nước tắm cho trẻ sơ sinh cần phải đảm bảo vệ sinh, tốt nhất là bé nên được tắm bằng nước đun sôi để nguội.
  • Để giúp rốn nhanh khô và rụng, mẹ có thể lau rốn bé khô ráo hoàn toàn sau khi tắm. Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng bất kỳ một loại dung dịch hay chất lạ nào, kể cả thuốc đỏ, thuốc kháng sinh, dầu tắm, tinh dầu massage để rắc hay bôi lên vùng rốn của trẻ.
  • Áo quần của trẻ sơ sinh cần phải giặt sạch bằng xà phòng, phơi đủ nắng và nếu được thì nên ủi trước khi dùng.
  • Đưa bé đi khám ngay khi thấy có những biểu hiện bất thường ở rốn, chẳng hạn như rốn bé sơ sinh có mùi hôi kéo dài.

Như vậy, quá trình chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh là một trong những phần quan trọng mà mẹ cần phải chú ý trong những ngày đầu sau sinh. Sự chăm sóc đúng cách của mẹ sẽ góp phần làm giảm sự xâm nhập của vi khuẩn, từ đó ngăn ngừa được tình trạng rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi cũng như những vấn đề khác ở rốn trẻ.

Bình luận