Chờ...

Những điều cần biết về bệnh suy thận

(VOH) - Thận thanh lọc máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa, cân bằng muối và chất điện giải trong máu, giúp điều chỉnh huyết áp. Nếu bị suy thận thì liệu những chức năng này còn hoạt động?

1. Suy thận là gì?

Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, chủ yếu là chức năng bài tiết chất thải của cơ thể sau quá trình chuyển hóa. Ngoài ra, đối với những trường hợp suy thận, đặc biệt là suy thận mạn, các chức năng khác của thận cũng bị suy giảm nghiêm trọng như điều hòa dịch, điện giải, toan kiềm, kích thích tạo máu, tổng hợp vitamin D,…

nhung-dieu-can-biet-ve-benh-suy-than-voh-1

Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận (Nguồn: Internet)

Có 2 loại suy thận thường gặp là:

  • Suy thận mãn tính: Xảy ra trong thời gian dài (trên 3 tháng) có sự giảm dần các chức năng lọc của thận do teo các tế bào thận không hồi phục được.
  • Suy thận cấp tính: Xảy ra trong thời gian ngắn, trước đó chưa từng xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng chữa khỏi được. Suy thận cấp có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Một số trường hợp suy thận kéo dài sẽ chuyển sang giai đoạn suy thận mãn tính.

2. Dấu hiệu của bệnh suy thận

Khi thận bị suy, chức năng của thận sẽ suy giảm và gây ra hàng loạt các triệu chứng sau:

2.1 Ngứa

Thận có chức năng loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu. Khi thận bị suy, sự tích tụ của các chất thải này trong máu có thể gây ngứa ở da.

2.2 Thay đổi khi đi tiểu

Những thay đổi như tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có màu tối hoặc có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó,…là những triệu chứng của suy thận phổ biến.

2.3 Mệt mỏi

Khi thận khỏe mạnh sẽ tạo ra một hormon gọi là erythropoietin, hormon này thông báo cho cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mang oxy. Khi bị suy thận, chúng tạo ra ít erythropoietin hơn, cơ thể có ít các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy hơn, nên các cơ và đầu óc của bạn mệt đi nhanh chóng. Tình trạng này được gọi là thiếu máu do suy thận.

2.4 Hơi thở có mùi amoniac

Thận suy yếu, sự tích tụ của các chất thải trong máu (được gọi là chứng urê huyết) có thể khiến thức ăn có vị khác đi và khiến hơi thở có mùi như mùi amoniac. Ngoài ra, bạn cũng nhận thấy rằng bạn không thích ăn thịt nữa.

2.5 Buồn nôn và nôn

Do chứng urê huyết nên gây ra tình trạng buồn nôn và nôn.

2.6 Đau lưng hoặc đau cạnh sườn

Một số bệnh nhân bị suy thận có thể bị đau lưng hay đau ở xương sườn.

nhung-dieu-can-biet-ve-benh-suy-than-voh-2

Đau lưng cảnh báo bệnh suy thận (Nguồn: Internet)

2.7 Phù mắt cá chân, bàn chân và bàn tay

Thận hoạt động kém sẽ không thể loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Việc này dẫn đến hiện tượng tích natri gây sưng ở mắt cá chân, bàn chân và bàn tay.

2.8 Khó thở

Dấu hiệu bị suy thận còn biểu hiện qua sự khó thở hoặc thở nông, do chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ trong 2 lá phổi kèm theo tình trạng thiếu máu (sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy) sinh ra tình trạng khó thở.

3. Nguyên nhân gây suy thận

Tùy vào loại suy thận mà nguyên nhân gây ra có phần khác nhau. Cụ thể:

3.1 Nguyên nhân gây suy thận mạn (suy thận mãn tính)

Suy thận mạn (suy thận mãn tính) xảy ra khi có một bệnh hoặc rối loạn ở thận xuất hiện. Bất thường này sẽ làm tổn thương thận ngày càng trầm trọng trong vài tháng hoặc vài năm.

