Khí hư là gì? Làm sao phân biệt khí hư sinh lý và khí hư bệnh lý?

(VOH) – Khí hư là một chất dịch xuất hiện ở cơ quan sinh dục nữ. Chất dịch này thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt và nó cũng có thể phản ánh chính xác kịp thời sức khỏe 'vùng kín' của phái nữ.

Khí hư là gì?

Khí hư (hay còn gọi là dịch âm đạo, dịch tiết âm đạo) là dịch tiết sinh lý xuất hiện ở cơ quan sinh dục của nữ giới từ tuổi dậy thì cho tới khi mãn kinh.

Khí hư đóng vai trò như một chất bôi trơn, giữ ẩm, giúp ổn định môi trường sinh dục và hạn chế sự phát triển của các tác nhân, vi khuẩn gây bệnh trong âm đạo và cổ tử cung. Ngoài ra, khí hư cũng tạo môi trường thuận lợi để tinh trùng khỏe mạnh dễ dàng bơi sâu vào trứng, kết hợp với trứng để thụ thai.

Khí hư được hình thành từ tác dụng của nội tiết tố estrogen. Khí hư bình thường có màu trắng giống như lòng trắng trứng, khá dai, có thể kéo thành sợi, không mùi hoặc có mùi hơi tanh.

Lượng khí hư ở mỗi phụ nữ đều khác nhau dựa vào nồng độ nội tiết tố nữ và giảm dần theo độ tuổi. Trong thời điểm trước khi rụng trứng, khi mang thai hoặc “quan hệ vợ chồng” lượng khí hư sẽ tiết ra nhiều hơn bình thường. Ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, sự suy giảm nồng độ estrogen, phụ nữ sẽ ra khí hư ít hơn so với giai đoạn trước đó.

khi-hu-la-gi-lam-sao-phan-biet-khi-hu-sinh-ly-va-khi-hu-benh-ly-voh

Khi hư thường thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt (Nguồn: Internet)

Đặc điểm khí hư ở mỗi giai đoạn của người phụ nữ diễn ra như sau:

  • Tuổi dậy thì đến hết tuổi thiếu niên: Là giai đoạn khí hư mới bắt đầu xuất hiện và có kinh nguyệt.
  • Tuổi từ 20 đến giai đoạn mãn kinh: Từ năm 20 – 30 tuổi, lượng khí hư của phụ nữ đạt mức cao nhất. Sau đó, giảm dần theo sự suy giảm nồng độ nội tiết tố nữ.
  • Độ tuổi hậu mãn kinh: Thời kỳ sau mãn kinh, sự điều tiết estrogen bị chững lại, lượng khí hư bị giảm nên nhiều phụ nữ sẽ gặp phải tình trạng khô âm đạo.

Quá trình tiết ra khí hư hàng ngày là quá trình hoàn toàn tự nhiên, đây là cách để giúp âm đạo luôn sạch sẽ. Khí hư sinh lý thường thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, những thay đổi về màu sắc, lượng dịch hay thời gian tiết dịch đều có liên quan trực tiếp đến việc rụng trứng.

Ngoài ra, dựa vào đặc điểm màu sắc, số lượng và tính chất của khí hư bạn có thể nhận biết được tình hình sức khỏe vùng kín của chính mình.

Cách nhận biết khí hư bình thường và khí hư bệnh lý

  1. Nhận biết khí hư bình thường

Những đặc điểm giúp bạn nhận biết khí hư bình thường:

  • Màu khí hư bình thường là màu trắng trong: Khí hư bình thường có màu trắng trong, hơi trắng hoặc có thể hơi ngà trắng, khi khô sẽ là màu vàng nhạt.
  • Khí hư bình thường có độ dai dính: Khí hư thường có độ dai dính gần giống như lòng trắng trứng gà, đặc biệt trước những ngày rụng trứng thì chúng có độ dai lớn nhất, có thể kéo thành sợi.
  • Khí hư bình thường có mùi nhẹ hoặc không mùi: Tùy từng người, cơ địa và chế độ dinh dưỡng mà dịch tiết âm đạo có thể có mùi nhẹ, thường là mùi tanh hoặc không mùi.
  • Khí hư bình thường dịch tiết ra ổn định: Tùy vào nồng độ nội tiết tố ở từng người, cơ địa mỗi người mà lượng khí hư tiết ra sẽ khác nhau. Nhưng đặc điểm chung của người có sức khỏe phụ khoa tốt là lượng dịch tiết ra thường ổn định qua các chu kỳ. Trừ một số thời điểm đặc biệt như: mang thai, rụng trứng, lao động nặng nhọc...