Những bệnh và rối loạn thận thường xảy ra bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường, cao huyết áp.
  • Viêm cầu thận.
  • Viêm ống thận mô kẽ.
  • Bệnh thận đa nang.
  • Tắc nghẽn kéo dài đường tiết niệu, có thể do phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận và một số bệnh ung thư.
  • Trào ngược bàng quang niệu quản, tình trạng nước tiểu trào ngược lên thận.
  • Viêm đài bể thận tái phát nhiều lần.

3.2 Nguyên nhân gây suy thận cấp

Chức năng thận bị mất một cách đột ngột được gọi là tổn thương thận cấp tính, còn được gọi là suy thận cấp. Nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Chấn thương gây mất máu.
  • Mất nước.
  • Tổn thương thận từ nhiễm trùng máu.
  • Tắc nghẽn dòng nước tiểu, chẳng hạn như do phì đại tuyến tiền liệt.
  • Tổn thương thận do một số loại thuốc hoặc chất độc.
  • Biến chứng trong thai kỳ, chẳng hạn như sản giật và tiền sản giật.

Vận động viên thể dục thể thao không uống đủ nước trong khi thi đấu ở các cuộc thi yêu cầu sức bền cũng có thể bị suy thận cấp tính do các cơ trong cơ thể bị phân hủy. Các mô cơ này khi bị vỡ sẽ phóng thích một loại protein vào trong máu gọi là myoglobin, gây tổn thương thận.

4. Bệnh suy thận có nguy hiểm không?

Đối với suy thận cấp tính, nếu phát hiện sớm và tích cực điều trị thì có thể thoát khỏi bệnh và tránh được các biến chứng nguy hiểm. Nếu suy thận cấp tính kéo dài không điều trị, bệnh có thể chuyển sang suy thận mạn tính. Lúc này, nếu vẫn không điều trị bệnh có thể gây ra một số biến chứng sau:

  • Tình trạng giữ nước, có thể dẫn đến phù ở tay và chân, huyết áp cao hoặc có chất dịch trong phổi (phù phổi).
  • Sự gia tăng đột ngột nồng độ kali trong máu (tăng kali máu) có thể làm giảm khả năng hoạt động của tim và đe dọa tính mạng.
  • Mắc các bệnh tim và mạch máu.
  • Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương.
  • Thiếu máu.
  • Giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực.
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây ra tình trạng khó tập trung, thay đổi tính cách hoặc co giật.
  • Giảm phản ứng miễn dịch nên cơ thể dễ bị nhiễm trùng
  • Biến chứng trong thai kỳ, nguy hiểm cho người mẹ và thai nhi đang phát triển.

Vì thế, khi nhận thấy dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu bạn nên đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn điều trị thích hợp, phòng tránh biến chứng của suy thận có thể xảy ra.

5. Bị suy thận phải làm sao?

nhung-dieu-can-biet-ve-benh-suy-than-voh-3

Người bị suy thận cần hạn chế ăn muối (Nguồn: Internet)

Khi chức năng thận đã giảm, cần có biện pháp để giúp cơ thể loại bỏ chất muối, nước thừa có trong máu bằng cách điều chỉnh lượng muối, protein, và các chất khác trong bữa ăn hằng ngày. Chế độ dinh dưỡng khoa học có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và kéo dài thời gian làm việc của thận.

Về thuốc, cần dùng thuốc kiểm soát huyết áp, duy trì cân bằng về vitamin và chất khoáng, điều trị thiếu máu, thuốc giúp cho xương khỏe như vitamin D3, canxi... Khi sử dụng thuốc cần tuân theo theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Vận động thường xuyên vẫn rất cần thiết cho người có bệnh thận vì giúp tăng sức khỏe, nghị lực sống, giảm huyết áp, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát cân nặng và giảm nồng độ mỡ máu.

Bình luận