khi-hu-la-gi-lam-sao-phan-biet-khi-hu-sinh-ly-va-khi-hu-benh-ly-1-voh

Dựa vào màu sắc, số lượng và tính chất của khí hư để nhận biết tình hình sức khỏe vùng kín (Nguồn: Internet)

  1. Nhận biết khí hư bệnh lý

Bên cạnh khí hư sinh lý, nhiều trường hợp khí hư là biểu hiện các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa. Cụ thể:

  • Khí hư tiết nhiều, có màu trắng hoặc đặc như phô mai: Đây là biểu hiện của nhiễm nấm âm đạo. Triệu chứng kèm theo là vùng kín có mùi tanh, ngứa, sưng.
  • Khí hư có màu vàng hoặc xanh, dày: Căn bệnh điển hình của tình trạng này là nhiễm trùng roi Trichomonas. Không chỉ khí hư đổi màu mà khí hư còn có mùi hôi khó chịu.
  • Khí hư có màu nâu, có thể lẫn máu: Đây có thể là do tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc do các bệnh lý liên quan đến tử cung, buồng trứng gây ra. Cùng với đó, phụ nữ còn bị đau vùng chậu hoặc chảy máu âm đạo.
  • Khí hư có màu vàng hoặc xanh nõn chuối: Đây là dấu hiệu nhận biết bệnh lậu. Phụ nữ mắc bệnh lậu còn gặp phải triệu chứng đau vùng xương chậu, nước tiểu có lẫn máu hoặc mủ.

Khí hư bệnh lý là biểu hiện các bệnh bệnh phụ khoa. Do đó, khi phát hiện dịch tiết âm bất thường, bạn cần đến cơ sở y tế để bác sĩ sản phụ khoa khám và điều trị kịp thời, tránh viêm nhiễm nặng có thể để lại biến chứng nguy hiểm, trong đó có vô sinh.

Ngăn ngừa khí hư bệnh lý bằng cách nào?

Môi trường ẩm ướt của âm đạo là điều kiện thuận lợi cho khuẩn, virus xâm nhập và phát triển, hình thành nhiều bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa. Do đó, các chị em cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày cùng với đó là thực hiện tốt một số lưu ý sau:

  • Chọn quần lót thoáng mát, thấm ẩm, vừa vặn để luôn cảm thấy thoải mái dễ chịu.
  • Thay quần lót tối thiểu ngày một lần. Những thời điểm khí hư ra nhiều, bạn có thể thay nhiều hơn hoặc dùng băng vệ sinh hàng ngày để thấm ẩm, giữ vùng kín luôn sạch sẽ.
  • Vệ sinh vùng kín bằng nước sạch và lau khô. Hạn chế việc dùng nước rửa phụ khoa thụt rửa sâu âm đạo vì có thể gây ra viêm nhiễm.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang suckhoedoisong.vn
  2. Trang vinmec.com
Bị ra huyết trắng khi mang thai có phải là bệnh lý? : Nhiều mẹ bầu khi mang thai gặp phải tình trạng huyết trắng ra nhiều. Vậy hiện tượng ra huyết trắng khi mang thai có đáng lo ngại hay không?
Nguy cơ viêm âm đạo khi lạm dụng nước rửa phụ khoa : Nước rửa phụ khoa là sản phẩm được dành riêng cho việc vệ sinh vùng kín phụ nữ. Tuy nhiên, bạn có biết việc lạm dụng nước rửa phụ khoa có thể dẫn đến viêm âm đạo?